Lợi dụng mạng xã hội những phản động, kẻ a dua “ăn theo nói leo” để chống phá
Một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, được Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII chỉ ra, đó là căn bệnh a dua với biểu hiện cụ thể là: “Phụ họa theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái”. Đúng như nhận định của Ban Chấp hành Trung ương, những năm qua, trên mạng xã hội (MXH) xuất hiện nhiều thông tin sai trái, xuyên tạc, bịa đặt, bóp méo, thổi phồng.
Xuyên tạc trên mạng xã hội, nơi người dùng mê muộn theo thói a dua
Nhận thấy rõ khả năng có thể lợi dụng thói a dua để khai thác, tổng hợp thông tin từ đó xuyên tạc, bóp méo, thổi phồng nhằm đánh lừa dư luận; kích động, lôi kéo, tập hợp lực lượng, nên những phần tử phản động, thù địch triệt để lợi dụng căn bệnh này để chống phá Đảng, Nhà nước ta.
Những thông tin chưa được kiểm chứng, những thông tin sai trái từ phát biểu bừa bãi của một số nhân vật và những người a dua, hùa theo trên MXH được các thế lực thù địch tổng hợp, nhào nặn nhằm tạo ra thông tin mà nghe qua người ta dễ lầm tưởng là có cơ sở khách quan, sau đó họ từng bước cài vào những thông tin xuyên tạc, bịa đặt, thổi phồng, bóp méo nhằm đánh lừa dư luận, chống phá Đảng và Nhà nước ta.
Họ triệt để khai thác thế mạnh của internet và MXH để lan truyền những thông tin sai trái, bịa đặt, xuyên tạc sự thật thu lượm từ những người phát ngôn bừa bãi, từ những kẻ a dua, “ăn theo nói leo” làm cho đúng sai, thật giả lẫn lộn, khiến dư luận hoang mang.
Những người hay phát biểu bừa bãi, những kẻ hay a dua hùa theo những phát ngôn bừa bãi trở thành đối tượng để các thế lực thù địch dụ dỗ, mua chuộc, kích động, lôi kéo và khống chế, nhằm phục vụ mưu đồ thâm độc của chúng.
Âm mưu lợi dụng những người phát ngôn bừa bãi, những kẻ a dua “ăn theo nói leo” để chống phá cách mạng Việt Nam của các phần tử phản động, thù địch ngày càng tinh vi, phức tạp. Chúng tranh thủ hà hơi tiếp sức, kích động và sử dụng những đối tượng có tư tưởng xét lại chống Đảng, những phần tử cơ hội chính trị ngay trong nội bộ ta để chống phá.
Trong đó, chúng tập trung vào lôi kéo, tập hợp số cán bộ đã nghỉ hưu vào các câu lạc bộ, diễn đàn, hội đoàn. Đặc biệt, chúng tranh thủ lôi kéo, kích động một bộ phận cán bộ, đảng viên mất phương hướng, cơ hội chính trị, yếu kém bản lĩnh để móc nối câu kết giữa bọn phản động ở nước ngoài với những phần tử bất mãn trong nước.
Bằng cách “nhào nặn”, “xào xáo” thông tin, các đối tượng thù địch còn thiết lập trang mạng mạo danh các tổ chức, cá nhân, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đăng tải những thông tin méo mó về đất nước và con người Việt Nam, về các tổ chức và cá nhân.
Các đối tượng xấu cũng lợi dụng những yếu kém trong công tác quản lý, công tác cán bộ, những sai phạm của một số tổ chức, cá nhân để nói xấu, bôi nhọ, vu cáo, bịa đặt đối với Đảng, Nhà nước, gây tác động tiêu cực đến dư luận xã hội.
Với các chiêu trò này, không ít người sử dụng mạng xã hội đã dễ dàng “mắc mưu”, bị dẫn dắt bởi các thông tin phản động, độc hại; từ đó đã tin theo những luận điệu của các thế lực thù địch và bị chúng dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo và khống chế, phục vụ cho mưu đồ của chúng.
Phụ họa theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái
Xuyên tạc, bẻ cong sự thật lịch sử ở Việt Nam cũng là một chiêu bài chống phá mà kẻ địch đang ráo riết thực hiện. Đáng tiếc, một số người, hoặc do nhận thức lệch lạc, hoặc vì thói a dua mà vô tình hay cố ý cổ súy cho những quan điểm xét lại, làm sai lệch bản chất lịch sử.
Chiến thắng ngày 30/4/1975 của nhân dân ta được thế giới thừa nhận, trong đó có cả những chính khách, tướng lĩnh Mỹ từng trực tiếp tham gia, xem đó là một biểu tượng của tinh thần quả cảm, tất cả vì nền độc lập dân tộc.
