Lợi dụng thiên tai để chống phá là một sự “táng tận lương tâm”
Mới đây trên trang mạng của tổ chức phản động Việt Tân có bài viết: Quỹ phòng chống thiên tai giờ ở đâu khi dân cần? Ở đó, những lời lẽ mang tính kích động chống phá lại được lặp đi lặp lại khiến cho dư luận cảm thấy nhàm chán, nhưng lại có phần bức xúc vì tính quy chụp, bới móc, phản động của nó.
Lợi dụng thiên tai để chống phá
Năm nào Miền Trung cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa bão, lũ lụt như một chu kỳ. Nó lặp đi lặp lại khiến cho người dân ở dải đất này dù có chuẩn bị tâm lý để đối mặt với khó khăn, nhưng cuộc sống cũng trở nên khốn khó hơn.
Dẫn theo lời bài viết thì mọi hoạt động của bộ máy công quyền và hàng trăm ngàn quỹ, hội, đoàn để duy trì đều được lấy từ thuế của người dân. Mọi vấn đề xã hội đều được lấy từ mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu xương của người dân. Bài viết với những lời lẽ thâm hiểm, dễ đánh lừa những người có lập trường không vững khi mang Việt Nam so sánh với Nhật Bản.
Rằng, Nhật Bản, một quốc gia không có nhiều tài nguyên khoáng sản, và hàng năm phải gánh chịu hàng trăm trận động đất, sóng thần và bão lũ. Là nước có chỉ số động đất, sóng thần cùng những thiệt hại về thiên nhiên nhiều nhất Châu Á, nhưng GDP họ đứng thứ 3 thế giới, thứ 2 Châu Á. Bình quân đầu người ở Nhật đạt 45.565 USD.
Nhưng lãnh đạo Việt Nam hãy soi xem chính quyền Nhật Bản họ làm gì để đối chọi lại sự giận giữ của thiên nhiên? Họ đã chăm lo đời sống nhân dân ra sao? Tức là, ngòi bút với những lời lẽ cay nghiệt hướng đến những vị đứng đầu đất nước rằng các nhà lãnh đạo chúng ta đã làm gì với nguồn tài nguyên được gọi là “rừng vàng – biển bạc – đất phì nhiêu” để người dân phải gặp những bất hạnh như thế.
Từ đó, đặt ra vấn đề: Qũy phòng chống thiên tai đã được sử dụng như thế nào và ai đứng ra chi, ai đứng ra nhận? Mà khi dân cần thì những đồng tiền thuế đó đã đi đâu? Dân đói rét, nằm đất ăn sương thì những đồng tiền đó được chi vào những điều gì? Tại sao người xây dựng nên tổ quốc này lại không được chăm lo? Tại sao những kẻ phải hoại đất nước này lại được bao bọc chăm chút tận răng?
Sự bất công của xã hội Việt Nam còn có thể tới mức nào nữa, thì người dân mới hiểu được nguyên nhân của mọi vấn đề bắt nguồn từ đâu? Phải mất bao nhiêu con người, bao nhiêu tài sản, bao nhiêu và bao nhiêu nữa, thì chúng ta mới đổi lại cuộc sống có sự chăm sóc từ chính quyền? Tổ quốc có lỗi hay chính chúng ta là người có lỗi?
Dĩ nhiên, đây chỉ là những luận điệu, lời lẽ một chiều mang tính kích động từ phía “chân trời” Tây vọng về, và nó thiếu tính thực tiễn, không khách quan.
Thương lắm Miền Trung
Vài năm trở lại đây, lũ lụt ở Miền Trung trở nên hung dữ và nguy hiểm hơn, tần suất và đỉnh lũ cao hơn. Hậu quả cộng lại của chúng đã gây nên những trận lũ lịch sử không đáng có như đã thấy, thu hút sự quan tâm đặc biệt của xã hội.
Cả một biển nước đục ngầu gần như nhấn chìm mọi thứ. Những bụi cây chỉ còn lấp ló ngọn. Những cây cột điện bị nước nhấn sâu, chỉ còn những chiếc dây lõng thõng treo trên mặt nước. Những con lợn (heo), con gà… bì bõm trong làn nước đục, rồi trồi dần theo sóng ra xa. Những ngôi nhà chỉ còn mỗi nóc với những cánh tay chới với…
Một báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, đến sáng 13/10, mưa lũ đã làm ít nhất 44 người chết và mất tích (chưa tính số liệu tại thủy điện Rào Trăng 3 do đang xác minh), gây thiệt hại nặng về tài sản, cơ sở vật chất. Con số thiệt hại, mất mát sẽ còn tăng lên do tình hình thiên tai diễn biến rất phức tạp khi ngoài khơi liên tục xuất hiện những cơn bão mới, dồn dập đổ vào nước ta.
Rồi, cơn mưa trắng trời sáng đầu tuần ở Huế không thể làm nhòe đi giọt nước mắt đau xót của người chồng, gia đình, hàng xóm và cả những người dân chưa từng quen với sản phụ Phạm Thị Phượng. Chị Phượng không may bị lũ cuốn khi đi sinh vào sáng 12/10 tại xã Phong An, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế.
