Lời cam kết 10 năm đáng bàn của doanh nghiệp Việt
Tập đoàn Sơn Hải có văn bản gửi Bộ trưởng Giao thông và Vận tải cam kết bảo hành chất lượng đường cao tốc lên 10 năm, gấp 5 lần so với quy định. Một lời cam kết 10 năm rất đáng bàn của doanh nghiệp Việt…
Trong khi dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 chưa được phê duyệt kế hoạch đấu thầu, phần chia gói thầu để tạo cơ sở cho công tác chỉ định thầu, bất ngờ Tập đoàn Sơn Hải có văn bản cam kết với Bộ Giao thông và Vận tải bảo hành 10 năm đường cao tốc. Cụ thể doanh nghiệp bảo đảm đường sẽ không hằn lún, bong bật, mặt đường êm thuận, trong mọi trường hợp, kể cả xe quá tải, lưu lượng tăng, thời tiết bất lợi cũng không làm thay đổi nội dung cam kết.
Để minh chứng cho cam kết của mình, ông Nguyễn Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hải cho biết, năm 2014, đơn vị đã cam kết bảo hành 5 năm đối với các gói thầu thuộc QL1A và QL14, đến nay, những công trình này vẫn rất tốt, tiết kiệm đáng kể kinh phí duy tu bảo dưỡng cho Nhà nước.
Để kiểm tra những cam kết này không khó và cũng nên kiểm tra để loại trừ những hoài nghi doanh nghiệp “đánh bóng tên tuổi”. Bời những con đường vẫn nằm đó và hàng ngày người dân vẫn lưu thông qua lại, nếu bị hư hỏng sẽ cuốn trôi theo uy tín của doanh nghiệp.
Bảo hành công trình mình thi công lẽ ra là việc bình thường. Việc này nhằm bảo đảm uy tín của doanh nghiệp, làm tròn trách nhiệm đối với nhà đầu tư để qua đó cho thấy sự xứng đáng với lợi nhuận kinh doanh mình kiếm được. Thế nhưng, rất ít doanh nghiệp dám cam kết bảo hành dài hạn đường giao thông nên giờ đây đã trở thành vấn đề lạ lẫm đối với xã hội.
Thực tế cho thấy nhiều tuyến đường, sau thời gian vận hành không lâu đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhưng khi truy trách nhiệm thì đơn vị thi công cứ lảng tránh. Đường bị lún thì đơn vị thi công và cả chủ đầu tư biện minh rằng do nắng nóng; đường sạt lở, bong tróc thì lý giải là do mưa lớn; đường đầy “ổ voi” thì nói do xe quá tải.
Rõ ràng, việc một tập đoàn xin nâng thời gian bảo hành từ 5 năm lên 10 năm là động thái rất tích cực trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp giao thông có sản phẩm liên quan đến chất lượng chưa đảm bảo. Ở góc nhìn tích cực cho thấy, phát triển hạ tầng giao thông Việt Nam đã có nhà thầu rất tin tưởng với quy trình vận hành tổ chức, máy móc thiết bị công nghệ thi công và tự tin với sản phẩm khi đưa ra thời gian bảo hành dài hơn với quy định.
Mọi việc vẫn đang còn ở phía trước, nhưng xã hội đang rất cần những chủ doanh nghiệp dám nói, dám làm, nói được làm được. Và cần những lãnh đạo miệng nói tay làm, quyết tâm và quyết liệt, dám làm và dám chịu trách nhiệm, tạo nên hình ảnh của những chính khách thực sự mong muốn kiến tạo.
Diệu Hương