Lời giải thích cho hiện tượng mưa giông lớn đêm trừ tịch
Hiện tượng đêm trừ tịch (đêm giao thừa) có sấm chớp mưa như trút nước, như một ngày giông bão mùa hạ. Nhiều cụ cao niên thốt lên rằng sống 80 – 90 năm nay chưa từng thấy hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ như vậy. Nhiều tỉnh miền núi phía Bắc xuất hiện mưa đá gây thiệt hại nhà cửa và hoa màu. Ngay giữa thủ đô đường phố đếm 30 Tết ào ào nước chảy như suối.
Nên nhìn nhận hiện tượng thời tiết chưa từng có này như nào ? – Nhiều người từ các học giả, trí thức đến các cụ cao niên, người trung tuổi đặt chung một câu hỏi.
Thực ra mưa bão là hiện tượng thời tiết thường tình của thiên nhiên vận hành theo quy luật và ổn định một cách tương đối. Khi quy luật thay đổi báo hiệu sự đảo lộn chu kỳ.
Nhìn ở góc độ khí tượng thủy văn trận mưa đêm 30 Tết nằm trong quy luật “Tháng Giêng nhiều nước, hiện tượng hàng năm”. Dường như lời giải thích đó vẫn chưa làm hài lòng đại đa số.
Theo dõi những điều trong quá khứ được sử sách chép lại đây là một hiện tượng lạ và không phải điềm lành. Ngày mùng Một Tết nhiều nơi đường biến thành sông, mưa lớn kèm theo giông lốc sấm chớp xé rách bầu trời. Các tỉnh miền núi phía Bắc hứng chịu mưa đá gây thiệt hại hoa màu, thậm chí một số huyện ngoại thành Hà Nội cũng xuất hiện mưa đá nhỏ.
Căn cứ vào các thiệt hại vật chất nhìn thấy bằng mắt thường có thể nói đây là điềm không lành. Trận mưa giông, sấm chớp đêm Giao thừa vừa qua cả trăm năm chưa từng thấy – nhiều cụ cao niên Đại thọ kể. Đây là dấu hiệu đầu tiên cho một chuỗi các diễn biến xấu diễn ra sau này, hãy bình tĩnh quan sát và lắng nghe.
Điều ta thấy là điều không ngoài vòng Nhân – Quả. Theo dân gian đó là trời nổi trận lôi đình. Thời Lý – Trần, vua đứng trước các hiện tượng bất thường đó thường cho lấy ý kiến của Hữu Nhai Tăng Thống và Tả Nhai Đạo Lục (hai chức quan đại diện cho Phật giáo và Đạo giáo).
Hai quan về tôn giáo của triều đình tâu bẩm với vua về những bất công, hà khắc mà quan lại địa phương, cấp dưới gây ra cho nhân dân. Kẻ oan sai người kiện tụng, tiếng kêu than thấu tận trời xanh nên Trời ra uy giông tố sấm sét bất thường để cảnh tỉnh.
Sau khi vua xác minh, tra xét các sự việc trái đạo đó thực đang diễn ra. Vua cho người lập đàn cầu siêu, đích thân nhà vua đứng ra làm chủ lễ tạ lỗi với trời đất. Trước thiện địa nhà vua sám hối về những điều sai trái mà cấp dưới gây ra cũng như bộ máy cai trị làm người dân đau khổ. Nghi lễ diễn ra trang trọng và uy nghiêm kẻ trên người dưới nhất nhất nghe theo.
Kết thúc nghi lễ vua ban chiếu phát chẩn cứu giúp người nghèo đói. Cho người dưới rà soát oan sai ngục tù, nếu có oan sai lập tức sửa sai tha bổng. Song song đó là chiếu dụ tha bổng thuế sưu cho nhân dân toàn cõi trong vòng 1 năm, các vùng khó khăn người dân không phải nộp thuế 3 năm liền. Quan lại địa phương được lệnh rà soát lại tất cả những sắc lệnh đã ban xem có sai trái không để lập tức chỉnh sửa hợp lòng dân.
Việc làm của nhà vua thời xưa xuất phát từ sự thực tâm. Bởi không chỉ sám hối suông bằng miệng mà còn thi hành ngay bằng các mệnh lệnh, việc làm thiết thực giảm thuế, xét oan sai cho người dân trong nhiều năm. Sự chân thực có trời đất và lòng người chứng giám.
