+
Aa
-
like
comment

Lợi dụng Hoàng Sa để “chạy tội” cho những con bù nhìn

Komi - 19/01/2021 11:22

Từ nhiều năm nay, phong trào “chạy tội cho Việt Nam Cộng hòa” có xu hướng “nở rộ” trên mặt trận thông tin, truyền thông. Lợi dụng danh nghĩa nghiên cứu khoa học, nhiều kẻ đã cố tình xuyên tạc, bôi đen lịch sử nhằm ca ngợi, vinh danh “chính quyền Việt Nam Cộng hòa”. Trong đó, nổi lên là quan điểm đòi thừa nhận Việt Nam Cộng hòa là một “thực thể chính trị độc lập tồn tại ở miền Nam Việt Nam” để “có lợi cho công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam”…

Những tư tưởng “lật sử”, “rửa tội cho VNCH” trên mạng xã hội

Họ đưa ra lý lẽ cho rằng “thừa nhận Việt Nam Cộng Hòa là một thực thể chính trị độc lập tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975 nhằm để nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có tính thụ đắc liên tục với hai quần đảo là Hoàng Sa và Trường Sa”. Từ đó, sẽ phủ nhận được nội dung Công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958. Lý lẽ này dưới vỏ bọc nhằm “giúp Việt Nam giành lợi thế” trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo với Trung Quốc có vẻ đã lôi kéo được sự ủng hộ, đồng tình của khá nhiều người. Tuy nhiên, bình tĩnh và khôn ngoan hơn trong nhìn nhận vấn đề sẽ giúp ta nhìn rõ rất nhiều sự thực đã bị đánh tráo.

Thứ nhất, Công hàm năm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng hoàn toàn không phải là sự công nhận của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đối với chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa, Trường Sa.

Xét về bối cảnh lịch sử năm 1958, công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng bản chất chỉ là một văn kiện ngoại giao đơn phương với mục đích rất đơn giản là thể hiện sự đoàn kết với Trung Quốc chống lại Mỹ và các nước thuộc phe tư bản chủ nghĩa. Đây là động thái hoàn toàn bình thường của các nước xã hội chủ nghĩa (trong đó có Liên Xô) trong hoàn cảnh chiến tranh lạnh, đối đầu với phe tư bản chủ nghĩa do Mỹ đứng đầu.

Xét về nội dung, Công hàm năm 1958 có hai đoạn phân tách rất rõ ràng. Đoạn thứ nhất: “Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4-9-1958 của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, quyết định về hải phận của Trung Quốc”, có nội dung ghi nhận và tán thành quyết định về hải phận của Trung Quốc. Đoạn thứ hai: “Triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trên mặt bể”, có nội dung chỉ nói về hải phận 12 hải lý của Trung Quốc chứ không nói vấn đề khác.

Dựa vào bối cảnh lịch sử và nội dung công hàm năm 1958, có thể thấy, đây chỉ là một văn kiện ngoại giao đơn phương với từ ngữ rất khéo léo, ủng hộ tuyên bố về hải phận 12 hải lý của Trung Quốc nhưng tuyệt nhiên không thể hiện sự công nhận của phía Việt Nam đối với chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Cách hiểu nêu trên được rất nhiều học giả, luật sư về công pháp quốc tế trong và ngoài nước đồng ý. Tuy vậy, phía Trung Quốc vẫn cố tình phủ nhận. Theo sau, các đối tượng muốn “chạy tội” lại hùa theo ủng hộ sự phủ nhận trắng trợn này của Trung Quốc. Một là nhằm bôi nhọ, hạ thấp, vu cáo Thủ tướng Nguyễn Văn Đồng “bán nước, bán đất, bán đảo…”. Hai là nhằm hướng lái dư luận theo việc thừa nhận Việt Nam Cộng hòa. Đây rõ ràng là “vừa ăn cướp, vừa la làng”, cố tình lấy cái sai để ngụy biện cho cái sai khác.

Thứ hai, xét về tính liên tục, Nhà nước Việt Nam từ lâu, trong hàng mấy trăm năm, từ triều đại này đến triều đại khác, đã làm chủ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Khi đó, Pháp còn chưa xâm lược Việt Nam. Hoàn toàn không phải khi có chế độ tay sai Việt Nam Cộng hòa mới có Hoàng Sa và Trường Sa. Trong giai đoạn 1945 – 1975, miền Nam (trong đó có Hoàng Sa, Trường Sa) thuộc quyền quản lý hợp pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, không phải của Việt Nam Cộng hòa hay Hoa Kỳ!

Ngày 02/9/1945, Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa được thành lập trong bối cảnh “Pháp chạy, Nhật hàng, Vua Bảo Đại thoái vị”.

