‘Lời khẩn cầu’ của đàn bò tót: Các tiến sĩ ơi, xin thôi đừng nghiên cứu!
Có một tin vui cuối tuần qua là 10 chú bò tót lai gầy trơ xương dạo trước ở Trung tâm Ứng dụng Khoa học-Công nghệ Lâm Đồng đã có da, có thịt trở lại sau khi chúng được đưa về nuôi ở một vườn quốc gia.
Cách đây hơn 1 tháng, khi những hình ảnh đầu tiên của những chú bò tót lai, mua lại của người dân ở huyện Phước Bình, tỉnh Ninh Thuận đã khiến tất cả những ai biết chuyện đều thấy sửng sốt, bất bình. Vốn là những chú bò to, khỏe, hùng dũng, khi được đưa về một trung tâm nghiên cứu khoa học, chúng đã gầy đến nỗi, người ta hầu như không thấy chúng có chút da thịt nào mà thực sự, giống như những khối xương di động.
Trả lời báo chí về lý do tại sao những chú bò này sau một thời gian được mua, được chăn nuôi, nghiên cứu bằng tiền ngân sách nhà nước lại gầy trơ xương như vậy, lãnh đạo Trung tâm ứng dụng Khoa học-công nghệ (KH-CN) tỉnh Lâm Đồng cho biết đây là đề tài khoa học nghiên cứu giám định di truyền cấp quốc gia và quá trình nghiên cứu “không có tiêu cực nào”.
Dự án này ban đầu là do Sở KH-CN Lâm Đồng và Sở KH-CN Ninh Thuận phối hợp nghiên cứu từ năm 2012-2015 với kinh phí 1,9 tỷ đồng. Và sau đó được bàn giao lại cho Trung tâm KH-CN tỉnh Lâm Đồng nghiên cứu tiếp với kinh phí 3 tỷ đồng, đề tài đến tháng 6/2019 thì kết thúc. Và chính từ thời điểm đó đến đầu tháng 10/2020 thì xuất hiện tình trạng những chú bò bị bỏ đói trơ xương.
Có điều may mắn là trong thời gian đó đã không có chú bò tót (lai) nào bị chết đến khi được phát hiện và bàn giao cho Vườn quốc gia Phước Bình (huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận). Từ ngày bàn giao (5/10) đến nay, những động vật quý này đã được chăm sóc và đang béo lên từng ngày.
Nhưng cho dù như vậy, vẫn rất cần làm rõ nhiều vấn đề ở đây là tại sao người ta có thể tàn nhẫn bỏ đói những chú bò lại là bò tót lai như vậy?. Mục đích của việc nghiên cứu đàn bò này là nhằm bảo tồn và phát triển chúng nhưng các nhà khoa học của ta sau khi nghiên cứu xong thì có vẻ như quên ngay mục đích của việc nghiên cứu và bỏ mặc cho đối tượng nghiên cứu của mình bị suy kiệt, trông rất phản cảm.
Và đáng nói là người ta còn đưa ra những lời giải thích rất khó tìm được tính hợp lý ở đây: Lúc thì bảo do hết tiền ngân sách để nuôi, lúc thì bảo là do con bò to tranh ăn với con bò bé làm con bé hơn bị ốm. Cho nên, để tìm câu trả lời, rất nên có một đoàn thanh tra vào để làm rõ có không tiêu cực trong việc sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước trong việc nuôi dưỡng các chú bò này trong thời gian được “nghiên cứu”.
Chắc rằng, chẳng có cơ quan cấp ngân sách nào xác định khi quyết định chi ngân sách để cho các nhà khoa học nghiên cứu lại chấp nhận kết quả là sau khi nghiên cứu xong thì bỏ mặc đàn bò có gen quý hiếm, khiến chúng đói ăn đến mức có thể chết cả bầy như vậy.
Còn với các chú bò tót lai kia, có lẽ bây giờ cũng đã đỡ sợ. Nhưng hẳn chúng đang thầm khẩn cầu các tiến sĩ, các nhà khoa học của tỉnh Lâm Đồng sau dự án trên, đừng bao giờ tìm lại để “nghiên cứu” chúng thêm một lần nữa.
Mạnh Quân/DT