Trời ra uy, kẻ cầm quyền thời xưa biết nhìn nhận trước sau sẽ thể hiện cách hối lỗi mà khắc phục. Sau đó thiên nhiên lại mưa thuận gió hòa theo đúng quy luật. Cái uy của Trời có sức răn đe kẻ cẩm quyền và mang điềm báo đến cho dân chúng.
Lấy trường hợp vua Lý Công Uẩn năm 1012 đi đánh Châu Diễn nay là thuộc tỉnh Nghệ An, khi rút quần về qua vùng biển gần Thanh Hóa bỗng trời đất tối sầm, sấm đì đùng, chớp giật ngang dọc.
Vua lập tức đốt hương cầu khấn tại chỗ mà thưa với Trời xin dung thứ vì cầm quân đi dẹp kẻ bạo tàn ma có lỡ hại lầm người trung, làm khổ lầm người thiện mong được xá tội. Vừa khấn xong thì gió sấm đều yên lặng. Người xưa có cách lý giải và cách hóa giải riêng để trời yên bể lặng thiên nhiên hiền hòa.
Để thấy rằng người nắm quyền lực trong tay luôn biết lắng nghe và thận trọng trước mọi dấu hiệu từ bên ngoài. Cho dù thời vua Lý Thái Tổ hiện tượng đó chỉ là thời tiết ngẫu nhiên nhưng hành động của ông chứng minh một điều đó là một vị vua đức độ. Sự đức độ hối lỗi đó khác với kẻ bạo ngược bất lương coi thường tất cả khi nắm trong tay quyền lực.
Trong lịch sử Việt Nam có thể nói Lý Thái Tổ là vị vua hiền từ nhân ái và đức độ nhất. Khi tiếp quản đất nước từ “Ngọa Triều” – Lê Long Đĩnh nhà vua ngay lập tức ban bố nhiều sắc lệnh tha bổng, miễn thuế cho người dân vì biết họ đã phải chịu nhiều áp bức, đè nén, sức cùng lực kiệt do triều đại trước gây ra. Đó như một cách an lòng dân vậy.
Ba năm sau khi mùa màng đã khôi phục, dân có của ăn của để vưa Lý Thái Tổ lại tiếp tục xá tô thuế cho người dân thêm 3 năm nữa. Khi đó bề tôi còn can ngăn quyết định của vua “lúc nghèo đói sơ xác Người xá thu tô thuế cho nhân dân là việc đúng lẽ nay người dân đã làm ra của dư thừa nên có phần để tăng ngân khố quốc gia”. Nhưng nhà vua lại nghĩ khác, để của cải trong nhân dân có lợi hơn là để trong kho nhà nước, vì họ còn tích lũy mở mang việc làm ăn buôn bán và phát triển về lâu về dài.
Quay lại hiện tượng mưa gió lớn đêm 30 Tết, xét trên góc nhìn xưa đây như một điềm báo xấu báo hiệu nhiều biến cố lớn khác sắp diễn ra. Trước mắt là dịch bệnh Coronavirus bùng phát từ Trung Quốc và lan ra phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Kéo theo một loạt các hệ lụy cho nền kinh tế đất nước, các trường học liên tục ra thông báo cho học sinh nghỉ học phòng tránh bệnh lây lan, ngành du lịch ảm đạm đầu năm do tâm lý sợ dịch bệnh ngại đi lại. Thị trường chứng khoán biến động theo chiều đi xuống vì dịch bệnh. Các hoạt động mua bán, sinh hoạt đi lại của người dân hạn chế hơn. Hệ lụy của các hiện tượng thiên nhiên báo hiệu chưa dừng ở đây và năm 2020 sẽ còn nhiều điều mới lạ đang chờ.
Trước hiện tượng kỳ lạ của thiên nhiên người xưa xử lý như vậy, còn thời hiện đại này người cầm quyền lực đại diện cho nhân dân sẽ xử lý ra sao ?
Có lẽ câu hỏi này người đọc nên chờ câu trả lời hoặc các thông báo từ các cơ quan truyền thông đại diện tiếng nói của nhà nước. Như vậy sẽ có câu trả lời thỏa đáng hơn nhiều lần.
Han Cao