+
Aa
-
like
comment

Câu chuyện tắc nghẽn cửa khẩu và mối quan hệ ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc

Đinh Thảo - 11/01/2022 10:12

Câu chuyện tắc nghẽn cửa khẩu phía Bắc đã không còn trở nên mới mẻ. Bên cạnh những ý kiến đóng góp, đưa ra những giải pháp tích cực, một số cá nhân lại lợi dụng vấn đề này để kích động, phá vỡ ngoại giao giữa Việt Nam- Trung Quốc.

Bàn về thực trạng thời gian gần đây, Trung Quốc trở thành thị trường khó tính và bắt đầu quản lý chất lượng hàng hóa nhập khẩu siết chặt con đường tiểu ngạch. Cụ thể là hơn nửa tháng nay, tại khu vực cửa khẩu biên giới giáp với Trung Quốc bị tắc nghẽn nghiêm trọng do nước bạn đóng cửa. Một trong những nguyên nhân gây nên là Trung Quốc phát hiện virus SARS-CoV trên phương tiện và bao bì sản phẩm Việt Nam.

Điều này dẫn đến tình trạng nhiều xe hàng nông sản như mít, thanh long, chuối,… phải nằm chờ dài ngày, không thể thông quan. Nhiều hàng hóa bị hư hỏng nặng, phải đổ bỏ. Một số chủ xe phải quay đầu, đỗ dọc trên đường để bán tháo, gỡ gạc vốn.

Trước tình trạng ùn ứ hiện nay, cơ quan chức năng cũng đã có biện pháp tháo gỡ. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tạm thời. Chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận lại, hàng hóa nông sản Việt Nam đang quá lệ thuộc vào Trung Quốc, từ đầu vào đến đầu ra. Để giải quyết vấn đề này, chúng ta cần linh hoạt hơn, nâng cao chất lượng quy trình sản xuất.

Tuy nhiên, lợi dụng vấn đề này, nhiều đối tượng lại không ngừng xuyên tạc, kích động, phá vỡ tinh thần ngoại giao giữa hai nước. Cụ thể mới đây, tài khoản mạng xã hội Chu Mộng Long có đăng tải bài viết: “Đề nghị Trung Quốc mở cửa cho nhập thanh long ngay lập tức!”. Đối tượng chất vấn tại sao Trung Quốc không chấp nhận mở cửa để nhập hàng, than kêu người dân khổ sở. Nguy hiểm hơn, bài viết này đã thu hút hơn 600 lượt like, 28 lượt share và nhiều comment với bình luận tiêu cực.

Mục đích các đối tượng không chỉ dừng lại ở việc thu hút lượt like, share, tương tác mà còn kích động cảm xúc người dân. Lợi dụng những ác cảm sẵn có của một bộ phận người dân Việt Nam với Trung Quốc mà tiêu cực hóa tình hình, làm giảm mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa hai nước.

Thẳng thắn mà nói, việc phía Trung Quốc ngừng nhập khẩu thanh long trong 4 tuần là sự cố không mong muốn. Tuy nhiên, cơ quan chức năng Việt Nam đã cố gắng đối thoại, thỏa thuận để có phương án tốt nhất, cùng chia sẻ làm ăn lâu dài. Đồng thời, riêng Long An cũng đã kiến nghị Chính phủ xem xét có gói hỗ trợ 50% chi phí sản xuất cho nông dân bị thiệt hại, để họ có nguồn vốn tái sản xuất.

Đồng thời, chúng ta cũng nên đưa ra các giải pháp linh hoạt, lâu dài hơn, đa dạng thị trường xuất khẩu. Chúng ta cần loại bỏ quan niệm sản xuất kiểu hàng này bán cho Trung Quốc, loại sản phẩm kia xuất sang Châu Âu. Tất cả các mặt hàng nông sản Việt Nam cần thống nhất một mức sàn về chất lượng. Để nếu như không xuất khẩu được sang Trung Quốc thì ta có phương án bán cho nước khác ngay. Tránh trường hợp phải thiết lập lại mã số vùng trồng, làm lại chứng nhận về chất lượng.

Để làm được như vậy, các doanh nghiệp cần tập trung vào chất lượng, cải tiến bao bì, mẫu mã, đạt các tiêu chuẩn và đẩy mạnh quảng bá. Nếu làm được những điều này, chúng ta sẽ chinh phục được nhiều thị trường khó tính khác, giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Thực tế đã có nhiều doanh nghiệp tìm được lối đi riêng khi xuất khẩu sang các thị trường khác như Mỹ, EU… thì họ không có gì bận tâm, lo lắng, thậm chí là giá bán hàng hóa nông sản vẫn rất cao.

Câu chuyện ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu biên giới Việt Nam- Trung Quốc đã không còn trở nên mới mẻ. Nó xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan và khách quan. Tuy nhiên, nguy hiểm hơn khi một số đối tượng lợi dụng vấn đề này để kích động, chia rẽ ngoại giao hai nước, phức tạp hóa tình hình chính trị. Chính vì vậy, người dân cần đề cao cảnh giác, chọn lọc thông tin kỹ càng, tránh rơi vào bẫy tâm lý các đối tượng.

Đinh Thảo

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều