Lời giải cho thắc mắc ‘Thi hài Bác trong Lăng là thật hay tượng sáp’
Nhiều người dân đi viếng Bác khi thấy thi hài Bác trong Lăng rất đẹp đã thắc mắc đó là thi hài Bác thật hay tượng sáp. Thiếu tướng Cao Đình Kiếm – Chính uỷ Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết: “Đến nay đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ của Việt Nam đã học tập, nghiên cứu, làm chủ hoàn toàn công nghệ giữ gìn thi hài Bác. 50 năm qua, thi hài Bác được bảo quản rất tốt, chòm râu, mái tóc vẫn còn nguyên”.
Công nghệ giữ gìn thi hài là một lĩnh vực mới mà trên thế giới chỉ có Liên Xô (cũ) và hiện là Nga có. Vận dụng công nghệ này cũng chỉ có Việt Nam giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và Triều Tiên giữ gìn thi hài lãnh đạo Kim Nhật Thành cùng con trai nhà lãnh đạo này là ông Kim Jong Il.
Chính ủy Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh Cao Đình Kiếm cho biết: “Thành công lớn nhất và xuyên suốt 50 năm qua của Bộ Tư lệnh là dù trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hoàn thành xuất sắc”.
Thiếu tướng Cao Đình Kiếm kể, việc gìn giữ thi hài Bác diễn ra qua nhiều giai đoạn. Trong đó, 6 năm đầu mang tính quyết định. Ngày 23/8/1969, trước tình hình sức khoẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh yếu đi, Liên Xô cử chuyên gia sang cùng Việt Nam bàn cách gìn giữ thi hài. Lúc 9h47 ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh trút hơi thở cuối cùng.
Việc gìn giữ thi hài Bác được giao cho các chuyên gia Liên Xô cùng tổ y tế đặc biệt của Việt Nam. Khi Bác mất, có ý kiến do điều kiện chiến tranh, khí hậu, kinh tế Việt Nam khó khăn nên phía bạn đề xuất đưa thi hài Bác về Liên Xô. Tuy nhiên sau đàm phán, ta đã quyết định để thi hài Người tại Việt Nam và Liên Xô sẽ hỗ trợ.
“Đây là nhiệm vụ mới, chưa có tiền lệ, điều kiện Việt Nam nhiệt đới gió mùa, nóng lạnh thất thường nên càng khó khăn”, Tướng Kiếm nói và cho biết, từ năm 1969 – 1975, việc gìn giữ thi hài Bác được tổ chức ở K9. Do điều kiện chiến tranh, thiên tai, thi hài Hồ Chủ tịch đã có 6 lần di chuyển. Lần đầu từ Hà Nội lên Ba Vì, lần cuối từ Ba Vì về Lăng ngày 18/7/1975.
Ngày 29/8/1975, Nhà nước khánh thành Lăng và tổ chức lễ viếng. Thiếu tướng Cao Đình Kiếm cho biết: “Hàng ngày, thi hài Bác phải tiếp xúc với ánh sáng, khí hậu nên yêu cầu bảo vệ, gìn giữ rất nghiêm ngặt. Đội ngũ y tế phải luôn duy trì thông số về nhiệt độ, độ ẩm vì hanh khô hay ẩm ướt quá cũng không được”.
Sau khi thống nhất đất nước, Việt Nam lại phải bảo vệ biên giới Tây Nam, phía Bắc, trực tiếp ảnh hưởng đến việc đảm bảo an ninh thi hài Bác. Cuối thập niên 1980, tình hình Đông Âu, Liên Xô khó khăn. Năm 1991, Liên Xô sụp đổ, toàn bộ chuyên gia ở Lăng rút về nước, nguồn viện trợ vật chất không hoàn lại bị cắt.
Việc này đặt Việt Nam vào tình thế tưởng chừng không thể để Lăng hoạt động được nữa. Trong bối cảnh đó, lực lượng bác sĩ, kỹ thuật của Việt Nam từng bước khắc phục khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ.
Sau nhiều năm đàm phán, năm 2004, phía Nga đã đồng ý chuyển giao công nghệ và phối hợp pha chế dung dịch đặc biệt tại Việt Nam. Đến nay, ta đã 15 lần pha chế thành công dung dịch đặc biệt sử dụng trực tiếp cho việc giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Từ thành công đó, năm 2018, đơn vị tiếp tục hợp tác xây dựng cơ sở kỹ thuật và sản xuất thành công bộ quần áo đặc biệt cho Bác. “Tới hiện nay, chúng ta đã xây dựng được dây chuyền sản xuất bộ quần áo này và bàn giao cho Tổng cục Công nghiệp quốc phòng quản lý, vận hành phục vụ cho nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác”, ông Kiếm thông tin.
Đây là những bước tiếp theo quan trọng đánh dấu quá trình chuyển tiếp và khẳng định Việt Nam có đủ khả năng làm chủ vững chắc tiến tới làm chủ hoàn toàn nhiệm vụ gìn giữ lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Công tác nghi lễ được hình thành từ ngày mở cửa Lăng và được bổ sung hoàn thiện, đổi mới trong nhiều năm qua. Đặc biệt, từ ngày 19/5/2001, đơn vị thực hiện trang nghiêm nghi lễ chào cờ hàng ngày trước Lăng Bác; ngày 18/5/2014, đơn vị phối hợp với Đoàn Nghi lễ Quân đội tổ chức nghi thức mới phục vụ Lễ viếng cấp Nhà nước, qua đó tạo ấn tượng và tình cảm tốt đẹp đối với nhân dân và khách quốc tế, góp phần bồi đắp thêm niềm tự hào, tự tôn dân tộc trong mỗi người dân Việt Nam.
Theo Chính ủy Bộ Tư lệnh Lăng, việc tổng kết 50 năm nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh năm nay nhằm đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Từ năm 1975 đến nay, đơn vị đã đón tiếp và phục vụ chu đáo, an toàn trên 57 triệu lượt người, trong đó có hơn 9 triệu khách quốc tế đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; phục vụ hơn 2.500 đoàn tổ chức sinh hoạt chính trị tại Lăng; phục vụ chiếu phim giới thiệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh cho gần 32 ngàn đoàn; tặng Huy hiệu Bác Hồ cho 214.565 đại biểu…
Tại Khu di tích K9, từ năm 1998 đến nay, đã đón tiếp, phục vụ an toàn hơn 40 ngàn đoàn với trên 3 triệu lượt khách đến tưởng niệm Bác Hồ và tham quan Khu di tích. Từ ngày 19/5/2017, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, đơn vị đã tổ chức đón thêm khách quốc tế vào tham quan Khu di tích K9.
Tieu Diem