+
Aa
-
like
comment

Lợi và hại khi cho học sinh dùng điện thoại thông minh

19/09/2020 17:35

Giáo viên cho rằng việc này phù hợp xu thế, thúc đẩy khả năng tự học nhưng đồng thời khiến nhà trường và phụ huynh “đau đầu” tìm cách quản lý.

Bốn ngày trước, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 32, quy định nếu được giáo viên cho phép và để phục vụ học tập, học sinh THCS, THPT được dùng điện thoại di động và các thiết bị khác trong giờ học. Văn bản này thay đổi hoàn toàn so với Thông tư 12 năm 2011, cấm học sinh dùng điện thoại di động, máy nghe nhạc trong giờ học dưới mọi hình thức.

Cô Nguyễn Thị Tuyết Mai, giáo viên Văn trường THCS Nguyễn Hữu Tiến, Hà Nam, cho rằng việc không cấm học sinh dùng điện thoại trong giờ học là quyết định phù hợp với sự phát triển của thời đại, thúc đẩy khả năng tự học. Về lâu dài, sách giáo khoa sẽ được đổi mới, dẫn tới phương pháp dạy cũng cần điều chỉnh cho phù hợp.

Từ kinh nghiệm dạy VNEN, cô Mai cho rằng việc truyền đạt kiến thức không còn một chiều từ giáo viên đến học sinh như trước, thay vào đó là đẩy mạnh tương tác giữa các em với nhau và với giáo viên, từ đó phát huy năng lực tự học. “Để tự học được, học sinh cần Internet tra cứu thông tin, hình ảnh mà sách giáo khoa chưa thể hiện được hết”, cô Mai nói.

Cũng có cái nhìn tích cực, thầy Phạm Lê Thanh, giáo viên Hóa một trường THPT tại TP HCM, cho rằng việc cho học sinh được sử dụng điện thoại di động trong giờ học là cách làm mở, sáng tạo, giúp tối ưu hóa ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ dạy và học.

Trong giờ dạy của mình, thầy Thanh thường thiết kế chuyên mục “5 phút đọc báo cùng bạn” cho học sinh. Trước khi sử dụng điện thoại, thầy và trò sẽ quy ước trước với nhau về nội quy cần tuân thủ với những hình thức “khen thưởng” khi làm tốt và “phạt” nếu vi phạm.

Các em sẽ sử dụng điện thoại di động theo cặp, vào các bài báo mới hoặc thông tin khoa học để thảo luận về một số vấn đề liên quan bài học. Sau thời gian cho phép, học sinh nộp điện thoại lại cho giáo viên, dán tên và ghi chú lại nhằm không sử dụng với mục đích khác như lên Facebook, chơi game.

Theo thầy Thanh, việc sử dụng điện thoại còn giúp củng cố và luyện tập, làm bài kiểm tra trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn cho cả thầy và trò. Thay vì trước đây với quy trình cũ, giáo viên phải soạn đề, in đề trên giấy, vào lớp phát ra, thu lại rồi lại mang về nhà chấm bài, nhập điểm…, điện thoại có thể tích hợp những phần mềm trắc nghiệm. Thầy cô chỉ cần soạn trước câu hỏi, lưu lại sau đó để học sinh truy cập link, làm bài tập và nhận điểm số ngay sau khi hoàn thành.

“Những tiết học mà tôi giảng dạy có ứng dụng công nghệ thông tin luôn được học sinh thích thú và hào hứng hơn so với những tiết chỉ đơn thuần thầy trò làm việc với bảng đen, phấn trắng, vở ghi”, thầy Thanh kể.

Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du, TP HCM, cũng đánh giá đây là bước đi đột phá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giúp khơi nguồn vui và sáng tạo trong học tập cho học sinh. 5 năm trở lại đây, trường THPT Nguyễn Du thường xuyên có tiết dạy cho học sinh sử dụng điện thoại. Chẳng hạn khi học môn Địa lý, bài học về khí hậu, thời tiết, việc chiếu một đoạn phim về cơn bão hay tình hình hạn hán… sẽ giúp hiệu quả dạy học cao hơn.

Học sinh trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM) trong một tiết học có sử dụng điện thoại dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Ảnh: Huỳnh Phú
Học sinh trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM) trong một tiết học có sử dụng điện thoại dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Ảnh: Huỳnh Phú

Tuy nhiên, giáo viên cho rằng cho học sinh dùng điện thoại trong giờ cũng gây ra nhiều mặt trái, khiến phụ huynh và nhà trường “đau đầu”. Về phía gia đình, cô Tuyết Mai chỉ ra trường hợp học sinh có thể vòi vĩnh bố mẹ sắm điện thoại thông minh, lấy lý do cần cho học tập, nhà trường không cấm và bạn bè đều có. Nếu mua cho con, bố mẹ tốn khoản phí không nhỏ, đặc biệt là những gia đình vùng ngoại thành, đồng thời khó quản lý khi các em ở trường hoặc tự học buổi tối.

