+
Aa
-
like
comment

Lời kêu gào thảm hại của những kẻ bấu víu vào thứ “phong trào dân chủ” lạc hậu

An Diễm - 10/11/2021 11:36

Trong thời đại văn minh, tiến bộ ngày nay, cả thế giới kết nối cùng phát triển, chia sẻ các điểm hữu nghị về văn hóa và thể chế riêng của mỗi nước, nhiều phong trào lạc hậu đã bị bỏ lại phía sau. Khi vị thế Việt Nam ngày càng phát triển, hình ảnh và uy tín Việt Nam ngày một nâng cao trong quan hệ với các quốc gia trên thế giới thì các thế lực thù địch, đòi “dân chủ” ngày càng tuyệt vọng. Chúng chỉ còn biết bám víu vào các thế lực chính trị cực đoan ở Mỹ và phương Tây để hi vọng một sự đổi thay sẽ không bao giờ đến.

Những cuộc biểu tình lạc lõng của cái gọi là “phong trào dân chủ”.

Mới đây, cái gọi là “Luật khoa tạp chí” đăng bài kêu gào đòi Tổng thống Mỹ Joe Biden “nhanh chóng thể hiện quyền lực sức mạnh mềm” của nước Mỹ để tác động đến “phong trào dân chủ” ở Việt Nam. Kêu gào về thứ “phong trào” lạc hậu đó là thế, nhưng chính bản thân chúng cũng phải thừa nhận là nó “quá nhỏ về số lượng và quá yếu về độ bám rễ”. Một phong trào đã và đang bị loại bỏ, tẩy chay vì không phù hợp với xã hội thì còn mong gì tồn tại khi nương nhờ nguồn lực ngoại quốc? Hình ảnh các “nhà dân chủ” ở Việt Nam hiện lên vốn dĩ lâu nay là những đối tượng ngáo ngơ trước thời cuộc, vi phạm pháp luật, cổ vũ tuyên truyền những văn hóa phẩm ngoại lai không phù hợp với đất nước, với dân tộc. Những thứ như vậy thử hỏi làm sao người dân có thể chấp nhận và tin tưởng, có khi nào mà người ta đánh đổi một xã hội yên bình, kinh tế phát triển lấy một xã hội đổ vỡ vì “dân chủ, tự do” như đã xảy ra với Libya, Afganistan hay không?

Lời kêu gào lạc lõng của “Luật khoa tạp chí”.

Thực tế, dân chủ và tự do là những quyền đáng quý mà bất kỳ người nào cũng xứng đáng được hưởng. Những quyền này đã được đưa vào Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc khi khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và cũng được ngày càng củng cố trong Hiến pháp, pháp luật và đời sống. Việt Nam cũng đã tham gia nhiều Công ước quốc tế về Nhân quyền, và cũng từng là Ủy viên Hội đồng nhân quyền của Liên Hợp Quốc từ năm 2014-2016. Nhưng chúng ta không thể chấp nhận cái kiểu “tự do, dân chủ” áp đặt, từ ngoại bang rồi “đòi hỏi” áp dụng vô lối, vi phạm pháp luật của Nhà nước và đạo đức xã hội. Ai cũng có thể định nghĩa “tự do”, nhưng tự do phải trong khuôn khổ luật pháp và chuẩn mực đạo đức xã hội.

Ông Joe Biden, khi đó là Phó Tổng thống Mỹ, bắt tay Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm Mỹ năm 2015.

Qua hình ảnh biểu tình phá hoại ở Hồng Kông và các cuộc chiến tranh do Mỹ khơi mào nhân danh “tự do, dân chủ” tại Iraq, Syria, Libya, thế giới đã quá rõ những hậu quả của việc một nước đem áp đặt tiêu chuẩn của mình, và can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Thế giới văn minh và cộng đồng quốc tế sẽ không bao giờ chấp nhận những hành vi như vậy. Có lẽ các thế lực “dân chủ” đã quá tuyệt vọng nên mới kêu gọi cái gọi là “can thiệp bằng quyền lực mềm”. Phải chăng khi bị đẩy ra ngoài rìa của xã hội, trở nên “nhỏ và yếu” thì họ đã không còn cách nào khác ngoài kêu gọi “chi viện”? Chỉ tiếc cho họ rằng với đường lối đúng đắn, phù hợp với dân tộc và tình hình địa – chính trị ở Việt Nam thì chúng ta ngày càng nhiều mối quan hệ hữu nghị với nhiều quốc gia trên thế giới, được đông đảo bạn bè quốc tế đồng lòng ủng hộ.

Hình ảnh các nhà lãnh đạo Việt Nam và Mỹ qua lại thăm nhau, cũng ý muốn của phó Tổng thống Mỹ muốn nâng cấp quan hệ ngoại giao lên tầm đối tác chiến lược, hay hình ảnh đoàn Thủ tướng Phạm Minh Chính đi công du ở châu Âu được nhiệt liệt chào đón thì ta có thể hiểu Việt Nam không còn nhỏ bé nữa. Chúng ta sẽ không bao giờ có thể chấp nhận bất kỳ một nước nào áp đặt quan điểm của họ nữa, và ngược lại, chính các nước cũng thừa nhận “quyền lực mềm” đang lớn dần của Việt Nam.

An Diễm

Bài mới
Đọc nhiều