+
Aa
-
like
comment

Lời hứa giảm “gánh nặng” thanh kiểm tra cho doanh nghiệp

14/10/2019 16:43

Khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp, doanh nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết sẽ giảm các cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chồng chéo cho doanh nghiệp.

Doanh nhân hãy khởi nghiệp với tinh thần không sợ hãi

Đây là Phát biểu tại lễ kỷ niệm 15 năm ngày doanh nhân Việt Nam, được tổ chức ngày 13/10 tại Hà Nội. Thủ tướng cho biết hiện chúng ta đã có hàng triệu doanh nhân đang điều hành gần 750.000 doanh nghiệp và 5,2 triệu hộ kinh doanh.

Người đứng đầu Chính phủ cho biết mấy ngày qua, Trung ương đã thảo luận về chiến lược phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Đó là thời điểm hệ trọng, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và 100 năm thành lập nước. Mục tiêu của chúng ta là hướng tới trở thành nước phát triển có thu nhập cao, có thể chế và năng lực cạnh tranh vượt trội, nằm trong nhóm các nền kinh tế dẫn đầu khu vực ASEAN và châu Á.

Thủ tướng phát biểu tại lễ kỷ niệm 15 năm ngày doanh nhân Việt Nam
Thủ tướng phát biểu tại lễ kỷ niệm 15 năm ngày doanh nhân Việt Nam

Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ đồng hành và hậu thuẫn cho sự nghiệp làm ăn của người dân và doanh nghiệp.

“Trong thành công của doanh nghiệp có đóng góp của chính quyền và trong thất bại của doanh nghiệp có trách nhiệm của chính quyền. Thành công của doanh nghiệp, của doanh nhân là thành công của Chính phủ, của nhân dân và của đất nước”, Thủ tướng nói.

Về phía cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân, Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp hãy chung tay với Đảng và Nhà nước trong những nỗ lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách thể chế pháp luật, hoàn thiện môi trường kinh doanh, đồng thời phấn đấu tự nâng cấp mình, vươn tới những chuẩn mực toàn cầu.

“Chúng ta cần có hàng trăm, hàng ngàn và cả một thế hệ các doanh nhân và các nhà công nghiệp dân tộc hùng mạnh, những con sếu đầu đàn và chúng ta cần có cả ‘đàn chim Việt’ bay cao, bay xa trong nền kinh tế toàn cầu”, Thủ tướng chia sẻ.

Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, để đất nước phát triển bền vững thì mỗi doanh nghiệp phải phát triển bền vững, nghĩa là doanh nghiệp cũng cần hài hòa 3 đỉnh của tam giác phát triển là kinh tế, xã hội và môi trường.

“Doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam hãy vì dân tộc, vì người lao động, vì bản thân chính doanh nghiệp và cộng đồng, hãy tập trung khắc phục những hạn chế, có khát vọng vươn ra, gắn kết với nhau cùng làm ăn, nâng tầm chuyên nghiệp và bài bản”, Thủ tướng nói. “Tôi rất mong thương hiệu Việt mà chủ yếu là từ doanh nghiệp Việt sẽ khẳng định chỗ đứng trong khu vực và ngày càng vươn xa bền vững”.

Việt Nam đang và sẽ là điểm đến của dòng vốn đầu tư nước ngoài và đặc biệt là dòng vốn FDI chất lượng cao. Thủ tướng kỳ vọng doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng để không chỉ tham gia vào chuyển giao công nghệ mà còn có khả năng đổi mới và sáng tạo ra những tiến bộ công nghệ mới.

“Là doanh nhân, hãy đề cao tinh thần doanh nghiệp, hun đúc tinh thần khởi nghiệp, coi sáng tạo là một thứ tài nguyên mới để chúng ta khởi nghiệp. Hãy khởi nghiệp với tinh thần không sợ hãi. Ở Thung lũng Silicon người ta nói, “bạn sẽ không thành công nếu chưa bao giờ thất bại. Bạn sẽ học được nhiều điều từ thất bại” và ông bà ta đã nói “thất bại là mẹ của thành công””, Thủ tướng phát biểu.

Thủ tướng kỳ vọng doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng để không chỉ tham gia vào chuyển giao công nghệ mà còn có khả năng đổi mới và sáng tạo ra những tiến bộ công nghệ mới. Chỉ có như vậy chúng ta mới có khả năng liên kết chủ động trong chuỗi giá trị toàn cầu và có năng lực cung cấp những sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao.

