+
Aa
-
like
comment

Khi “Nhân dân” chỉ là công cụ của kẻ chống phá

Bảo An - 14/03/2021 14:25

“Thương dân dân lập đến thờ, hại dân dân đái ngập mồ thối xương”. Những kẻ chống đối, cơ hội chính trị nếu không biết hối cải, quay đầu mà cứ tiếp diễn các hành vi sai trái, đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc thì chắc chắn sẽ bị người đời khắc ghi tội lỗi.

Luận điệu xuyên tạc lợi dụng những hoàn cảnh khó khăn của Chân Trời Mới Media.
Luận điệu xuyên tạc lợi dụng những hoàn cảnh khó khăn của Chân Trời Mới Media.

Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của internet, đặc biệt là sự bùng nổ của các trang mạng xã hội, người dân được tiếp cận với thông tin một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, các đối tượng chống đối, cơ hội chính trị lại sử dụng nó như một công cụ hữu hiệu nhằm tuyên truyền những thông tin, luận điệu, quan điểm, tư tưởng sai trái, thù hằn. Mục đích của những kẻ này là kích động tư tưởng hoài nghi, bất mãn; thúc đẩy sự mâu thuẫn, mất đoàn kết dân tộc. Tuy nhiên, “vải thưa không che được mắt thánh”, những “quả bom thông tin” mà các đối tượng xấu tung vào xã hội đã bị vạch trần.

“Lưỡi không xương trăm đường lắt léo”

Trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ như ngày nay, thế giới mạng đã được các đối tượng xấu, chống đối tận dụng triệt để, biến nó trở thành một “chiến trường” hết sức khốc liệt. Bằng những luận điệu mị dân, lừa lọc, dối trá một cách trắng trợn, những kẻ tự xưng là “nhà dân chủ”, “người đấu tranh vì nhân quyền” đã thẳng tay bắn những phát đạn vào nền hòa bình, ổn định của dân tộc.

Gần đây, truyền thông trong nước lan truyền một câu chuyện của cậu bé người dân tộc H’Mông Ngô Văn Thắng, học sinh lớp 3B, Trường Tiểu học – THCS Trần Quốc Toản (xã Đắk Ha, Đắk G’Long, Đắk Nông). Được biết, sau khi Thắng sinh ra, cha mẹ đã bỏ đi mà không quan tâm, chăm sóc em, Thắng lớn lên trong vòng tay nuôi dưỡng của bà ngoại. Cuộc sống của Thắng và bà quả thật vô cùng khó khăn, xúc động nhất là hình ảnh bát cơm của Thắng chỉ có cơm trắng chan cùng nước lã, không một miếng rau, không một miếng thịt… Câu chuyện của Thắng khi được chia sẻ trên mạng xã hội đã nhận được sự cảm thông của rất nhiều người.

Ấy thế nhưng với các “nhà dân chủ mạng”, câu chuyện của Thắng lại nhanh chóng trở thành “miếng mồi” béo bở để họ nhào nặn, xào nấu, xuyên tạc, tạo thành một cái cớ tấn công, đổ lỗi cho chính quyền.

Phạm Minh Vũ – một “ngòi bút máu” nổi tiếng trong giới “dân chủ” – đã ngay lập tức vớ lấy câu chuyện để “đăng đàn” với những giọng điệu phiến diện như “có bao giờ Đảng đoái nhìn về những hoàn cảnh của nhân dân đang sống vất vưởng, lây lất bằng cơm mà chan nước lã thế này?”, “những lời hoa mỹ vì dân, do dân chỉ là khẩu hiệu treo trên đường phố vô tri”, “Dân chỉ là công cụ để Đảng vắt cho sức cùng lực kiệt”…

Không thể xuyên tạc

Nói về câu chuyện của cậu bé Ngô Văn Thắng, đó là câu chuyện buồn của xã hội. Nhưng hành động của Phạm Minh Vũ, lợi dụng trường hợp của Thắng ra để đỗ lỗi và vu vạ chính quyền “không quan tâm chăm lo cho đời sống của nhân dân” thì không thể chấp nhận được.

Ở bất kỳ đất nước nào, dưới bất kỳ chế độ nào thì trong xã hội cũng tồn tại những khoảng tối, những hoàn cảnh bất hạnh, những số phận éo le. Chính “Mẹ Nấm” Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, một cái tên từng nổi đình nổi đám trong giới “dân chủ”, sau khi sang Mỹ định cư đã khẳng định: “nước Mỹ không vĩ đại như người ta tưởng”. Theo thống kê, tại Mỹ cũng có hàng chục ngàn người sống dưới mức nghèo khổ, thất nghiệp, vô gia cư. Nếu theo lập luận của các “nhà dân chủ” – những kẻ luôn miệng chống phá Việt Nam và ca ngợi Mỹ là thiên đường của tự do, dân chủ – thì phải chăng các đảng phái tại Mỹ cũng đang vắt kiệt sức của người dân, cũng đang bỏ mặc người dân?

Chúng ta không phủ nhận tại Việt Nam có nhiều người đang sống trong cảnh nghèo khó, nhưng thật lố bịch khi lấy đó làm lý do để đổ lỗi cho chính quyền không chăm lo cho đời sống người dân. Với xuất phát điểm là một nước nông nghiệp lạc hậu, chịu nhiều hậu quả của chiến tranh, một thời gian dài phải đối mặt với sự bao vây, cấm vận từ bên ngoài, Việt Nam đã gặp phải không ít khó khăn trong việc xây dựng và phát triển đất nước.

Tuy nhiên, suốt hơn 45 năm sau chiến tranh, với sự đồng lòng của toàn xã hội, của các cấp chính quyền, chúng ta đã có những bước tiến dài trong việc xóa đói, giảm nghèo. Trong vòng 20 năm (1990-2010), tỷ lệ nghèo ở Việt Nam đã giảm từ gần 60% xuống còn 20,7% với khoảng hơn 30 triệu người thoát nghèo. Ước đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo cả nước là khoảng 2,75%. Đi liền với đó, thu nhập bình quân của người Việt Nam đã tăng lên, cuộc sống của đại đa số người dân đã được cải thiện.

Nói thẳng, nếu Đảng không chăm lo cho đời sống của người dân, chỉ “vắt kiệt” sức lực của người dân như lời ấu trĩ mà các “mõ làng” dân chủ đang rêu rao, thì chắc chắn Đảng đã không thể tồn tại đến ngày hôm nay. Lấy sự việc đơn lẻ, cá biệt trong xã hội để vu khống, xuyên tạc, đổ lỗi cho chính quyền chỉ là chiêu trò lừa lọc nhân dân mà các đối tượng núp bóng đấu tranh vì “dân chủ”, “nhân quyền” đang thực hiện.

Bảo An

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.

Bài mới
Đọc nhiều