Lời giải nào cho xung đột biên giới Trung – Ấn?
Hai cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân là Trung Quốc và Ấn Độ đang bị cuốn vào một cuộc đọ sức căng thẳng ở vùng biên giới trên bộ, nơi mà cả hai bên đều đang tranh chấp, làm dấy lên quan ngại về nguy cơ xung đột quân sự bùng lên trở lại giữa hai bên.
Việc New Delhi mới đây phái thêm 5.000 quân đến vùng Ladakh, trên dãy Himalaya, để tăng viện cho lực lượng đang trấn giữ vùng đất dọc theo Đường kiểm soát thực tế (LAC) hiện được coi là biên giới với Trung Quốc, được xem là phản ứng mới nhất của quốc gia Nam Á này sau khi Bắc Kinh cũng cho triển khai một số quân tương tự bên phần đất Trung Quốc.
Tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc liên quan đến nhiều khu vực trên một đường biên giới dài gần 3.500 km dọc theo dãy Himalaya không có gì mới mà đã xuất hiện từ cách nay 8 thập niên, từng làm dấy lên một cuộc chiến tranh giữa hai nước vào năm 1962.
Từ đó đến nay, vấn đề phân định biên giới trên bộ Ấn – Trung vẫn chưa được giải quyết dứt khoát, cho dù giữa hai bên đã có hơn 20 vòng đàm phán.
Tranh chấp biên giới là một trong những nguyên nhân gây căng thẳng giữa hai nước và trong khoảng 10 năm trở lại đây, Bắc Kinh đã nhiều lần cho binh lính lấn sâu vào trong vùng lãnh thổ dưới quyền kiểm soát của Ấn Độ, buộc New Delhi phải đưa viện quân lên biên giới để đẩy lùi.
Theo New Delhi, trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến 2018, Bắc Kinh đã cho binh lính xâm nhập vào lãnh thổ Ấn Độ hơn 1.000 lần.
Tình hình đã bất ngờ trở nên rất căng thẳng từ đầu tháng 5-2020 khi xảy ra liên tiếp 2 sự cố khiến cả trăm người bị thương ở khu vực thuộc quyền kiểm soát của Ấn Độ ở vùng biên giới trên cao nguyên Ladakh, phía Tây dãy Himalaya.
Mặc dù cho đến nay chưa rõ nguyên nhân thổi bùng căng thẳng đến từ đâu nhưng Chính phủ Ấn Độ đã lên tiếng tố cáo việc lính Trung Quốc hồi đầu tháng 5 đã vô cớ ném đá vào binh sĩ Ấn Độ. Ngay sau đó, Bắc Kinh phản pháo, cáo buộc ngược lại rằng chính lực lượng Ấn Độ đã xâm nhập vào lãnh thổ Trung Quốc bất hợp pháp.
Một cuộc đối đầu khác giữa 150 quân Ấn Độ và Trung Quốc gần đèo Naku La trong khu vực Sikkim cũng đã khiến ít nhất 10 binh sĩ của cả hai bên bị thương.
Các máy bay phản lực Sukhoi-30 của Không quân Ấn Độ đã được triển khai sau khi các máy bay trực thăng của Trung Quốc bay lượn trên LAC trong thời gian xảy ra cuộc ẩu đả. Quân đội của cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ đang trong tình trạng báo động cao ở biên giới, không bên nào lùi bước, mặc dù đã có nhiều vòng đàm phán giữa các lãnh đạo quân sự hàng đầu của hai bên.
Hiện quân đội Trung Quốc đang tăng cường vũ khí hạng nặng đến LAC ở phía Đông Ladakh, trong đó có pháo tự hành Type 83, cỡ nòng 152mm, tốc độ bắn 4 phát/phút với khả năng cơ động, phù hợp tác chiến vùng biên giới. Ngoài ra, Bắc Kinh còn huy động đến biên giới xe chiến đấu bộ binh và nhiều thiết bị vũ khí khác.