Sẽ giảm các cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chồng chéo cho doanh nghiệp
Trong thời gian qua, hoạt động thanh tra, kiểm tra (TTKT) đối với doanh nghiệp (DN) là một trong những vấn đề được Chính phủ và cộng đồng DN hết sức quan tâm. Mục tiêu tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN phát triển được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình hành động của Chính phủ.

Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc chấn chỉnh hoạt động TTKT đối với DN. Cùng với đó, nhiều nghị quyết của Chính phủ như Nghị quyết 35, Nghị quyết 19, Nghị quyết 02 năm 2019… cũng đã đặt ra yêu cầu công tác xây dựng, phê duyệt và chỉ đạo việc thực hiện kế hoạch TTKT phải đảm bảo khắc phục được tình trạng chồng chéo, trùng lặp, giảm thiểu phiền hà cho DN. Với những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, công tác TTKT trong 1, 2 năm trở lại đây đã đạt được một số kết quả tích cực, song vẫn còn đó rất nhiều quan ngại.

Cụ thể, theo số liệu khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) điều tra năm 2017 cho thấy, tỷ lệ DN bị TTKT từ 2 lần trở lên mỗi năm vẫn lên đến 39,8%. Trong nhóm những DN bị TTKT nhiều lần năm 2017, có 13% DN cho biết có sự trùng lặp về nội dung giữa các đoàn kiểm tra. Đặc biệt, nhiều DN được hỏi ý kiến cho biết họ chưa bao giờ tiếp một đoàn TTKT liên ngành nào. Các cơ quan có chức năng TTKT vẫn đi riêng, khiến DN mất rất nhiều thời gian.

Đầu năm 2019, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới công bố báo cáo về mức độ hài lòng của DN trong lĩnh vực thủ tục hành chính xuất nhập khẩu năm 2018. Khảo sát được tiến hành với 3.061 DN, trong đó 46% là DN tư nhân trong nước, 33% DN FDI và 17% DN Nhà nước.

Theo phản ánh của các DN, vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc trong quá trình làm thủ tục xuất nhập khẩu, đặc biệt là kiểm tra chuyên ngành. Đa số các DN chỉ đánh giá thủ tục quản lý, kiểm tra chuyển ngành ở mức bình thường (chiếm từ 60-70%) số đánh giá tốt rất ít.

Đáng lưu ý, gần 500 DN (chiếm khoảng 18%), thừa nhận phải chi “lót tay” khi kiểm tra chuyên ngành. Cụ thể, DN phải “lót tay” với cán bộ Bộ Công Thương chiếm tỷ lệ gần 51%, Bộ NN-PTNT 34%, Bộ GTVT gần 30%, Bộ Y tế hơn 27%, Bộ KH-CN 24,5%,…
Cách đây không lâu Thanh tra TPHCM đã làm việc với ông Lê Văn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Đô thị Phi Long (Công ty Phi Long) để làm rõ phản ánh của doanh nghiệp này về việc bị thanh tra, kiểm tra 138 lần.

Cụ thể, ông Trần Hải Phong, Chủ tịch UBND phường Bình An (quận 2) đã chỉ đạo thanh tra, kiểm tra công ty 26 lần, Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng Khu đô thị mới Nam TPHCM thanh kiểm tra 44 lần, UBND xã Phong Phú (huyện Bình Chánh) thanh kiểm tra 28 lần, Văn phòng đăng ký đất đai quận 2 cho thanh kiểm tra 15 lần, UBND xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh) kiểm tra công ty 13 lần…

Mặc dù bị thanh kiểm tra “triền miên” nhưng theo đại diện Công ty Phi Long thì những khó khăn, ách tắc của doanh nghiệp đều không được giải quyết.

Theo các chuyên gia kinh tế, muốn cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, cần phải chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý Nhà nước, từ tiền kiểm sang hậu kiểm, áp dụng phương thức quản lý rủi ro, dựa trên mức độ tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân.

Cùng với đó, cần loại trừ lợi ích của các bộ, ngành trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Nên xã hội hóa các trung tâm kiểm định, giám định, cấp giấy chứng nhận và đánh giá mức độ rủi ro mà đội ngũ nhân lực thực hiện hoạt động kiểm tra chuyên ngành mang lại.

Lời hứa của Thủ tướng: ‘Sẽ giảm các cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chồng chéo cho doanh nghiệp’, tại lễ kỷ niệm 15 năm ngày doanh nhân Việt Nam, được tổ chức ngày 13/10 tại Hà Nội. Hy vọng, với những động thái tích cực này của Chính phủ, tình hình thanh, kiểm tra trong thời gian tới sẽ không còn là vấn đề gây “bức xúc” cho doanh nghiệp nữa.

Hồng Đinh

Bài mới
Đọc nhiều