Lời cảnh báo từ “biển nước” ở Trung Quốc
Từ đầu tháng 6 tới nay, đã có 5 đợt mưa lớn ở các tỉnh miền Nam Trung Quốc, khiến Trung tâm Khí tượng quốc gia nước này phải ban hành cảnh báo mưa bão hầu như mỗi ngày trong suốt tháng.
Cơ quan này dự báo trong những ngày tới còn có thêm 2 đợt mưa lớn nữa.
Thiệt hại nặng nề là điều ai cũng thấy. Truyền thông Trung Quốc đưa tin đến cuối tháng 6, hơn 12 triệu người ở 13 tỉnh thành chịu ảnh hưởng do ngập lụt, 78 người thiệt mạng, gần 100.000 ngôi nhà hư hại, mùa màng thất bát và tổn thất kinh tế lên đến 25 tỉ nhân dân tệ (khoảng 4,8 tỉ USD). Lượng mưa quá lớn làm giới chức phải cảnh báo lũ trên ít nhất 25 con sông lớnvà theo dõi sát sao tình hình đập Tam Hiệp.
Ông Chen Tao, nhà dự báo trưởng tại Trung tâm Khí tượng quốc gia Trung Quốc, nhìn nhận dù một số khu vực đang bị ngập lụt hiện nay vẫn chịu thiệt hại do mưa lũ hàng năm song tổng lượng mưa năm nay cao từ gấp đôi đến gấp ba bình thường.
Để chống lũ, Trung Quốc từ xưa đã đào kênh mương, hồ chứa, xây đập nước… nhưng hệ thống này ngày càng quá tải trước tình hình thời tiết cực đoan, khó đoán. Các nhà môi trường học cảnh báo nếu không củng cố những hạ tầng này cũng như tham gia cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu, hàng triệu người sống dọc sông hồ ở Trung Quốc sẽ nguy hiểm tính mạng.
Theo báo cáo năm 2019 của Cơ quan Khí tượng Trung Quốc, cả tình trạng mưa quá nhiều lẫn các đợt nhiệt độ cao (do biến đổi khí hậu) đã tăng đều trong vòng 60 năm qua. Không chỉ vậy, từ năm 1980-2019, mực nước biển ven Trung Quốc tăng bình quân 3,4mm/năm, nhanh hơn mức trung bình toàn cầu, và đe dọa nhiều vùng đô thị. Riêng năm 2019, mực nước biển quanh Trung Quốc tăng hơn bình thường đến 72 mm, theo bộ môi trường nước này.
Hãng tin Bloomberg dẫn một báo cáo trong năm nay cho thấy đồng bằng Châu Giang, trung tâm sản xuất và là nơi cư trú của hàng chục triệu người, là vùng trung tâm đô thị gặp nguy cơ cao nhất thế giới do nước biển dâng. Nếu không có biện pháp ngăn chặn, khu vực này có thể nằm bên dưới mặt nước ít nhất 67 cm vào năm 2100.
Bên cạnh biến đổi khí hậu, nhiều thập kỷ phát triển kinh tế và đô thị hóa càng gia tăng mức độ thiệt hại mà thảm họa thiên nhiên có thể gây ra cho Trung Quốc. Đơn cử, phần lớn trong số 127 hồ nước của “thành phố trăm hồ” Vũ Hán đã bị bồi lấp, biến nơi đây trở thành một trong những đô thị bị ngập lụt nặng nề nhất nước này.
Thành Nhân/Bloomberg