Lợi ích khủng từ việc xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
Thời gian qua, một bộ phận người dân còn băn khoăn, chưa hiểu rõ nội dung đề xuất thay đổi Luật giao thông đường bộ năm 2008 thành Luật đường bộ và Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Lợi dụng việc này, một số tài khoản MXH như Long Đỗ, Trần Ái, Anh Tai Ho,… và trang RFA tiếng Việt đã đăng tải bài viết cho rằng: “Việc tách luật sẽ làm xuất hiện lợi ích nhóm, chồng chéo, chồng lấn về chức năng nhiệm vụ của các bộ quản lý”.
Trước đây, Bộ Công an quản lý trật tự an toàn giao thông, kiểm soát hành vi của người tham gia giao thông, còn Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, thiết lập các công trình giao thông. Nếu phương án sửa đổi Luật được thông qua thì quy định về đăng ký, cấp biển số phương tiện; quản lý đào tạo, sát hạch lái xe; cấp giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ sẽ đưa vào Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Mà điều này cũng xuất phát từ thực trạng an toàn giao thông những năm qua.
Từ năm 2009 đến năm 2021, toàn quốc xảy ra hơn 361.000 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết hơn 113.000 người, bị thương hơn 356.000 người. Tình trạng ùn tắc giao thông; tồn tại các điểm đen giao thông; người sử dụng chất kích thích, có dấu hiệu tâm thần vẫn được cấp bằng lái xe; mua bán, sử dụng bằng giả vẫn qua mắt lực lượng chức năng vẫn còn đó. Nhưng Luật giao thông đường bộ năm 2008 chưa có quy định rõ ràng để khắc phục những hạn chế trên. Đó chính là những nguyên nhân cần phải có sự thay đổi.
Nếu dự thảo Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ được thông qua thì việc quản lý theo một trục sẽ dễ dàng hơn. Đơn giản như công tác đào tạo, sát hạch, cấp phép lái xe và quản lý sau cấp phép nếu giao hoàn toàn cho Bộ Công an chủ trì thì việc xử lý vi phạm bằng cách tịch thu bằng lái xe sẽ có tính răn đe cao hơn. Không còn tình trạng, Bộ Công an tịch thu bằng lái xe của người vi phạm nhưng Bộ Giao thông Vận tải cấp mới khi người vi phạm báo mất nữa. Trong trường hợp, người tham gia giao thông vi phạm, gây tai nạn quá nhiều lần thì Bộ Công an cũng có quyền xem xét ngừng cấp giấy phép lái xe trong khoảng thời gian nhất định hoặc vĩnh viễn (tùy mức độ). Tình trạng người tham gia giao thông có trạng thái tâm thần, vẫn được cấp bằng, đổi bằng,… thậm chí sử dụng bằng giả vẫn qua mắt lực lượng chức năng sẽ được khắc phục. Nói chung khi dữ liệu về cấp giấy phép lái xe được kết nối với dữ liệu vi phạm sẽ giúp hạn chế vi phạm và các tai nạn có thể xảy ra. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhiều quốc gia giao lực lượng cảnh sát làm công tác này như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore,…
CSGT là lực lượng kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm giao thông, các vụ tai nạn. So với Bộ Giao thông vận tải, CSGT hiểu rõ người dân thường xuyên gặp phải lỗi vi phạm nào, từ đó sẽ có quy trình đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe kỹ lưỡng, khoa học hơn, góp phần giảm tối đa các vụ tai nạn và thương vong. Cũng giống như trong học tập, thầy cô là người kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh, quyết định đề thi thì họ là những người trực tiếp đào tạo, giảng dạy kiến thức.
Không ít người dân từng khó chịu với những đèn hiệu giao thông, những biển báo tốc độ được đặt liên tiếp trên một con đường mà không theo một nguyên lý hay logic nào. Chạy vài trăm mét phải giảm tốc độ, phải dừng đèn đỏ. Cũng có không ít CSGT lợi dụng việc người dân chưa “thích nghi” kịp với các biển báo để xử phạt hành chính. Nếu dự thảo Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ được thông qua thì việc thiết lập hệ thống đèn hiệu, biển báo sẽ được chuyển từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an. Quy trình thiết lập sẽ được tính toán kỹ lưỡng, hợp lý hơn, tương lai người dân cũng sẽ hạn chế bị phạt oan.
TS. Trần Ngọc Hưng, Trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải chia sẻ: “Việc xây dựng Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ là cụ thể hoá các quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ an toàn tính mạng, sức khoẻ của con người và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an toàn giao thông. Đây là vấn đề có tính cấp thiết, nhằm nâng cao hiệu quả đảm bảo trật tự, an toàn giao thông”. Thế nên, chỉ có những kẻ cố tình lèo lái dư luận mới không thấy được những lợi ích thiết thực trên. Chỉ có những kẻ mưu đồ chính trị mới cố tình xuyên tạc việc tách luật là “lợi ích nhóm, chồng chéo, chồng lấn về chức năng nhiệm vụ của các bộ quản lý” làm ảnh hưởng đến lợi ích của người dân.
Đặng Trường