Lời cảnh tỉnh cho thế giới sau sự xuất hiện của biến chủng Omicron
Sự xuất hiện của biến chủng mới Omicron như được xem là một lời cảnh tỉnh cho thế giới rằng đại dịch còn lâu mới kết thúc.
Biến chủng mới ở Nam Phi đang thúc đẩy nỗi sợ hãi trên toàn cầu về một đợt bùng phát dịch khác. Tâm lý lo ngại đã khiến giới chức nhiều quốc gia đồng loạt phát cảnh báo và áp đặt hạn chế đi lại với nhóm các nước phía nam châu Phi, trong khi thị trường tài chính lao dốc.
Chỉ hai ngày sau khi được thế giới biết đến, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp B.1.1.529 vào danh sách biến chủng “gây lo ngại”, bên cạnh Delta, và đặt tên là Omicron.
Chỉ định này đồng nghĩa biến chủng mới có khả năng có các đột biến giúp virus dễ lây lan hoặc độc lực mạnh hơn, làm giảm hiệu quả của vaccine và các biện pháp phòng ngừa khác, theo New York Times.
Sự xuất hiện Omicron một lần nữa là hồi chuông cảnh báo với những người còn tin rằng Covid-19 đã hết “mánh khóe” đột biến sau chủng Delta, đồng thời nhắc nhở con người đại dịch còn lâu mới kết thúc.
Thế giới tìm cách “câu giờ”
Các quan chức Liên minh châu Âu (EU) ngày 26/11 tổ chức cuộc họp khẩn và nhất trí hối thúc toàn bộ 27 nước thành viên hạn chế hoạt động di chuyển từ miền Nam châu Phi vì biến chủng Omicron.
Mỹ và Canada cũng siết hạn chế đi lại từ khu vực, trong khi Nhật Bản thông báo yêu cầu cách ly 10 ngày đối với những người đến từ phía nam châu Phi.
Những phản ứng nhanh chóng trên toàn cầu cho thấy sau gần hai năm đối mặt với chỉ trích quá chậm chạp và rụt rè trong cách ứng phó đại dịch, giờ đây, nhiều chính phủ thà mạo hiểm lựa chọn cách tiếp cận “thái quá” thay vì ngồi chờ mối đe dọa xuất hiện.
Dù vậy, các chuyên gia cảnh báo rằng ngay cả khi các hạn chế đi lại nhanh chóng được ban hành, giống như các biến chủng trước đây, Omicron sẽ xuất hiện ở khắp nơi trên thế giới.
Và các biện pháp hạn chế mới chủ yếu chỉ được xem là các động thái “câu giờ” để các nhà khoa học có thể giải mã Omicron, qua đó ngăn chặn một làn sóng tử vong khác.
“Sẽ không thể ngăn virus xuất hiện. Câu hỏi đặt ra là chúng ta có thể làm nó chậm lại hay không?”, tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia dịch tễ học hàng đầu của Mỹ, ngày 26/11 nói.
“Chúng tôi đang nhanh chóng thu thập thông tin”, ông Fauci nói thêm. “Mặc dù số ca mắc còn ít, nhưng thời gian ghi nhận sự gia tăng đang diễn ra ngày càng nhanh và đường dốc số ca mắc mới trên biểu đồ ngày càng rõ nét”.
Các chuyên gia khác cũng cho rằng lệnh hạn chế mới sẽ giúp giới chức y tế cùng các hãng dược phẩm có thêm thời gian để xác định khả năng chống biến chủng mới của vaccine Covid-19 hiện tại và liệu có phải phát triển sản phẩm mới hay không.
“Không thể tránh được chuyện biến chủng Omicron xâm nhập Mỹ, song chúng ta có thể thay đổi các điều kiện liên quan”, tiến sĩ Ezekiel Emanuel tại Đại học Pennsylvania nói.
Chính quyền Mỹ đã đàm phán với các nhà sản xuất vaccine về khả năng điều chỉnh và cập nhật các mũi tiêm trước biến chủng mới, theo một quan chức chính quyền.
Nhưng trước tiên, các nhà khoa học sẽ cần xác định xem vaccine hiện nay có thực sự kém hiệu quả hơn trong việc đối phó với Omicron.