Đáp trả, Ấn Độ cũng đưa một lượng lớn vũ khí hạng nặng tương xứng. Pháo tự hành hiện đại nhất của quân đội Ấn Độ cho đến nay là mẫu K9 Vajra-T, có khả năng bắn tất cả các loại đạn tiêu chuẩn NATO. Nhờ tích hợp hệ thống nạp đạn tự động, K9 có thể khai hỏa với tốc độ bắn khoảng 6 viên/phút.
Ai đúng, ai sai chưa rõ nhưng điều chắc chắn là đã có khoảng 100 lính ở cả hai phía bị thương trong 2 vụ xô xát ngày 5 và 9-5. Không có ai thiệt mạng, không có một tiếng súng nào, tuy nhiên các sự cố nói triên đã thúc đẩy hai bên leo thang tranh chấp.
Giới phân tích cho rằng sự chia rẽ hiện nay không đơn thuần chỉ là những tranh cãi kéo dài hàng thập kỷ về vấn đề biên giới, nó còn là sự cạnh tranh giành quyền lực tại châu Á.
Trong khi báo chí Ấn Độ đưa tin hoạt động xây dựng tại một căn cứ ở Trung Quốc, chỉ cách biên giới 195km, trong đó có cả một đường băng phục vụ máy bay chiến đấu, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh rằng: “Trung Quốc cam kết bảo đảm an ninh chủ quyền lãnh thổ quốc gia, cũng như đảm bảo hòa bình và ổn định cho khu vực biên giới Trung Quốc – Ấn Độ”.
Việc Ấn Độ tích cực xây dựng các tuyến đường, sân bay dọc biên giới với Trung Quốc để thể hiện quyền kiểm soát mạnh mẽ hơn, khiến Bắc Kinh không khỏi bất bình. Ấn Độ cũng đã triển khai lực lượng quân sự cũng như hỏa lực tới vùng biên.
Một nguồn tin chính phủ cho biết ngày 26-5, Thủ tướng Narendra Modi đã có cuộc gặp với các quan chức quốc phòng để thảo luận về việc “củng cố khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Ấn Độ trước các thách thức an ninh bên ngoài”.
Sumit Ganguly – chuyên gia về chính sách đối ngoại Ấn Độ tại trường Đại học Bloomington, bang Indiana (Mỹ) – cho rằng những diễn biến này chính là một sự leo thang căng thẳng. Ông bình luận: “Đã có những vụ tấn công bất ngờ. Hai bên đều có các hoạt động tuần tra khá bạo dạn… Đó không chỉ đơn thuần là xung đột lẻ tẻ”.
Cựu Đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc Ashok K. Kantha cho rằng: “Những diễn biến leo thang này là rất nghiêm trọng và không chỉ là những sự kiện mang tính nội bộ…”. Adam Ni, Giám đốc Trung tâm Chính sách Trung Quốc tại Australia, bình luận rằng khi mọi chuyện trở nên bế tắc như hiện nay, cả hai bên đều cho rằng bên kia là “kẻ xâm lược”.
Và đó có lẽ chính là lý do khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 27-5 vừa qua đề xuất đứng ra làm trung gian hòa giải những mâu thuẫn này.
Mặc dù vậy, giới chuyên gia nhận định chiến tranh vũ trang khó có thể diễn ra, bởi hai bên vẫn đang xúc tiến các nỗ lực ngoại giao và không bên nào muốn dấn thân vào cuộc chiến trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn đang diễn biến khó lường ở mỗi nước.
Để phá vỡ thế bế tắc hiện nay, một số nhà phân tích cho rằng cần tới sự hậu thuẫn của Mỹ, nhất là nếu Mỹ có thể thuyết phục Bắc Kinh lùi bước. Tuy nhiên, cũng chính những chuyên gia này lo ngại rằng ông Donald Trump không đủ sức gánh vác trọng trách giải quyết thách thức ấy.
Bởi lẽ như lời ông Ganguly: “Ông ấy (Donald Trump) đề xuất hòa giải cuộc khủng hoảng mà chẳng thèm biết biên giới nằm ở đâu” – ám chỉ cuộc gặp Trump-Modi gần đây khi nhà lãnh đạo Mỹ nhầm lẫn và nói rằng Ấn Độ và Trung Quốc không chia sẻ biên giới.
Quang Nguyễn/ANTG