Lời giải cho niềm tin cậy chính trị và vị thế Việt Nam trên trường quốc tế

Covid-19 là một cuộc sàng lọc tự nhiên, là phép thử của vũ trụ. Nó cho thấy rõ nội lực, sự ứng phó và bản lĩnh của mỗi quốc gia. Chuyến công du 7 ngày đến Châu Âu của Thủ tướng Phạm Minh Chính diễn ra trong bối cảnh dịch Covid các quốc gia hạn chế các chuyến thăm viếng ngoại giao, Việt Nam đã tận dụng mọi cơ hội để thực hiện một cuộc “xé kén” và tỏa sáng sau một thời gian dài chọn bước đi chiến lược

Từ ngày 31-10 đến ngày 5-11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị COP26, thăm làm việc tại Vương quốc Anh và thăm chính thức Cộng hòa Pháp.

Kết quả của các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư trong chuyến công tác tại châu Âu của Thủ tướng Phạm Minh Chính ấn tượng các con số: 60 thỏa thuận hợp tác, tổng giá trị đầu tư cam kết lên đến hơn 30 tỷ USD, tập trung trong các lĩnh vực thuộc những định hướng ưu tiên thu hút đầu tư của Việt Nam, và nhiều hơn thế nữa là uy tín, vị thế của Việt Nam ngày hôm nay để lại những dấu ấn đậm nét trên trường quốc tế.

Trên thương trường, chữ tín là chìa khóa quan trọng nhất của giới đầu tư và sản phẩm chính bao giờ cũng là lợi ích. Sự kiện Việt Nam thu hút các đối tác chiến lược, doanh nghiệp cam kết tăng cường đầu tư vào Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB) viện trợ không hoàn lại, nguyên thủ các quốc gia hỗ trợ vaccine và trợ giá vaccine, đối tác đẩy nhanh tiến độ hợp tác thành lập trường đại học theo tiêu chuẩn chất lượng Châu Âu; Cũng như cam kết nỗ lực của Việt Nam trong công tác chống dịch, không để xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng và đang mở cửa cho các hoạt động kinh tế – giao thương trở lại bình thường càng thể hiện rõ chân lý đó.

Một Việt Nam dám nói thẳng

Khi bạn làm đúng, bạn sẽ tự tin và thẳng thắn trong mọi phát ngôn – điều đó được thể hiện rõ trong từng ngôn từ, quan điểm của Thủ tướng Việt Nam trước cộng đồng quốc tế.

Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: “Mục tiêu lớn nhất của chúng tôi là mang lại cơm no áo ấm cho nhân dân. Bên cạnh đó, chúng tôi không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, hy sinh an sinh xã hội hay không đánh đổi môi trường để theo đuổi tăng trưởng”. Quan điểm trên được Thủ tướng diễn giải thêm: “Nhân quyền lớn nhất là lo cơm ăn áo mặc cho 100 triệu dân, không để ai thiếu ăn thiếu mặc, khi khó khăn không bỏ ai lại phía sau”.

Sự thẳng thắn của Thủ tướng Phạm Minh Chính được giới quan sát cho là phản ứng khá hiếm hoi của các nhà lãnh đạo thế giới. Quan điểm trên cũng đã cho thấy Việt Nam đang dần khẳng định lập trường rõ ràng của mình với cộng đồng quốc tế về vấn đề xưa nay vốn được xem là “khá nhạy cảm” trong quan hệ của Việt Nam với một số nước phương Tây luôn có xu hướng lôi chuyện dân chủ và tự do ngôn luận để gây sức ép lên Việt Nam.

Một Việt Nam nhìn thẳng, cầu thị, học hỏi và vươn lên

Có thể nói, hành động và phát ngôn của Thủ tướng Phạm Minh Chính luôn thu hút sự chú ý của truyền thông, bởi thông điệp rõ ràng, mạch lạc, không né tránh và đường hướng giải quyết vấn đề rất chặt chẽ.