Ngày 06/01/1946, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên đã diễn ra trong cả nước, kể cả các vùng đang có chiến sự ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên… Ở Hà Nội, 91,95% cử tri của 74 khu nội thành và 118 làng ngoại thành đã đi bỏ phiếu trong không khí tràn đầy phấn khởi của ngày hội dân chủ. Kết quả, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trúng cử với số phiếu cao nhất (98,4%). Sự thành công của cuộc Tổng tuyển cử mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội, đối ngoại.

Năm 1948, Bảo Đại “trở mặt”, tiếp tục theo chân Pháp và lập nên cái gọi là Quốc gia Việt Nam. Dù vậy, “Quốc gia Việt Nam” do Bảo Đại lập nên là thứ bất hợp pháp và không được công nhận bởi nó không thông qua bầu cử toàn dân.

Năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, Hiệp định Genève được ký kết và trong Bản tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Genève ghi rõ cuộc Tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào tháng 7/1956. Tuy nhiên, năm 1955, nhận thấy sự yếu thế của Bảo Đại, Ngô Đình Diệm được người Mỹ lợi dụng nhằm hất cẳng Bảo Đại để dựng nên cái gọi là “nền đệ nhất cộng hòa”.

Đến năm 1963, Mỹ bật đèn xanh cho Dương Văn Minh và đồng bọn đảo chính, giết chết anh em Ngô Đình Diệm và lập cái gọi là nền “đệ nhị cộng hòa”.

Rõ ràng, “Quốc gia Việt Nam” của Bảo Đại hay “Việt Nam Cộng hòa” của Ngô Đình Diệm hay Dương Văn Minh, cũng chỉ là “sản phẩm” của Pháp, Mỹ mà trong đó, chính phủ chỉ là bù nhìn, không có thực quyền. Đứng phía sau, Pháp, Mỹ đã xâm lược, chiếm quyền điều hành đất nước, chiếm lãnh thổ của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa từ vĩ tuyến 17 trở vào, trong đó có cả hai quần đảo là Trường Sa và Hoàng Sa.

Hải chiến Hoàng Sa: lính Việt Nam Cộng hòa giơ tay đầu hàng trước Trung Quốc

Như thế, Mỹ và Việt Nam Cộng hòa cướp Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; sau đó, Trung Quốc cướp Hoàng Sa từ Mỹ, Việt Nam Cộng hòa. Dù có bị cướp đến 2 lần thì cũng không bao giờ phủ định được chủ quyền thực sự đối với Hoàng Sa, Trường Sa của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – một chính quyền đại diện cho toàn thể Nhân dân Việt Nam.

Thứ ba, ca ngợi quân lực Việt nam Cộng hòa là một sự bỡn cợt trắng trợn vào lịch sử. Quân lực Việt Nam Cộng hòa thời điểm Trung Quốc đổ bộ chiếm Hoàng Sa được Mỹ viện trợ rất lớn nên được mệnh danh là “quân lực hạng 4” nhưng chỉ với 15 phút tham chiến đã bỏ chạy tán loạn. Hạm đội 7 của Mỹ ở gần đó cũng không hề phát binh. Có thể hiểu, Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã để mất toàn bộ quần đảo Hoàng Sa vào tay Trung Quốc do sự bạc nhược, hèn nhát trong chiến đấu hoặc do đã nhận lệnh không quyết chiến. Sự hy sinh của 74 người lính tại hải chiến Hoàng Sa là điều đáng tôn vinh, vì họ đã ngã xuống trong lúc bảo vệ biển đảo, đã chết oan ức trước sự thỏa hiệp của người Mỹ, người Trung và phe Thiệu – Kỳ.

Từ những lý lẽ trên đây, phải khẳng định rằng việc “chạy tội cho bù nhìn” dưới “vỏ bọc” đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam là hết sức sai lầm. Đây là một thủ đoạn hết sức tinh vi, thâm hiểm nằm trong âm mưu thực hiện diễn biến hòa bình tại Việt nam. Chúng đang đòi “lật sử”, “xét lại lịch sử”, ca ngợi, thừa nhận “Việt Nam Cộng hòa” để tiến tới “lật mặt”, vu vạ “Miền Bắc đánh chiềm miền Nam” và cuối cùng vẫn chỉ nhằm “lật đổ chính quyền”, đánh đổ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam như chiêu bài chúng đã thực hiện tại Đông Âu, Liên Xô.

Nhưng, “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Tuyệt đối không bao giờ Nhân dân Việt Nam sẽ để cho những kẻ “lật sử” có cơ hội “lật mặt, lật lọng”!

Komi

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.

Bài mới
Đọc nhiều