+
Aa
-
like
comment

Lợi dụng tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc – tuy không mới nhưng phải luôn cảnh giác

Han Cao - 01/07/2020 01:08

Trong chiến lược chống phá Việt Nam, các thế lực thù địch luôn lợi dụng những vấn đề nhạy cảm, có sự quan tâm, ảnh hưởng lớn tới cộng đồng để xuyên tạc các chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Tôn giáo là một trong những lĩnh vực dễ bị lợi dụng vào các hoạt động gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định chính trị- xã hội. Đây là một chiêu bài tuy không mới nhưng đòi hỏi phải luôn cảnh giác cao độ.

Linh mục Đặng Hữu Nam triệt để lợi dụng xuyên tạc, chống phá chế độ, chính quyền nhân dân và gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đã được hiến định trong Hiến pháp 2013

Với bề dày lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, đấu tranh giải phóng dân tộc, cùng với vị trí thuận lợi nằm ở khu vực Đông Nam Á, ba mặt giáp biển, có đường biên giới với Trung Quốc, Lào và Campuchia, Việt Nam là nơi hội tụ nhiều nền văn hóa trên thế giới, giao thoa tôn giáo, tín ngưỡng của nhiều dân tộc.

Với sự đa dạng các loại hình văn hóa, tín ngưỡng, Việt Nam được ví như “thư viện tôn giáo” của thế giới. Điều đó đã góp phần tạo nên nền văn hóa đặc sắc, muôn màu, muôn vẻ, đậm đà bản sắc dân tộc. Hiện nay, ở Việt Nam có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo khác nhau đã được nhà nước công nhận, mỗi tôn giáo đều có giáo lý riêng nhưng đều chung đường hướng hành đạo gắn bó với dân tộc, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

Đảng và Nhà nước ta từ khi thành lập luôn nhất quán chính sách đảm bảo quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của người dân, tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động và tham gia đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các tôn giáo đều được tôn trọng, bình đẳng trước pháp luật, không được phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo hay vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân.

Thực vậy, quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo đã được ghi nhận ngay trong Hiến pháp đầu tiên (1946) và tiếp tục được khẳng định ngày càng chi tiết, cụ thể trong các bản Hiến pháp những năm tiếp theo 1959, 1980, 1992, 2013. Cụ thể trong Chương 2 Điều 24 Hiến pháp năm 2013 đã nêu rõ “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo vệ quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do, tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tôn giáo để vi phạm pháp luật”.

Ngoài Hiến pháp, trong từng thời kì, quyền tự do, tín ngưỡng, tôn giáo còn được ghi nhận trong nhiều văn bản pháp luật khác. Chẳng hạn như, ngay sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 234/SL khẳng định: “Việc tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng là quyền lợi của nhân dân. Chính phủ luôn tôn trọng và giúp đỡ nhân dân thực hiện, chính quyền không can thiệp vào nội bộ các tôn giáo”.

Bước vào thời kì xây dựng đất nước, pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo năm 2004 đã thể chế hóa quan điểm đổi mới của Đảng và Nhà nước Việt Nam, trong đó xác định “Tôn giáo là vấn đề tồn tại lâu dài. Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu của một bộ phận nhân dân. Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới.”

Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng cũng đã chỉ rõ: “Quan tâm và tạo điều kiện cho các tôn giáo sinh hoạt theo Hiến chương, Điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận theo quy định của pháp luật, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước”.

Việt Nam là một nước đa tôn giáo, với sự hiện diện của các tôn giáo được du nhập từ bên ngoài vào như Phật giáo, Công giáo, Hồi giáo,…  và các tôn giáo được hình thành như Cao Đài, Phật Giáo Hòa hảo, Tứ Ân Hiếu Nghĩa,… Hầu hết các tôn giáo có bề dày lịch sử lâu đời, mang màu sắc riêng nhưng tựu chung lại vẫn đậm đà bản sắc dân tộc, truyền bá lối sống hướng thiện, mong cầu ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Tính đến hết năm 2017, ước tính trên cả nước, có khoảng 95% dân số có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó 24 triệu người công khai mình là tín đồ của một tôn giáo nào đó. Các lễ hội của các tôn giáo như lễ giáng sinh, Lễ Phật đản đều được tổ chức theo đúng các nghi thức tôn giáo.

Hàng năm, tại Việt Nam có hơn 8.500 lễ hội tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau được tổ chức ở cấp quốc gia và cấp địa phương. Nhà nước Việt Nam nhìn nhận tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu chính đáng và là một trong những quyền cơ bản của con người.