Chỉ riêng ở lĩnh vực biến đổi khí hậu, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia dám nêu thực tế: Là một trong những quốc gia bị tác động nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu, Việt Nam luôn nỗ lực cố gắng làm hết sức mình để phát triển xanh, ứng phó biến đổi khí hiệu một cách bền vững và ổn định lâu dài. Tuy nhiên, Việt Nam đã trải qua thời gian dài chiến tranh, xuất phát điểm thấp, điều kiện kinh tế – xã hội còn khó khăn nên việc tiếp cận tăng trưởng xanh chậm hơn so với nhiều quốc gia khác, mặt khác, nền công nghiệp cũng phát triển chậm hơn và đồng nghĩa với việc phát thải ít hơn so với các nước phát triển.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng lý giải chân thành: Thời gian trước đây, khi công nghệ năng lượng sạch chưa phát triển, Việt Nam phải phát triển điện than để thúc đẩy nền kinh tế trong bối cảnh một nước đang phát triển. Từ đó, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam không ngại ngần nói thẳng: “Trong quá trình chuyển đổi nguồn năng lượng, phát triển xanh, Việt Nam cần các nước phát triển chia sẻ với những khó khăn khách quan mà Việt Nam gặp phải, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản trị quốc gia về phát triển bền vững, ưu đãi về tài chính xanh, hỗ trợ về công nghệ xanh”.

Tiếng nói và cũng là cam kết từ Tổng thống Mỹ Joe Biden: “Nhất trí thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện Việt – Mỹ phát triển tích cực hơn nữa, trong đó có hợp tác về tài chính công nghệ để giải quyết các vấn đề khí hậu”. Thái tử Charles nêu quan điểm: “Anh mong muốn có thể thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam- Anh trong các dự án bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học… để phát triển nền kinh tế xanh, tuần hoàn, bền vững và phát thải ít carbon”.

Không chỉ có giới quan sát, bình luận viên quốc tế cũng đồng nhận định: “Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn Việt Nam dự COP26 được đánh giá giúp quốc gia chứng minh cho thế giới thấy rõ hơn về thiện chí, cam kết chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam sang ưu tiên năng lượng sạch, đảm bảo cắt giảm khí thải nhà kính, hướng đến các mục tiêu tăng trưởng bền vững”.

Sức hút của Chính phủ số và hội nhập

Con người là yếu tố quyết định, vừa là mục tiêu, động lực, vừa là trung tâm, chủ thể của công cuộc đổi mới, hội nhập. Với người dân Việt Nam, tinh thần vươn lên luôn rất cao, đặc biệt càng trong khó khăn, thử thách thì lại càng đoàn kết, vươn lên để tự khẳng định mình. Bên lề COP26, tham gia Hội nghị đối thoại với Ngân hàng Standard Chartered, hơn 300 lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài, Thủ tướng Phạm Minh Chính đi thẳng vào trọng tâm, tự tin làm chủ cuộc thương thuyết: Việt Nam đang tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế với 3 trọng tâm, bao gồm tái cơ cấu đầu tư (đầu tư Nhà nước và hợp tác công tư), tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và tái cơ cấu mô hình tăng trưởng xanh, bền vững.

Mặc dù Việt Nam đã xử lý thành công nhiều vấn đề liên quan đến “hậu Covid-19”, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, thiết lập lại nhanh chóng môi trường kinh doanh sau khi kiểm soát được dịch bệnh, mọi việc đang phục hồi trở lại – đó là những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, toàn dân. Tuy nhiên, Việt Nam không lấy đó làm ngạo nghễ, như lời người đứng đầu Chính phủ nhận định: “Việt Nam “là nước đi sau”, nhưng đây cơ hội tốt vì có thể rút kinh nghiệm từ những nước đi trước để phát triển, tránh các vấn đề khó khăn”.

Với tinh thần cầu thị và có đủ điều kiện cần để chào đón các nhà đầu tư như thế, Việt Nam cũng được đánh giá cao ngay tại Hội nghị COP26 và cả bên lề Hội nghị. Những cuộc tiếp xúc song phương liên tiếp diễn ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp nguyên thủ các quốc gia không chỉ có Châu Âu, mà còn tiếp lãnh đạo các quốc gia Mỹ, Hàn Quốc, Canada, Ấn Độ, Thái Lan, lãnh đạo các ngân hàng thế giới và các nhà doanh nghiệp danh tiếng đang chi phối kinh tế toàn cầu – những vị mà không phải ai muốn cũng đều gặp được.

Cũng không phải ngẫu nhiên Thủ tướng Boris Johnson, Thái tử Charles, Thủ hiến ba vùng Scotland, Wales và Bắc Ireland đều dành thời gian, kể cả ngày nghỉ để hội kiến và tiếp xúc riêng với Thủ tướng Phạm Minh Chính. Thủ tướng Ấn Độ – Modi trân trọng mời Thủ tướng Phạm Minh Chính sớm có chuyến thăm chính thức. Nhận định về sự kiện đáng chú ý này, Chủ tịch Ngân hàng Standard Chartered – ông Jose Vinals đúc kết ngắn gọn: “Việt Nam sẽ trở thành điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư”.

Đúng như lời nhận định trước thềm chuyến công du của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Vương quốc Anh, Tổng Lãnh sự Anh tại TP.HCM, Bà Emily Hamblin, Giám đốc Thương mại Anh tại Việt Nam: “Chuyến công du của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ thúc đẩy mạnh mẽ phát triển quan hệ hai nước”.

Trong ngày đầu tiên Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Anh, người dân Việt Nam trong và ngoài nước đã vỡ òa hạnh phúc khi 26 văn kiện của hai nước Việt – Anh được ký kết, trong đó hàng loạt các hợp đồng hợp tác kinh tế đáng kể từ thương mại, năng lượng, nông nghiệp, giáo dục, cho đến y tế. Đặc biệt, trong buổi làm việc trực tiếp với lãnh đạo tập đoàn AstraZeneca, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thuyết phục tập đoàn chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho Việt Nam, đồng thời Việt Nam cũng đã ký kết mua thêm được 25 triệu liều vaccine Astrazenica, nâng tổng số thỏa thuận lên hơn 55 triệu liều. Trong tháng 11 và tháng 12-2021, toàn bộ số vaccine sẽ được đưa về Việt Nam, kịp thời thực hiện nhanh chóng mục tiêu tiêm vaccine toàn dân của Chính phủ.

Vai trò, vị thế của Việt Nam tại Anh

Mặc dù bận rộn, phải tập trung cho Hội nghị COP26 nhưng lãnh đạo quốc gia Anh đã dành cho Thủ tướng Phạm Minh Chính và phái đoàn Việt Nam sự đón tiếp trọng thị, với các nghi thức lễ tân cao. Đón tiếp Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thái tử Charles khẳng định: “Anh coi trọng vai trò, vị thế của Việt Nam, mong muốn làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam”. Thiện chí ấy được Thái tử kế vị Vương quốc Anh Charles thực hiện bằng hành động cụ thể: “Anh luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam, kết nối với Liên minh toàn cầu về dịch vụ tài chính, đầu tư trực tiếp và gián tiếp cho chống biến đổi khí hậu vào Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực chuyển đổi nền kinh tế và phát triển năng lượng tái tạo”.

Vị thế của Việt Nam được thể hiện rõ tại Anh, như nhận định của Thái tử Charles. Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính là nhà lãnh đạo duy nhất trong số 120 nguyên thủ, lãnh đạo các quốc gia tới Anh dự COP26 được Thủ hiến vùng Scotland tiếp tại nhà riêng.

Điều đặc biệt, khi Thủ tướng mong muốn Scotland chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam, cử chuyên gia tư vấn và đầu tư để giúp Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng mới. Thủ hiến Nicola Sturgeon ủng hộ đề xuất của Thủ tướng và cho biết: “Scotland có nhiều lợi thế, kinh nghiệm phát triển điện gió gần bờ và đang gia tăng điện gió ngoài khơi, sẵn sàng chia sẻ và hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này”. Chưa dừng ở đó, Thủ hiến Nicola Sturgeon mong muốn hai quốc gia tăng cường hợp tác trong đào tạo, phát triển nhân lực, đồng thời hoan nghênh sinh viên Việt Nam đến học tập, nghiên cứu tại Scotland.

Trước thềm chuyến công du thăm Pháp của Thủ tướng Phạm Minh Chính được diễn ra, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery đã phát ngôn trước truyền thông: “Các nhà lãnh đạo Pháp trông đợi chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 hai năm qua khiến các chuyến thăm cấp cao chưa được thực hiện”.

Theo tường thuật của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, nước chủ nhà Pháp dành cho Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn Việt Nam các nghi lễ hơn cả thông lệ, trọng thị và rất thân tình: cả Tổng thống, Thủ tướng hội đàm và chiêu đãi trọng thể, Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch Thượng viện đều hội kiến với Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Chủ tịch MEDEF Geoffroy Roux de Bézieux dựa trên nền tảng phân tích, nghiên cứu thị trường Việt Nam đã nhận định: “Chúng tôi thấy Việt Nam có rất nhiều chương trình và kế hoạch phát triển mạnh mẽ, cam kết mạnh mẽ về hạ tầng, nông nghiệp sạch, y tế và đổi mới sáng tạo. Các doanh nghiệp Pháp có rất nhiều thế mạnh trong lĩnh vực này nên cánh cửa hợp tác mở rộng cho 2 bên”.

Nhưng, vượt xa sự quan sát của giới chính khách và nhà kinh tế, Việt – Pháp không chỉ tăng cường hợp tác kinh tế, tạo điều kiện doanh nghiệp Vingroup của Việt Nam đầu tư vào thị trường Pháp, Pháp sẵn sàng đem lại lợi ích kinh tế cho Việt Nam, mà còn hơn thế nữa. Trong các cuộc hội đàm, hội kiến, các nhà lãnh đạo của Pháp đều bày tỏ coi trọng vai trò, vị thế của Việt Nam, đi đến thống nhất tăng cường lòng tin chiến lược, quyết tâm đưa các khuôn khổ hợp tác với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực tiếp tục đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.

Không chỉ dừng ở đó, những cuộc họp dày đặc, trò chuyện thân mật trong và ngoài hội nghị giữa Thủ tướng Việt Nam và lãnh đạo cấp cao của Pháp càng dấy lên nhiều câu hỏi về nội dung tuyệt mật mà lãnh đạo hai quốc gia đã bàn thảo. Có khi những hợp đồng “tín nhiệm”, không thể hiện trên văn bản hay lưu bất kỳ thông tin nào lại là “hợp đồng chiến lược” nhất, là mấu chốt quyết định đến sự xoay trục, thiết lập và vẽ ra trật tự thế giới mới.

Khẳng định vai trò của Việt Nam

Ngoài 29 hợp đồng phát triển kinh tế hợp tác giữa các bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác Cộng hòa Pháp và một số nước châu Âu được ký kết tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt-Pháp. Điểm nhấn đặc biệt thu hút sự quan tâm của cộng đồng: Việt – Pháp hoan nghênh việc các tàu quân sự Pháp thăm xã giao hoặc ghé đậu kỹ thuật phù hợp với các quy định pháp luật Việt Nam.

Cả hai quốc gia đẩy mạnh triển khai Tuyên bố về Tầm nhìn chung trong hợp tác quốc phòng giai đoạn 2018-2028, trong đó: Việt Nam và Pháp tái khẳng định tôn trọng đầy đủ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, cũng như giải quyết hòa bình các tranh chấp, loại trừ mọi hành động sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; Hợp tác đào tạo sĩ quan tại Pháp, duy trì an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở tất cả các vùng biển và đại dương, đặc biệt là ở Biển Đông, trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế được hai quốc gia thông qua bằng văn bản chiến lược cụ thể.

Một câu hỏi lớn được nêu ra, trong hoàn cảnh Anh – Pháp đang căng thẳng tột độ liên quan đến buôn bán tàu ngầm, thì liệu chăng chuyến thăm viếng của Thủ tướng Phạm Minh Chính là “chìa khóa vàng” để giải quyết cho bài toán khó này? Khi hợp tác quân y, đào tạo sĩ quan của hai nước Việt – Pháp được công khai như trên, thì hợp tác quốc phòng chứa đựng “bí mật” gì hai quốc gia chưa “bật mí”? Sự quan sát không chỉ với các quốc gia Châu Âu, Châu Mỹ mà cũng trở thành điều đáng lưu tâm với các nước trong khu vực Châu Á.

Trong chuyến công du 7 ngày sang Châu Âu của Thủ tướng Phạm Minh Chính, có thể nói dù là đi hay về, Thủ tướng cũng làm cho người Việt Nam cảm thấy ấm lòng.

Không chỉ là tâm tình, tấm lòng của một lãnh đạo, mang hơi ấm của quê hương đến với kiều bào của mình đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Mà sự ấm lòng còn đến từ những kết quả đàm phán, hợp đồng kinh tế đã ký kết, những lợi ích đang còn là ẩn số chưa công khai và ấm lòng nhất, chuyến công du của Thủ tướng là cầu nối chuyển tải tình cảm của bà con kiều bào về với người dân trong nước. Tinh thần đoàn kết, quan tâm, nghĩ đến nhau, nghĩ về quê hương, đồng bào ruột thịt dù cách xa nửa bán cầu nhưng chưa bao giờ tách rời bởi khoảng cách địa lý.

Dù tại Anh hay tại Pháp, dù lịch trình dày đặc nhưng ở mỗi quốc gia, Thủ tướng Phạm Minh Chính luôn dành thời gian để gặp gỡ đồng bào của mình, thông báo với bà con tình hình mọi mặt của đất nước, và quan trọng nhất vẫn là lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con. Bất kỳ ai cũng xúc động, không giấu được cảm xúc hạnh phúc khi Thủ tướng nhấn mạnh: “Cộng đồng là bộ phận không thể tách rời và là động lực của dân tộc. Đảng, Nhà nước và Chính phủ có trách nhiệm chăm lo và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho bà con”. Không nói suông, Thủ tướng thể hiện bằng hành động cụ thể, giao ngay cho các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đáp ứng thuận lợi kiến nghị của kiều bào về dạy và học tiếng Việt, tạo cơ chế khuyến khích sự đóng góp của chuyên gia trí thức kiều bào, nối lại các chuyến bay thương mại để bà con về thăm quê hương…

Chuyến chuyên cơ về nước của Thủ tướng Chính phủ vào trưa ngày 6-11, chở theo không chỉ phái đoàn công tác mà còn chở về những món quà cho người dân trong nước. Đó là các trang thiết thiết bị, vật tư y tế hỗ trợ điều trị COVID-19 trị giá 3,5 triệu Bảng Anh (do kiều bào và các cơ quan tại Vương quốc Anh ủng hộ) và 640.000 Euro (do kiều bào và các cơ quan tại Cộng hòa Pháp ủng hộ); 400.000 bơm kim tiêm và một số vật tư y tế do liên hội y tế Pháp-Việt ủng hộ; Có 2 tỷ đồng và hơn 16.000 Bảng Anh tiền mặt do kiều bào và các cơ quan tại Vương quốc Anh ủng hộ; 107.000 Euro tiền mặt do kiều bào và các cơ quan tại Cộng hòa Pháp ủng hộ. Đó không chỉ đơn thuần là tiền, là hiện vật mà quý hơn hết đó là tình cảm, tấm lòng hướng về quê hương đất nước, nghĩa cử đồng bào xa xứ của ta ở Anh và Pháp.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang chi phối toàn cầu, các quốc gia hạn chế các chuyến thăm viếng ngoại giao, nhiều quốc gia vẫn còn đang “đóng băng” kinh tế thì 60 thỏa thuận, hợp tác đầu tư đa lĩnh vực được ký kết trong chuyến công du 7 ngày Châu Âu của Thủ tướng Phạm Minh Chính, chính là điểm son – đã mở ra nhiều cơ hội vàng tăng cường hợp tác với các nước, các đối tác về tài chính, là bệ phóng tạo đà cho đất nước phát triển vào cuối năm 2021.

Chuyến công du này của Thủ tướng, rõ là: Mùa Xuân đang về, trời đã hửng sáng!

Thực hiện: Thái Thanh 

Đồ Họa: MN