Bằng cách đưa ra những cái gọi là “sử liệu” vu vơ, họ đã nhào nặn một cách chủ quan để rồi đi đến những kết luận hết sức sai trái, đại loại như: Trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam, người Mỹ không hề muốn cai trị người Việt Nam, người Mỹ can thiệp vào Việt Nam là để giải phóng chứ không phải để cai trị, hay chiến tranh Việt Nam là cuộc “nội chiến” giữa hai miền Nam Bắc…
Thủ đoạn của chúng là triệt để lợi dụng một số cá nhân cơ hội chính trị, thoái hóa, biến chất về phẩm chất, đạo đức, lối sống, thành lập các hội, nhóm… “xã hội dân sự”, “diễn đàn dân chủ”… sử dụng các website, dịch vụ thư điện tử (e-mail) và các trang mạng xã hội (Facebook), Zalo (các dịch vụ chat, nhắn tin, hội thoại), truyền thoại (VoIP), diễn đàn (forum), Twitter, Youtube, MySpace… để đăng tải, phát tán thông tin xấu độc, phản động.
Cách thức tiến hành của chúng thường là tổng hợp tin tức từ các báo chính thống, các thông tin chưa được kiểm chứng để tạo ra sự “khách quan”, sau đó cài dần các thông tin bịa đặt, xuyên tạc, tăng dần cả về số lượng và cường độ bịa đặt, bóp méo sự thật, luận điệu sai trái.
“Ném đá” – một hình phạt thời trung cổ mà nhân loại trải qua biết mấy gian nan, có thể phải bằng cả những cuộc cách mạng long trời lở đất mới xóa bỏ được. Vậy mà ngày nay nó trở lại chễm trệ ngồi trong một xã hội nhân danh văn minh, nhân danh công nghệ hiện đại. Loài người sau những bước đi khổng lồ để xác lập quyền con người bỗng trở lại với thời mông muội “chiềng làng chiềng chạ”.
Để không biến mình thành kẻ a dua, theo đuôi, không đánh mất mình khi tham gia MXH, điều quan trọng hơn là chúng ta phải luôn giữ thế chủ động thông tin. Đóng góp ý kiến, phản biện là để xã hội tốt lên. Nhưng phản biện khác xa với việc tập trung vào chỉ trích hành vi cá nhân theo hướng nghiệt ngã và cay độc, nhất là những hành vi ấy có khi chỉ mang tính riêng tư.
Cộng đồng mạng xã hội ngày nay là nơi luôn đòi hỏi quyền con người, nhưng tại đó, họ cũng vi phạm quyền con người nhanh nhất. Ngay cả trong những trường hợp đối với các hành vi phạm pháp, hay tội ác cũng đã có sự phán xét của pháp luật, chứ không phải làm cách ném đá cho đến chết như xưa kia.
Một xã hội nhân danh văn minh thì rất cần những ứng xử và suy xét văn minh. Trước mỗi hành vi, mỗi sự việc cần sự nhìn nhận suy nghĩ và lý giải cho thấu đáo. Nếu căn bệnh a dua ngày một phát triển, sẽ đến lúc mọi người đều lười biếng trong việc nhìn nhận mọi vấn đề. Việc a dua “ném đá” một cá nhân trên mạng cũng mang tính đám đông khiến nhiều người rất dễ sa đà, rất dễ bị kích động. Cần phải xem đó là một mối lo ngại.
Và đã đến lúc không thể vẫn tồn tại hàng ngày, hàng giờ muôn vàn những thông tin, những lời lẽ xúc phạm nặng nề tới nhiều cá nhân nổi tiếng và không nổi tiếng. Thậm chí những sự xúc phạm danh dự, nhân phẩm, làm tổn thương người khác (dù là trên mạng ảo) cũng cần bị xử phạt thích đáng.
Chuyện a dua theo các tin trôi nổi thật ra nhìn ở khía cạnh khả dĩ nhất thì phản ánh nhu cầu thông tin của người đọc. Có vẻ như người ta đang cần một chân lý nào đấy. Tuy vậy vấn đề lại ở chuyện thông minh vốn sẵn tính… lười. Ở cái thời tưởng như rất sẵn phương tiện để kiểm tra thông tin, thì phản xạ của cư dân mạng là ngay và luôn, mặc nhiên coi hình ảnh và vài dòng chữ ngắn ngủi là đúng bản chất sự việc rồi.
Người xưa dặn nhau, uốn lưỡi bảy lần trước khi nói, vậy mà bây giờ nhiều người phát ngôn bừa bãi, thể hiện cả trong việc lan truyền tin tức thất thiệt lẫn việc bóp méo hiện thực cho vừa ý đồ, hoặc đơn giản là cho sướng miệng và thỏa mãn sự ích kỷ trong lối sống.
Trước việc các thế lực thù địch đang lợi dụng mạng xã hội để chống phá cách mạng nước ta ngày càng tinh vi, phức tạp, thì vấn đề tham gia mạng xã hội như thế nào để vừa phục vụ nhu cầu tốt đẹp của cuộc sống hiện đại, nhưng lại không sa vào cạm bẫy của các thế lực thù địch, làm phương hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc, ảnh hưởng đến nhận thức, tâm tư, tình cảm, quan điểm lập trường, niềm tin là việc làm cần thiết đối với mỗi người dân khi tham gia mạng xã hội.
Hồng Đinh