Lời hứa dang dở của vị chủ tịch xã quên mình cứu người
Gần một tháng ông Phan Thanh Miên qua đời do bị nhiễm vi khuẩn Whitmore khi dầm mình giúp dân trong vùng lũ ở Quảng Bình người dân ở đây chưa nguôi nỗi tiếc thương hình ảnh vị chủ tịch nhân hậu.
Chủ tịch xã Bắc Trạch, ông Phan Thanh Miên là một trong 14 gương mặt được báo VietNamNet đề cử là Nhân vật truyền cảm hứng năm 2020. Các gương mặt được lựa chọn đều có những đóng góp thiết thực cho cộng đồng, từng xuất hiện trên báo VietNamNet.
Dưới cái rét ở huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình) chúng tôi tìm về gia đình cố Chủ tịch UBND xã Bắc Trạch Phan Thanh Miên người dầm mình giúp dân trong vùng lũ bị nhiễm vi khuẩn Whitmore qua đời.
Ngôi nhà cấp 4 của ông nằm sâu trong xóm nhỏ ở cuối thôn 4, sát bên dòng sông Gianh. Gần một tháng ông Miên mất, người dân ở đây vẫn chưa nguôi nỗi tiếc nhớ và quên được hình ảnh vị chủ tịch lao vào lũ dữ cứu người.
Nhiều người lần lượt được bác Miên cứu thoát nạn
Ôm đứa trẻ đứng trước nhà còn in hằn vệt nước lũ lịch sử cao ngang cổ, anh Nguyễn Văn Chung (34 tuổi) kể, rạng sáng 19/10, nước dâng lên “vùn vụt”. Cả khu vực cúp điện tối mịt, mưa như trút, xung quanh dòng nước đỏ ngầu bao vây. Nhiều gia đình mắc kẹt gọi kêu cứu…
Giữa lúc lo sốt vó, tôi thấy phía trước đường bác Miên lội nước ngang cổ, cùng một số chú đẩy chiếc ghe nhỏ đi từng nhà đưa mọi người đến trường tiểu học cách đó 200 m “chạy lũ”.
“Bác ấy hô lớn “ai cần hỗ trợ gì không? Rồi vợ và 2 con nhỏ của tôi được bác đưa ra ghe an toàn. Còn tôi bơi theo sau. Cả gia đình thoát được trận lũ lịch sử.
Cứ thế nhiều người trong xóm lần lượt được bác Miên đưa đến nơi an toàn. Cảnh tượng đó thật khủng khiếp, nếu cứ mưa lớn thì không biết cách nào thoát được, may có bác ấy”, anh Chung nhớ lại.
Câu chuyện bất ngờ bị chen ngang bởi giọng nói lớn từ nhà bà Phan Thị Xuân “Dân chúng tôi thương, mang ơn chú Miên lắm. Chú ấy ăn ở tốt thế sao không gặp lành hè?”.
Bà Xuân ở đối diện nhà anh Chung, đang nuôi 4 cháu nhỏ, con bà vào Nam làm việc. Hôm nước dâng, với chiếc ghe nhỏ ông Miên đẩy 5 người trong gia đình bà thoát khỏi họng lũ.
“Tôi nhớ như in chú ấy mặc bộ áo mưa ướt sũng, mặt tái xanh vì ngâm nước bạc thời gian dài đẩy ghe giúp mọi người. Chú ấy đau rồi mất đi cũng vì giúp chúng tôi, gần một tháng nay không ai quên được người lãnh đạo gần dân”, bà Xuân ngậm ngùi.
Trưởng thôn 4 Phan Văn Đồng cho biết, trước ngày lũ ập đến, ông Miên đến từng thôn nhắc phải trực chiến để đảm bảo an toàn cho dân.
“Lũ dâng, chú Miên chạy khắp xã mượn được 2 thuyền thúng và một chiếc ghe đưa cho từng tổ. Qúa trình lội nước chú ấy va vào hàng rào bị thương ở chân chảy máu, sau đó về trạm xá băng rồi đi cứu tiếp.
Cứ thế, thức đêm chỉ đạo, dầm nước bạc cả ngày, rồi thời gian sau chú ấy qua đời vì vết thương ấy nhiễm khuẩn. Xã mất đi một người có tài và tâm”, ông Đồng buồn bã.
Dự định cùng nhau sửa nhà không thể thực hiện được nữa…
Đeo vành khăn tang, trên khuôn mặt hốc hác chị Nguyễn Thị Oanh (47 tuổi, vợ ông Miên) kể, ngày chồng mất không kịp nói gì với chị. Hai vợ chồng cưới nhau gần 30 năm, có 3 con gái. Bé út đang học lớp 2.
