Lợi ích lớn từ đấu giá biển số xe
Tương tự Việt Nam, giới kinh doanh, người nổi tiếng và rất nhiều công dân Dubai chuộng biển số đẹp, mang ý nghĩa phong thủy, hoặc đơn giản là những ký tự chữ và số mình yêu thích. Các phiên đấu giá biển số ô tô tại các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất được tổ chức như một sự kiện triển lãm xoa hoa, hoành tráng. Độ “chịu chơi” của các đại gia cho mỗi tấm biển số xe thậm chí còn có phần “điên rồ”.
Giữa tháng 4/2023, một nhà đấu giá tại Dubai đã chi hẳn 15 triệu USD (hơn 350 tỷ đồng) để đấu giá thành công biển số “P7”, trở thành tấm biển số đắt nhất trong lịch sử đấu giá biển số ô tô của Dubai. Trước đó, phiên đấu giá tháng 3/2023, chỉ tính riêng 4/90 biển số đem ra đấu giá đã giúp đơn vị tổ chức thu về khoảng 2,2 triệu USD (hơn 52 tỷ đồng).
Tại các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, hoạt động đấu giá biển số xe ô tô được triển khai đồng thời theo hai hình thức là trực tiếp và online. Theo đó, đối với khách hàng đấu giá online, phí tham gia là 120 Dh (khoảng 800.000 đồng), tiền đặt cọc là 5.000 Dh (khoảng 33,5 triệu đồng). Tương tự tại Việt Nam, Cơ quan Giao thông và đường bộ Dubai (RTA) là cơ quan chủ trì, giao cho các công ty đấu giá thực hiện. Toàn bộ tiền thu được, sau khi trừ chi phí cho hoạt động đấu giá, chi phí phát sinh đều được nộp vào Ngân sách Nhà nước hoặc trực tiếp chi cho các hoạt động từ thiện. Lượng tiền đổ vào Ngân sách tùy thuộc vào giá trị của mỗi biển số xe đưa ra đấu giá, nhưng cũng có thể đạt hàng chục triệu USD mỗi năm.
Trường hợp khách hàng trúng đấu giá nhưng không thanh toán tiền để nhận biển số sẽ bị phạt 10% tiền cọc, tương đương 500 Dh. Theo Dubizzle, trang web rao vặt trực tuyến số 1 của UAE, hiện nay đã xuất hiện một hoạt động đầu tư kinh doanh mới đó là biển số xe trúng đấu giá. Bởi lẽ, biển số xe sau khi đấu giá sẽ trở thành tài sản riêng của người tham gia đấu giá và có thể bán lại cho người khác có nhu cầu với giá cao hơn rất nhiều lần.
Số tiền đấu giá được sử dụng thế nào?
Tại Việt Nam, phiên đấu giá biển số ô tô đầu tiên được thực hiện thành công hôm 15/9 đã giúp cơ quan Nhà nước thu về 82.325.000 đồng. Trong đó, biển số 51K-888.88 trúng đấu giá cao nhất hơn 32,3 tỷ đồng, 2 biển số Hà Nội là 30K-555.55 và 30K-567.89 đều được đấu giá trên 13 tỷ đồng, thấp nhất là biển số 15K-188.88 trúng đấu giá 650 triệu đồng. Nhìn chung, biển số đẹp của Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh được nhiều người quan tâm và tham đấu giá sôi nổi hơn các biển tỉnh.
Đơn vị duy nhất được lựa chọn tổ chức đấu giá biển số xe ô tô là Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam (VPA), có trụ sở tại phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội. Theo Quyết định số 4911/QĐ-BCA-C08 của Bộ Công an về việc phê duyệt kế hoạch đấu giá biển số xe ô tô, đối với mỗi biển số xe ô tô được đấu giá thành, thù lao cho VPA được tính bằng 8% giá khởi điểm (40 triệu đồng), chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và chi phí đấu giá. Đồng thời, với số tiền phí tham gia đấu giá là 100.000 đồng/người, phía VPA cũng được hưởng 10% tiền thù lao.
Trường hợp bỏ cọc, rao bán biển số xe
Nghị định 39/2023/NĐ-CP cũng quy định rõ, người trúng đấu giá biển số ô tô trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có thông báo kết quả phải nộp toàn bộ tiền trúng đấu giá (đã trừ đi 40 triệu đồng tiền đặt cọc). Trường hợp sau 15, người trúng đấu giá không nộp đủ tiền thì kết quả đấu giá sẽ bị hủy. Số tiền đặt cọc trước đó sẽ không được hoàn lại và nộp vào Ngân sách Nhà nước.
Thực tế, trong lĩnh vực bất động sản đã từng xảy ra tình trạng bên trúng đấu giá bỏ cọc, ví dụ vụ 4 doanh nghiệp bỏ cọc dự án đất Thủ Thiêm vào năm 2022. Việc doanh nghiệp bỏ cọc đấu giá đất đã gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai các dự án, tình trạng sốt đất “ảo” gây thiệt hại cho các nhà đầu tư bất động sản.
Theo các chuyên gia, hoạt động đấu giá biển số xe ô tô có sự khác biệt với đấu giá đất, không gây ảnh hưởng đến các dự án đầu tư nên vấn đề bỏ cọc không nghiêm trọng. Mặc dù vậy, việc người trúng đấu giá bỏ cọc cũng khiến những người tham gia đấu giá bức xúc vì mất thời gian, công sức và tiền bạc của các bên.
Hiện tại, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản đang tiếp tục nhận được ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Nhiều ý kiến đề xuất cần bổ sung quy định xử phạt nghiêm hành vi bỏ cọc trong hoạt động đấu giá. Theo kế hoạch, Dự án Luật Đấu giá tài sản sửa đổi sẽ được Quốc hội xem xét tại kỳ họp 6 vào tháng 10 năm nay.
Đối với các trường hợp rao bán biển số xe trúng đấu giá, Nghị định 39/2023/NĐ-CP cũng đã quy định rõ, người dân không được bán riêng lẻ biển số xe, nhưng có thể bán xe đã gắn biển số trúng đấu giá. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng chỉ có thể được thực hiện một lần duy nhất. Người chủ thứ hai của xe sẽ chỉ được bán riêng xe, còn biển số sẽ được định danh theo chủ sở hữu. Như vậy, quy định này sẽ giúp ngăn chặn tình trạng kinh doanh, kiếm lời từ biển số xe trúng đấu giá.