Cũng chiều 12/10 một chiếc rạp lớn được dựng lên tại thôn Thanh Quýt 3, xã Điện Thắng Trung (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) để tổ chức tang lễ cho anh Lê Tự Quốc (26 tuổi) và vợ là Lưu Thị Hoài Sương (23 tuổi) – đôi vợ chồng trẻ gặp nạn trên đường đi dự lễ cưới về hôm 10/10 tại khu vực Quảng Huế (xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam). Anh Quốc và chị Sương ra đi để lại cô con gái mới tròn 2 tuổi, phải đeo trên đầu hai mảnh khăn tang.,v..v
Không phải giữa biển khơi sóng lớn, không phải giữa rừng núi hoang vu mà ngay tại đồng bằng trù phú vẫn có những cái chết quặn lòng như thế. Hàng loạt câu cầu khẩn “giá như” hẳn phải xuất hiện với người đủ lòng trắc ẩn.
Vậy, từ đằng sau mưa lũ, chúng ta thấy được điều gì? Hẳn, trong các nguyên nhân gây lũ yếu tố con người cũng ngày càng lộ rõ, mặc dù tác động do biến đổi khí hậu có xu hướng ngày một xấu đi đã phần nào che lấp khiến cho thoạt nhìn khó có thể phân định đâu là do con người, đâu là do tự nhiên.
Nhưng trước tiên chúng ta thấy, dẫu thiệt hại, mất mát như thế, ai ai vẫn thấy rõ tình người dân vùng lũ. Không những bằng trách nhiệm mà còn bằng cả lương tâm, trái tim chân thành của người lính chính là động lực tinh thần to lớn để cán bộ, chiến sĩ và người dân vùng lũ vượt qua mọi khó khăn.
Những ngày này, dọc ngang những con đường hối hả, từng đoàn xe chở đầy mì gói, nước lọc, nhu yếu phẩm đến với người dân vùng lũ. Những vật phẩm có thể nói “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Song, sau tất cả đó là phần người đã lay động khi đồng bào mình gặp hoạn nạn.
Mạng xã hội những ngày này ngập tràn sắc màu yêu thương, hàng loạt hình ảnh giàu cảm xúc khó nói thành lời. Sắc áo xanh, màu áo vàng cùng hòa quyện vào nhau – không quản ngại khó khăn gian khổ, hiểm nguy cốt chỉ để xích lại gần nhau hơn.
Họ – không chỉ là doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ, đơn vị nhà nước như thường lệ, mà giờ đây cả học sinh, sinh viên, cánh xe ôm, hội chơi facebook, chị làm móng, anh thợ hồ… miễn là có cơm ăn thì sẵn sàng chia sẻ chút cháo.
Kế tiếp là, từ đằng sau mưa lũ ở Miền Trung, chúng ta phải khách quan nhìn nhận về thủ phạm gây ra những trận lũ bất thường vừa qua. Mà theo nhiều chuyên gia đã chỉ ra, do địa hình đồi núi đồi dốc, độ dốc thủy lực của dòng chảy các song ở Miền Trung lớn; Thủy điện, hồ đập xả lũ theo kiểu “xả chồng xả”; Vùng ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt lớn rộng và lớn; Diện tích rừng bị phá nghiêm trọng.
Rất nhiều những yếu tố gộp vào với nhau tạo nên các trận lũ gây ngập lụt kinh hoàng cho Miền Trung những ngày qua. Nó khiến cho những cơn đại hồng thủy với miền Trung những năm 1983 và 1999 chỉ là một nỗi sợ.
Bởi vì, lũ lụt ngày nay người dân còn nơm nớp với mấy quả “bom nước” treo lơ lửng ở thượng nguồn, cả làng quê nháo nhác hốt hoảng khi nghe loa thông báo “thủy điện xả lũ”. Người Miền Trung phải đối mặt không phải là cơn lũ bình thường mà lũ chồng lũ. Phải chăng đó là sự phản kháng của thiên nhiên khi con người chẳng từ thủ đoạn nào để khai thác, tận diệt?
Nhưng nói gì nói, lúc này chưa phải là lúc phân định ai đúng ai sai, chưa phải là lúc truy trách nhiệm. Mà hơn lúc nào hết, có ai trải qua hoàn cảnh mới thấm thía những gì mất mát, trong nỗi đau tột cùng, những giúp đỡ, những lời chia sẻ động viên, như những liệu pháp tinh thần giúp họ vượt qua những thời điểm khó khăn.
Trong thời khắc này, cùng với sự giúp đỡ, ra tay của Chính phủ, các bộ, ngành, đoàn thể và chính quyền các địa phương, nhân dân Miền Trung vùng lũ lụt đang rất cần sự chung tay giúp đỡ của đồng bào cả trong và ngoài nước.
Vì vậy, Việt Tân cũng như các thế lực thù địch lưu vong ở nước ngoài lợi dụng thiên tai địch họa để chống phá đất nước thì quả thật bỉ ổi, vô liêm sỉ, nếu không nói đó là một sự “táng tận lương tâm”.
Sông Trà
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả