Cú đập cánh ở Nam Phi và vũ khí của Việt Nam
Chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng nhiều ràng buộc. Một cú đập cánh bướm ở châu Phi có thể gây nên một cơn bão trên khắp toàn cầu. Cũng như một con virus ở Vũ Hán đã làm thay đổi thế giới suốt 2 năm qua. Chính vì vậy, buộc mỗi quốc gia phải tự xây dựng cho mình một vũ khí đủ mạnh để chống lại sức ảnh hưởng từ một cú đập cánh ấy.
Nhân loại đang đối diện với thảm họa
Thảm họa có lẽ là một từ bao quát nhất để nói về thế giới ngay lúc này. Chưa bao giờ con người lại trở nên lo sợ và nghi kị với nhau trong từng hơi thở như vậy. Ngay cả những người thân trong gia đình còn phải phòng chống nhau chứ đừng nói gì đến ngoài xã hội. Trong khi đó, vaccine chỉ có tác dụng phần nào mà lại còn khan hiếm, thuốc đặc trị vẫn còn bỏ ngỏ.
Đáng sợ hơn cả, khi cả thế giới tưởng như được tạm nghỉ ngơi giữa hiệp trong cuộc chiến khốc liệt với chủng Delta thì bất ngờ một chủng mới lại xuất hiện. Chủng Omicron chứa hàng loạt đột biến như K417N, N501Y, N440K, được xem là biến thể tồi tệ nhất trong đại dịch vì lượng đột biến khổng lồ và tính ưu việt của các đột biến đó. Nó được cảnh báo là có tốc độ lây lan gấp 500 lần chủng Delta.
Mặc dù vẫn còn nhiều tranh cãi tuy nhiên chỉ sau một đêm WHO đã xếp nó vào chủng virus đáng lo ngại. Chính vì thế, mặc dù cả thế giới nợ Nam Phi một lời cảm ơn nhưng vẫn buộc phải ra lệnh phong tỏa cấm nhập cảnh đối với công dân đến từ nước này. Sau Anh, là hàng loạt quốc gia, từ Á sang Âu, đã ban hành lệnh cấm của riêng mình. Nhiều hãng hàng không cũng ngừng bán vé máy bay đi và đến tới Nam Phi.
Sự lo sợ này là chính đáng bởi địa ngục trần gian ở Ấn Độ và Châu Âu là một minh chứng sống động nhất về sự khủng khiếp của chủng virus Delta.
Việt Nam của chúng ta phải làm gì?
Trước sự đe dọa của chủng mới Chính phủ đã kịp thời đưa ra những chỉ đạo khẩn để phòng chống. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là bước phòng ngừa chữa được phần ngọn nhưng không giải quyết được phần gốc.
Chúng ta cần xác định rằng với sự tiến hoá đột biến của virus khó có thể dự đoán được khi nào cuộc chiến này kết thúc. 1 năm, 2 năm, thậm chí là 5 năm. Chính vì vậy, như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định chúng ta buộc phải thích ứng và sống chung với dịch bệnh. Và ngay trong Nghị quyết 128 đã thể hiện rất rõ tinh thần ấy.
Thích ứng bằng việc tiêm vaccine, 5K, thuốc đặc trị và bằng ý thức người dân. Lý thuyết thì là như vậy, nhưng thực tế thì sao? Chúng ta đã có một cuộc chiến dài hơi suốt 2 năm qua, mọi nguồn lực đều được huy động để chống dịch và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, chữa trị và tiêm vaccine đều là miễn phí, nhưng liệu điều đó có thể kéo dài mãi đến bao giờ. Khi chính Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa nhận, ngân sách chống dịch đã cạn kiệt?
Đã có rất nhiều ý kiến về việc cho tư nhân tham gia vào khám chữa bệnh, chăm sóc y tế. Việc huy động nguồn lực y tế toàn xã hội là điều tốt, tuy nhiên liệu có quản lý được chặt chẽ khi nội việc thu giá xét nghiệm đã loạn cào cào, người dân kêu cứu vì bị “cắt cổ”. Bên cạnh đó, người dân kiệt quệ vì dịch bệnh là sự thật hiển nhiên, bởi vậy không thể nào thu phí từ họ.
Chính vì thế, cho đến thời điểm hiện tại một yêu cầu cấp bách đặt ra là cần một quỹ phòng chống dịch bệnh. Tất cả mọi biện pháp dù có tốt đến đâu đều sẽ trở nên vô nghĩa nếu chúng ta không có nguồn lực tài chính. Mà để chuẩn bị cho cuộc chiến dài hơi này thì chúng ta càng cần có một nguồn lực mạnh mẽ và cực kỳ lớn. Rồi từ đó mới tính được đến chuyện gia tăng nguồn lực về y tế, về vaccine, về hỗ trợ anh sinh xã hội, về kích cầu kinh tế.. .
Chúng ta đã từng rất cảm động về những tấm lòng, những cánh tay chìa ra cho Quỹ vaccine Covid-19 vừa qua. Cho đến thời điểm này mọi thứ rất hiệu quả, rất minh bạch. Nhờ Quỹ vaccine Covid-19 mà đợt tiêm mũi 3 cho người dân đã sắp được khởi động vào tháng 12 tới đây. Chính vì vậy, rất cần tinh thần và những cánh tay ấy một lần nữa. Chúng ta chỉ an toàn khi cả cộng đồng khỏe mạnh.
Và Quỹ phòng chống dịch bệnh không chỉ dành để đối phó với làn sóng Covid-19 mà còn để chuẩn bị với các dịch bệnh khác, những thảm họa khác trong tương lai. Với sự biến đổi của khí hậu, cùng hệ quả của sự phát triển ồ ạt công nghiệp, không ai dám chắc điều gì sẽ xảy ra. Cũng như dự đoán được sau thảm họa này sẽ là thảm họa nào đó đang tiến tới. Như cách xuất hiện bất ngờ của chủng Omicron vậy.
Thu An