Dù học sinh chỉ được dùng khi giáo viên cho phép hoặc phục vụ bài học, cô Mai thừa nhận việc này rất khó quản lý. “Ngay cả khi để mắt, thầy cô cũng không biết được hết các em làm gì, liệu có dùng điện thoại để tra kiến thức hay làm việc riêng, chứ đừng nói khi đang tập trung giảng và chữa bài. Nhiều em vẫn có thể dùng trộm điện thoại để trong ngăn bàn”, cô giáo nói.

Theo cô Mai, việc chặn một số mạng xã hội tại trường học không khả thi. Để giải quyết việc này, quan trọng nhất là ý thức học sinh bởi khi đã cho phép mang điện thoại đến trường, được sử dụng trong lớp, việc quản lý của thầy cô không thể đảm bảo 100%. Ngoài ra, các lớp có thể bổ sung một số nội quy nếu học sinh dùng điện thoại sai mục đích hoặc không được cho phép như trừ điểm nền nếp, thi đua của em đó, thu điện thoại và trả lại phụ huynh. Trường hợp học sinh dùng điện thoại để giải lận trong giờ kiểm tra, giáo viên có thể trừ điểm bài đó.

Cùng quan điểm, Hiệu trưởng Huỳnh Thanh Phú cho rằng bố mẹ sẽ lo con em dùng điện thoại vào mục đích giải trí vô bổ, tiếp cận thông tin xấu dẫn đến bỏ bê, sa sút học tập. Một số giáo viên cũng bày tỏ lo lắng khi phải quản lý kỹ tiết học, xem em nào sử dụng điện thoại khi chưa cho phép. Nhiều người sẽ lo các em coi phim, lướt web trong giờ học hoặc ghi âm, ghi hình khi chưa được phép.

“Chúng ta phải phân tích, nhìn nhận cả mặt tích cực và tiêu cực để tìm ra giải pháp tốt nhất chứ không phải là cấm cản. Tôi tin các em sẽ sử dụng tốt điện thoại cho việc học dưới sự hướng dẫn của thầy cô”, thầy Phú nói.

Học sinh trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM) trong một tiết học có sử dụng điện thoại dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Ảnh: Huỳnh Phú
Học sinh trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM) trong một tiết học có sử dụng điện thoại dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Ảnh: Huỳnh Phú

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng cần hiểu đúng sự thay đổi quy định về sử dụng điện thoại. Theo thông tư 12 năm 2011, việc không được sử dụng điện thoại di động thuộc điều quy định về các hành vi học sinh không được làm. Với thông tư 32 vừa ban hành, quy định không “sử dụng điện thoại di động khi đang học tập trên lớp mà không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép” vẫn nằm trong điều khoản về các hành vi học sinh không được làm.

“Việc sử dụng điện thoại vẫn bị cấm nhưng được nới lỏng, mở ra một phần là được phép sử dụng cho mục đích học tập khi có sự cho phép và kiểm soát của giáo viên”, ông Thành nói.

Vụ trưởng Giáo dục trung học chỉ ra những lý do khiến Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh. Thứ nhất, bối cảnh xã hội đã thay đổi, việc chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và ở mọi lĩnh vực trở nên mạnh mẽ hơn. Nguồn tài liệu trên Internet phong phú, có thể hỗ trợ quá trình dạy và học. Vì vậy, học sinh cần có công cụ để tiếp cận nguồn tài liệu này, trong đó có điện thoại di động.

Thứ hai, trong hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiều năm nay, muốn phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh thì phải đổi mới phương pháp, hình thức dạy học. Một trong những năng lực học sinh cần đạt trong chương trình giáo dục phổ thông mới là tự chủ và tự học. Việc sử dụng điện thoại trong lớp để tra cứu thông tin, truy cập bài học trên mạng khi được giáo viên cho phép cũng giúp phát huy năng lực này. Quy định này cũng phù hợp với xu hướng chung của thế giới.

Ông Thành cũng khẳng định quy định này còn cho thấy việc Bộ Giáo dục và Đào tạo trao quyền cho giáo viên. “Trong lớp học hoặc một hoạt động học cụ thể, giáo viên phải chủ động hoàn toàn trong việc tổ chức hoạt động học của học sinh. Nếu thấy cần thiết, giáo viên có thể cho học sinh sử dụng điện thoại để hỗ trợ nhưng phải kiểm soát, nếu không thì thôi”, ông Thành nhấn mạnh.

Thanh Hằng – Mạnh Tùng – Dương Tâm

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều