Nhà “dân chủ” có tật giật mình hay sao mà chống luật Đăng ký tài sản
Phòng chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay. Trong công tác phòng chống tham nhũng, việc kiểm soát tài sản là vấn đề có ý nghĩa then chốt. Tuy nhiên, trước ý kiến đề xuất của ông Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao, về việc đăng ký tài sản, một số đối tượng xấu đã lợi dụng xuyên tạc, hướng lái thông tin gây nhiễu loạn tình hình.
Sáng 12/1, Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Bàn về công tác thu hồi tài sản trong việc xử lý án tham nhũng, ông Lê Minh Trí cho rằng để thu hồi tài sản tham nhũng, đồng thời phòng ngừa và chống tham nhũng, cần phải ban hành Luật Đăng ký tài sản. Theo ý kiến của ông Trí, hiện kê khai tài sản chỉ ở trong hệ thống chính trị, nếu người ta đã tham nhũng thì không bao giờ tự mình đứng tên. Thực tế có những người ngoài 20 tuổi đã đứng tên khối tài sản cả trăm tỷ, nghìn tỷ đồng. Chúng ta biết hết nhưng không xử lý được vì vướng quyền sở hữu của công dân. Nếu có luật Đăng ký tài sản, khi một người đăng ký tài sản mới mà không chứng minh được nguồn gốc sẽ bị “thăm hỏi” ngay. Đây cũng là cơ sở pháp lý để xử lý, “không còn chỗ ẩn nấp cho nhóm tài sản tham nhũng. Đề xuất của ông Lê Minh Trí là kết quả của quá trình công tác thực tiễn lâu năm trong hệ thống tư pháp, cần phải được tôn trọng và nghiên cứu. Nếu nó đáp ứng tính khả thi, tính cần thiết để đưa vào dự án xây dựng luật. Tuy nhiên, một số “anh hùng bàn phím” thì lại cố tình xuyên tạc, biến tướng vấn đề để công kích, vu khống, hạ bệ chính quyền.
Lời ong, tiếng ve của những kẻ chống đối
Ngay sau khi ông Lê Minh Trí đưa ra ý kiến đề xuất xây dựng Luật đăng ký tài sản, nhiều đối tượng chống đối, cơ hội chính trị đã lợi dụng vấn đề để xuyên tạc nhằm chống phá chính quyền. Các đối tượng này đưa ra những luận điệu, quan điểm hết sức phi lý, vô căn cứ và chứa đựng tư tưởng chống đối sâu sắc nhằm hù dọa người dân như: “Luật này được ban hành, sẽ tạo thêm tội ác tham nhũng trong lĩnh vực kiểm tra tài sản”, “Luật đăng ký tài sản nếu được thông qua và ban hành áp dụng, cũng không thể đụng được 1 xu hoặc 1 góc toilet của biệt phủ của quan chức tham nhũng”, “việc kê khai tài sản chỉ diễn ra nội bộ, không bao giờ dám công khai cho nhân dân biết”, “Luật có thể chỉ tập trung kiểm soát dân, lợi dụng thông tin nắm được về tiền và tài sản của công dân để ra những văn bản chính sách huy động, vay mượn hoặc kêu gọi dân ủng hộ tiền vàtài sản”…
Cần phải thống nhất một cách rõ ràng rằng những luận điệu trên là hoàn toàn vô căn cứ, phi lý và sai sự thật. Các đối tượng này đang cố tình tô vẽ ra những bóng ma để hù dọa người dân về công tác xây dựng luật, hình thành những nhận thức thiếu chuẩn xác, đúng đắn về vấn đề.
Việc xây dựng và ban hành Luật Đăng ký tài sản mới dừng lại ở ý kiến đề xuất cá nhân của ông Lê Minh Trí. Như đã nói từ đầu, đây là kết quả nghiên cứu, đúc kết từ thực tiễn công tác của bản thân ông khi xử lý án tham nhũng. Xây dựng và ban hành Luật là một quá trình phức tạp, được cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng. Đến thời điểm hiện tại, Quốc hội vẫn chưa hề tiến hành các hoạt động xây dựng Luật Đăng ký tài sản. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Luật Đăng ký tài sản vẫn chưa được “hoài thai”. Ấy vậy nhưng chỉ từ ý kiến đề nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao, nhiều đối tượng đã nhảy ngược lên để công kích, chống phá – một hành động mang tính chất “cầm đèn chạy trước ô tô”.
Xây dựng Luật: nếu phù hợp thì hoàn toàn có thể
Ý kiến của ông Lê Minh Trí về việc xây dựng Luật Đăng ký tài sản là điều chúng ta cần tôn trọng. Đúng như ý kiến của ông Lê Minh Trí đã nêu ra, việc kiểm soát tài sản, thu nhập là một trong những nhiệm vụ hàng đầu để phòng ngừa và đấu tranh với tham nhũng. Tuy nhiên, diện đối tượng cần phải kiểm soát tài sản như hiện tại rõ ràng là chưa đáp ứng hết được yêu cầu của thực tiễn. Do đó, việc ban hành các quy định, cơ chế, chính sách mới là vấn đề cần thiết.
Hành động công kích cá nhân mà các đối tượng chống phá đang tiến hành cho thấy bản chất vô lý, không từ thủ đoạn, sẵn sàng tấn công bất kỳ ai, miễn là đạt được mục đích chống phá. Thậm chí, các đối tượng còn tiến hành móc nối thông tin theo kiểu “râu ông nọ cắm càm bà kia”, hướng lái thông tin, vụ việc không liên quan để tạo ra những sự lầm tưởng nhằm hù dọa quần chúng.
Những luận điệu xuyên tạc, sai trái đang được các đối tượng xấu đẩy mạnh lan truyền trên các trang mạng xã hội, tác động đến một bộ phận người dùng mạng nhẹ dạ, cả tin khiến cho tình hình trở nên nhiễu loạn. Do đó, mỗi người dân phải tự trang bị cho mình những kiến thức nhất định để có thể sàng lọc hiệu quả đối với những thông tin độc, hại, sai trái.
Bảo An
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.