Chị kể, ngày lũ dâng ông Miên chỉ kịp ghé nhà một lúc rồi đi giúp dân, một mình chị chạy khắp nhờ hàng xóm đến kê đồ.
“Chiều 18/10, anh ấy về nhà bảo ‘mẹ ở nhà cố gắng xoay xở, ba đi giúp mọi người, khả năng lũ lớn’. Đi biền biệt đến tối hai hôm sau mới ghé về ăn vội bát cơm rồi đi lại, lúc đó đầu gối chân phải của anh bị thương, bắt đầu sốt nhẹ.
Hai ngày sau anh sốt từng cơn đến trạm tiêm thuốc. Tôi khuyên ở nhà đi viện thì anh nói lũ lụt việc không thể bỏ được. Trưa 23/10, anh ấy yếu lắm mới chịu đến viện Bố Trạch gần nhà điều trị để tiện giải quyết công việc. Không có trận lũ nào anh ở nhà”, chị Oanh nhớ lại.
Chị Oanh cho biết, ba ngày sau đó chồng liên tục sốt cao, được chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – CuBa Đồng Hới. Sợ 2 con đang ở TP.HCM lo lắng, ông Miện dặn chị đừng cho con biết.
“Dù đau nhưng anh luôn lo cho đồng nghiệp. Hôm chuẩn bị vào bệnh viện Trung Ương Huế, lo mọi người không kịp nhận lương anh gọi kế toán mang tập hồ sơ đến, tay vừa ký vừa run. Vào Huế anh hôn mê được đưa lên tầng 6, bác sĩ hội chẩn báo bị bệnh Whitmore, là ca đầu tiên tiếp nhận.
Hôm bác sĩ cho tôi vào thăm, anh không nói gì được. Tôi hỏi, ba thương mấy mẹ con không? thì hai mắt anh chảy lệ. Đến chiều 11/11, nghe con rể báo tin anh mất tôi ngã quỵ, không dám tin đó là sự thật. Nếu anh không tập trung giúp dân, đi viện sớm có lẽ mẹ con tôi không mất anh mãi..”, chị Oanh òa khóc.
Chị Oanh kể, đó là lần đầu đưa chồng đi viện trị bệnh và cũng là lần cuối chị không còn gặp lại anh. Ngày trước, 2 vợ chồng dặn nhau cố gắng nuôi con ăn học, rồi tích góp sửa lại căn nhà xây 23 năm đã thấm dột mỗi khi mưa. Nhưng dự định ấy có lẽ sẽ không thể thực hiện được nữa.
Gần 1 tháng nay Nhi luôn ôm bên mình chiếc áo của ba mỗi khi ngủGần 1 tháng nay, con gái út Phan Hiền Nhi (7 tuổi) luôn ôm bên mình chiếc áo của ba mỗi khi ngủ. Lần cuối Nhi được ngồi trong tay ba là ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam Cu Ba Đồng Hới.
Hỏi về ba, mắt cô bé đỏ nhói, nhìn về phía di ảnh trả lời: “Ba cháu đi giúp mọi người giờ qua đời rồi ạ. Cháu tự hào về ba, nhớ ba lắm”, dứt lời cô bé chạy vào giường úp mặt khóc.
“Mất đi người cán bộ giỏi, có tâm”
Ông Phan Văn Thành quyền Chủ tịch xã Bắc Trạch nói: “Đêm lũ dâng, anh em tôi thức trắng đi cứu mọi người. Về xã ai cũng mệt lả, lạnh nằm xoài xuống nền hội trường.
Tôi nhớ kỷ niệm lớn nhất với anh Miên là lúc chia nhau thanh lương khô còn sót lại ăn để tiếp tục công việc. Anh ấy là người rất tận tụy, không ngại khó và hòa đồng. Chúng tôi tiếc thương khi mất đi người đồng nghiệp tốt”.
Ông Nguyễn Văn Vui – Bí thư xã Bắc Trạch cho biết, ông Miên mới giữ chức Chủ tịch xã được 3 tháng thì qua đời.
“Chúng tôi không chỉ là đồng nghiệp mà xem nhau như anh em trong một gia đình. Xã mất đi cán bộ giỏi, có tâm. Gia đình anh ấy hoàn cảnh cũng khó khăn lắm.
Tôi thấy anh Miên cũng giống như người lính thời bình vậy, không quản thiên tai nguy hiểm để cứu dân rồi qua đời. Nguyện vọng của xã là được xem xét công nhận liệt sỹ cho anh ấy”, ông Vui chia sẻ.
Hồ Giáp/VNN