Mới đây, BioNTech, đối tác phát triển vaccine Covid-19 với Pfizer, cho biết họ có thể cập nhật vaccine trong 6 tuần nếu biến chủng Omicron tránh được hệ miễn dịch.
“Pfizer và BioNTech hành động từ nhiều tháng trước để có thể điều chỉnh vaccine mRNA trong vòng 6 tuần và vận chuyển các lô hàng đầu tiên trong 100 ngày, nếu xuất hiện biến chủng thoát được hệ miễn dịch”, công ty Đức BioNTech cho biết trong thông báo hôm 26/11.
Hãng dược phẩm Mỹ Moderna cũng cho biết họ cũng đang thử nghiệm 3 ứng viên vaccine, với mục tiêu phát triển loại vaccine tăng cường mới dành riêng cho biến chủng Omicron.
Virus vẫn tiến hóa
Tại Nam Phi, các quan chức và chủ doanh nghiệp đã phản ứng gay gắt trước phản ứng của quốc tế. Bộ Y tế Nam Phi đã gọi động thái gấp rút áp đặt các lệnh cấm đi lại là “hà khắc”.
Nước này cho biết họ đã sử dụng tốt các hệ thống nghiên cứu và giám sát dịch bệnh tinh vi của mình, đồng thời nhanh chóng chia sẻ kết quả một cách minh bạch với thế giới, chỉ để đổi lại các lệnh cấm đi lại gây thiệt hại.
“Chúng tôi thấy mình bị trừng phạt bởi chính việc tốt mà chúng tôi làm”, Bộ trưởng Du lịch Lindiwe Sisulu cho biết.
Các quan chức y tế ở châu Phi đề xuất rằng việc tăng cường xét nghiệm tại các điểm nhập cảnh, hoặc thậm chí tăng thời gian cách ly, sẽ là giải pháp thay thế tốt hơn.
“Điều này (các biện pháp hạn chế đi lại mới) sẽ không khuyến khích các quốc gia khác chia sẻ thông tin quan trọng đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu”, Thierno Balde, người phụ trách của WHO về ứng phó với Covid-19 ở châu Phi, cho biết.
Điều này có thể gây lo ngại trong bối cảnh nhiều nhà khoa học vẫn e sợ kịch bản virus đột biến bất ngờ, khiến nỗ lực ứng phó toàn cầu và chiến dịch tiêm chủng hiện nay đi chệch hướng.
Theo Financial Times, virus luôn biến đổi theo thời gian, mỗi lần sao chép lại tạo ra những đột biến mới trên chuỗi gồm 30.000 nucleotide hình thành nên bộ gene. Thông thường, các đột biến sẽ mất dần, nhưng mỗi đột biến lại đi kèm với khả năng virus trở nên mạnh hơn, có nguy cơ tạo ra tải lượng virus cao hơn, bám dính dễ dàng hơn với tế bào trong đường hô hấp, hoặc né tránh hệ miễn dịch trong cơ thể.
Giờ đây, với hơn 53% dân số thế giới đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine và thêm khoảng 30 triệu liều được tiêm mỗi ngày, bước đi tiếp theo của virus sẽ “tinh vi hơn”.
Francois Balloux, Giám đốc Viện Di truyền thuộc Đại học London, dự đoán virus sẽ dần tiến hóa với mục tiêu nhắm đến hệ miễn dịch, thay vì khả năng lây lan.
Và biến chủng Omicron là một minh chứng, với 32 đột biến trong protein gai – bộ phận vốn là mục tiêu chính của các loại vaccine ngừa Covid-19. Điều này làm dấy lên lo ngại biến chủng mới có khả năng kháng vaccine mạnh hơn.
Venky Soundararajan, nhà khoa học tại công ty phân tích dữ liệu Nference, lo ngại rằng chiến dịch tiêm chủng có thể khiến virus “rơi vào bước đường cùng” và không còn cách nào khác ngoài tiến hóa để tìm cách né tránh hệ miễn dịch.
“Vaccine là món quà giúp ngăn chặn tình trạng lây nhiễm và bệnh trở nặng, nhưng nghịch lý là chúng cũng khiến chúng ta ngày càng cần theo dõi những đột biến có thể né tránh hệ miễn dịch”, ông Venky Soundararajan cho biết.
Minh Ngọc