+
Aa
-
like
comment

Lời cảnh báo trần trụi tới toàn Trái Đất

Bảo Trâm - 22/06/2023 13:47

Thế giới cần hàng nghìn tỷ USD để ứng phó với biến đổi khí hậu, nhà kinh tế học Avinash Persaud cảnh báo.

Sông cạn trơ đáy vì hạn hán nghiêm trọng ở Trung Quốc

Nhà kinh tế về khí hậu có ảnh hưởng bậc nhất thế giới hối thúc thế giới nên đầu tư hàng nghìn tỷ USD để xử lý cuộc khủng hoảng khí hậu cũng như vượt ra khỏi những ý tưởng thông thường về viện trợ nước ngoài.

Tăng gấp ba lần nguồn tiền

“Chúng ta cần suy nghĩ lại hoàn toàn về mối liên hệ giữa khí hậu, nợ và sự phát triển”, giáo sư Avinash Persaud trả lời báo chí trước một hội nghị thượng đỉnh quan trọng trong tuần này, theo Guardian.

“Những gì chúng ta đang chứng kiến ngày hôm nay là hoàn toàn mới – thảm hoạ khí hậu đang gây tác động lên các quốc gia. Nhiều nước đang bị nhấn chìm”, ông nhấn mạnh.

Ông kêu gọi tăng gấp ba lần nguồn tài chính có sẵn từ Ngân hàng Thế giới (WB) và các tổ chức tương tự, và một dòng tiền khổng lồ từ khu vực tư nhân. “Đây là cơ hội tài chính lớn nhất trên thế giới”, ông nói.

Ông Persaud là cố vấn kinh tế cho bà Mia Mottley, Thủ tướng của Barbados, người đồng tổ chức cuộc họp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng các nhà lãnh đạo thế giới trong tuần này. Hơn 50 nguyên thủ quốc gia sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh ở Paris vào ngày 22 và 23/6, bao gồm Tổng thống Brazil Lula da Silva, Thủ tướng Đức Olaf Scholtz và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường.

Nhiều điểm trên sông Rhine cạn nước hồi tháng 8/2022.

Tại Paris, bà Mottley và ông Persaud sẽ đề xuất “chương trình nghị sự Bridgetown”, được đặt tên theo thủ đô của Barbados. Họ sẽ kêu gọi xóa nợ cho một số quốc gia nghèo nhất đang đối mặt với thảm họa khí hậu, tăng gấp ba lần tài trợ từ các ngân hàng phát triển đa phương trên thế giới, bao gồm WB cùng các loại thuế mới để tài trợ cho các đề xuất về khí hậu.

Họ cũng sẽ kêu gọi cải cách cách thức hoạt động của WB, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các tổ chức khác, để giúp họ dễ dàng hơn trong việc “giảm thiểu rủi ro” cho đầu tư của khu vực tư nhân ở các nước đang phát triển, chẳng hạn bảo lãnh hoặc các khoản vay dài hạn.

“Khu vực tư nhân phải tham gia”, ông Persaud nói.

Đánh giá của Persaud

Persaud thiên về chủ nghĩa thực dụng hơn lý tưởng và tư duy kinh tế truyền thống. Ông nói: “Nếu bạn hỏi các nhà kinh tế về ý tưởng, họ sẽ đưa ra vô số ý tưởng thông minh và hoàn toàn phi thực tế”.

Ông nhận định đã có nhiều các tiếp cận được thử nghiệm hoặc thảo luận: Bảo hiểm cho các quốc gia có nguy cơ xảy ra thảm họa khí hậu; Huy động tiền từ bù đắp carbon; Trái phiếu màu xanh, nhưng không ý tưởng nào thực hiện được.

Nhà kinh tế học này cảnh báo một số ý tưởng của nhiều nhà vận động cũng sẽ không được thực thi. Các tổ chức phi chính phủ phản đối việc sử dụng các khoản vay cho tài chính khí hậu, thay vào đó là trao các khoản tài trợ không hoàn trả, nhưng ông Persaud thấy điều này khó xảy ra.

“Viện trợ nước ngoài thông thường cũng sẽ không bao giờ là đủ. Những khoản tiền này quá lớn, chúng ta cần nghĩ xa hơn thế”, ông nói.

Nghiên cứu của nhà kinh tế học nổi tiếng người Anh Nicholas Stern và Vera Songwe năm 2022 cho thấy cần khoảng 2.000 tỷ USD mỗi năm để chuyển đổi nền kinh tế của các nước đang phát triển nhằm cắt giảm khí thải và giúp họ đối phó với tác động của thời tiết khắc nghiệt. Mặc dù số tiền này có vẻ lớn, nhưng lại ít hơn nhiều so với khoản đầu tư hiện đang đổ vào nhiên liệu hóa thạch và cơ sở hạ tầng carbon cao.

Ước tính cần khoảng 1.400 tỷ USD/năm chủ yếu từ khu vực tư nhân, cho quá trình chuyển đổi xanh của các nước nghèo; khoảng 300 tỷ USD để giúp họ thích ứng với những tác động của khủng hoảng khí hậu; và khoảng 100 tỷ USD/năm để giải cứu các quốc gia bị ảnh hưởng bởi thảm họa khí hậu.

Ngày càng nhiều những lời kêu gọi cải cách WB để đưa ngân hàng này trong việc đối phó với những tác động tàn phá của khủng hoảng khí hậu đối với các nước nghèo. Ông David Malpass, Chủ tịch WB đã từ chức vào đầu năm nay sau khi bảo vệ quan điểm hoài nghi về khí hậu và người thay thế ông là Ajay Banga, một cựu nhân viên ngân hàng, được đánh giá là có tiềm năng thay đổi.

Đối chiếu cách hành động các nước đang phát triển ngày nay với các điều khoản mà WB đã đồng ý trong những ngày đầu tiên để tái thiết châu Âu sau Thế chiến II, ông Persaud nói: “Đức được thông báo rằng các khoản trả nợ của họ sẽ không bao giờ vượt quá 3,5% kim ngạch xuất khẩu của nước này. “Đó là những thuật ngữ mà thế giới đang phát triển muốn thấy ngày nay”.

Bảo Trâm

Bài mới
Đọc nhiều