+
Aa
-
like
comment

Lời hứa của Đại úy Nguyễn Cảnh Cường trước khi đi vào Rào Trăng 3

17/10/2020 16:53

Lời hứa của Đại úy Nguyễn Cảnh Cường, Đại đội trưởng, Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Thông tin 80, Quân khu 4 là 1 trong số 13 cán bộ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tại Trạm Kiểm lâm 67 đêm 12/10 đã không thành hiện thực.

Đại úy Nguyễn Cảnh Cường hy sinh để lại ba mẹ già, vợ trẻ.

Sau khi nhận lệnh từ cấp trên. Người Đại đội trưởng cương nghị ấy chỉ kịp gọi về cho vợ và chỉ nói vội được vài câu rồi anh vội vã lên đường: “Trạm thủy điện bị lỡ đất em à, nhiều công nhân bị nạn anh phải vào đấy để cứu họ, anh đi rồi anh sẽ về, em đừng lo nhé” chưa kịp nghe vợ anh nói câu gì, anh đã vội vã gác máy để tức tốc lên đường thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp. Và rồi anh đã ra đi mãi mãi để lại sau lưng lời hứa không trọn vẹn và những nỗi đau thương, tiếc nhớ của gia đình, đồng đội, nhân dân và Tổ quốc.

Chiều tối 15/10, sau khi thi thể đoàn cán bộ, chiến sỹ bị lở đất vùi lấp ở Trạm kiểm lâm 67 (thuộc địa phận xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế) được tìm thấy, ông Nguyễn Cảnh Anh như gục ngã sau mấy ngày cố gắng gượng. Niềm hy vọng về phép màu đã không xảy ra. Con trai ông – Đại úy Nguyễn Cảnh Cường (SN 1991) đã ngã xuống trên đường thực hiện nhiệm vụ.

Ngay trong đêm 15/10, vợ, con trai cả, con rể và con dâu út của ông theo xe đơn vị vào Huế. Bố Đại úy Nguyễn Cảnh Cường cho biết: “Tối qua, bố mẹ tôi ở trên quê gọi điện xuống hỏi chuyện của Cường. Lâu nay tôi vẫn giấu vì sợ ông bà tuổi cao, sức yếu chịu không nổi cú sốc này…”.

Bố của Đại úy Nguyễn Cảnh Cường khóc thương con đầy xót xa.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống quân ngũ, Đại úy Cường thi vào Trường Sỹ quan thông tin để kế nghiệp ông nội và bố mẹ. Tốt nghiệp loại xuất sắc, đồng chí Nguyễn Cảnh Cường về nhận công tác tại Quân khu 4. Mới đây, Đại úy Nguyễn Cảnh Cường được bổ nhiệm làm Đại đội trưởng Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 80, Quân khu 4.

So với tuổi đời và cấp hàm, anh là một trong số những sĩ quan trẻ nhất của lực lượng vũ trang Quân khu 4. Tháng 12/2019, anh lấy vợ. Vợ anh công tác tại một bệnh viện trên địa bàn thành phố Vinh. Bố Đại úy Cường chia sẻ: “Đơn vị đóng quân trong thành phố nhưng Cường ít về nhà lắm. Quy định 2 tuần được về nhà một lần nhưng anh em trong đơn vị có việc gấp là Cường xung phong trực thay, thành thử có khi 2 tháng nó mới về nhà”.

Tiếng là công tác gần nhà nhưng vợ chồng anh Cường không mấy khi được gần nhau. Theo lời kể của ông Anh, vừa rồi, sau khi hoàn thành đợt huấn luyện ở Nam Đàn, Cường được nghỉ 2 ngày cuối tuần nhưng vợ anh lại ra Hà Nội học. Cường bắt xe khách ra Hà Nội gặp vợ nhưng vợ đang chăm chị gái mới sinh, thành thử hai vợ chồng không có nhiều thời gian cho nhau.

Cũng là lính, ông Anh hiểu nhiệm vụ của con nên chỉ động viên, dặn con đảm bảo an toàn. Chiều 12/10, ông Anh nhắn tin hỏi tình hình, Cường gửi về hai bức ảnh, nói đang xuống vùng lũ. Sau đó, ông gọi điện, nhắn tin nhưng con không trả lời. Bố Đại úy Cường chỉ nghĩ là trời mưa, xe không đi được nữa, con hành quân bộ không nghe được thôi, không ngờ đó là dòng tin nhắn cuối cùng anh Nguyễn Cảnh Cường gửi về.

Hình ảnh Đại úy Nguyễn Cảnh Cường gủi hình ảnh vùng lụt cho bố trước khi mất.

Với sự hy sinh anh dũng trong khi thực hiện nhiệm vụ phòng, chống và khắc phục hậu quả do mưa lũ, Đại úy Nguyễn Cảnh Cường được truy thăng quân hàm lên Thiếu tá. Ngày 15/10, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh truy tặng Huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” cho Thiếu tá Nguyễn Cảnh Cường.

TH

Bài mới
Đọc nhiều