Đặc biệt, nhiều hoạt động tôn giáo quốc tế lớn được tổ chức thành công ở Việt Nam, trong đó có các sự kiện kỷ niệm 500 năm Cải chánh đạo Tin lành (năm 2017), Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak (năm 2019), Tổng hội dòng Đa Minh thế giới (năm 2019)…

Nhà nước Việt Nam kiên quyết theo đuổi chính sách tôn trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo, nghiêm cấm hành vi phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tôn giáo, tôn trọng và bảo vệ quyền tự do thờ cúng và thực hành tín ngưỡng tôn giáo.

Tất cả những điều trên là minh chứng cho nhưng nội dung đã được nêu cụ thể trong Hiến pháp 2013 bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của người dân Việt Nam.

Liên tục đấu tranh chống lợi dụng tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Như chúng ta đã biết, tôn giáo luôn là vấn đề nhạy cảm, dễ bị lợi dụng bởi các thế lực thù địch nhằm phá hoại chính sách của Đảng và Nhà nước ta, gây ảnh hưởng đến nền độc lập, hòa bình của dân tộc. Một bộ phận nhỏ chức sắc và tín đồ tôn giáo đã bị lung lay bởi các thế lực thù địch. Do có nhiều tham vọng chính trị, bị tác động ảnh hưởng xấu bởi những luận điệu, quan điểm sai lệch, xuyên tạc chủ trương của Đảng và Nhà nước, những người này đã có nhiều hành vi chống phá pháp luật, gây mất trật tự công cộng, kích động nhân dân, quần chúng.

Những cá nhân đã lợi dụng quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng để tiến hành các hoạt  động chống đối chính quyền, bác bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa dưới luận điệu đấu tranh vì tự do, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền. Mang danh nghĩa của một tổ chức tôn giáo nào đó liên kết và phụ họa với các thế lực thù địch, các phần tử phản động, chống đối ở cả trong và ngoài nước.

Để thực hiện âm mưu đó, các thế lực thù địch đã tách các tôn giáo khỏi khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp các mạng của nhân dân Việt Nam. Chúng dùng các thủ đoạn xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tôn giáo, bịa đặt, vu cáo cấp chính quyền phân biệt đối xử, đàn áp tôn giáo để kích động, chia rẽ trong nước và hạ thấp uy tín Việt Nam trên trường quốc tế…

Lợi dụng các đối tượng cực đoan chống đối trong các tôn giáo là lực lượng nòng cốt để lôi kéo tập hợp quần chúng làm đối trọng với Đảng, Nhà nước và thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Đồng thời, tổ chức và thành lập những tôn giáo bất hợp pháp nhằm quấy phá chính phủ, dựa vào quyền tự do tôn giáo để đứng lên biểu tình vì mục đích chính trị xấu xa, dùng những luận điệu mị hoặc dân chúng gây ra những hiểu lầm sai lệch về chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Đây là nguyên nhân và điều kiện để các thế lực thù địch lợi dụng các hoạt động tôn giáo vi phạm pháp luật để gây chia rẽ đoàn kết dân tộc, gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Thành lập các hội, nhóm mang danh tôn giáo, đạo lạ, gây mất đoàn kết dân tộc và đe dọa ổn định chính trị – xã hội; hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo mê tín, trục lợi, làm lệch chuẩn văn hóa, đạo đức xã hội.

Trước tình hình đó, nhân dân cần có cái nhìn sáng suốt, lập trường tư tưởng vững vàng để tránh bị kích động, lung lay trước âm mưu chia rẽ Đảng và nhân dân của các thế lực thù địch. Nhà nước ta bên cạnh việc tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, cũng nghiêm cấm mọi hoạt động lợi dụng vấn đề tôn giáo để vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước và công dân. Bất kỳ ai, nếu vi phạm pháp luật dù với bất cứ lý do gì đều sẽ bị xử lý nghiêm minh theo đúng pháp luật.

Có thể khẳng định, dù lợi dụng quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng để truyền bá những quan điểm sai lệch vào quần chúng nhân dân, kích động bạo loạn xã hội nhưng những âm mưu và thủ đoạn của các thế lực thù địch luôn được Đảng và Nhà nước ta kịp thời phát hiện. Những chiêu trò này đã rất quen thuộc và không mới nhưng luôn gây ra những tác động chia rẽ trong người dân, nhất là quần chúng nhân dân ít tiếp xúc nguồn thông tin chính thống.

Bởi vậy, cần liên tục đấu tranh chống các hoạt động lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng gây bất ổn an ninh chính trị trong nước. Không để chúng chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc cũng như làm mờ bản sắc gốc Việt.

Han Cao

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều