Lời bào chữa giật mình của ông Nguyễn Đức Chung
Trong phần tự bào chữa của mình, cựu Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung chо гằng, nếu muốn làm ăn, chỉ cần gửi gắm một câu tгong lĩnh vực của mình hoặc chỉ đạo cấp dưới cũng có tiền, thậm chí nhiều tiền.
Lời nói của ông Chung rất đúng trong thực tế hiện nay. Là người chuyên điều tra, phá nhiều vụ án nên ông hiểu rất rõ hành vi “gửi gắm” hoặc chỉ đạo của cán bộ có chức có quyền để trục lợi. Lời tự bào chữa này cũng hé lộ hay nói cách khác là công khai ra cách làm tiền dễ dàng của những người có quyền hành nếu họ không vì dân, vì nước.
Đúng là chỉ cần một câu gửi gắm hay một chỉ đạo đối với cấp dưới sẽ “đẻ” ra được rất nhiều tiền. Những vụ án trong mấy năm gần đây đều chứng minh rõ điều đó. Đặc biệt là những vụ án về đất đai, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cổ phần hoá, đấu thầu…đều làm thất thoát cho nhà nước hàng trăm, thậm chí hàng nghìn hoặc chục ngàn tỷ đồng nếu như người có quyền vì động cơ cá nhân mà gửi gắm như ông Nguyễn Đức Chung nói.
Có thể thấy rõ thêm điều ông Nguyễn Đức Chung nói qua chỉ đạo của cựu Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang hay các cựu phó chủ tịch TP.HCM vừa xét xử.
Ông Nguyễn Thành Tài biến khu đất 8-12 Lê Duẩn được thành phố chủ trương xây khách sạn 5 sao và trung tâm thương mại, yêu cầu đấu thầu chọn nhà đầu tư uy tín, không áp dụng hình thức liên doanh nhưng “do quen biết” nên đã ký nhanh, ký nhiều văn bản sai quy định dành miếng đất cho công ty tư nhân gây thất thoát rất lớn. Ông Tất Thành Cang có chỉ đạo trong việc bán rẻ 32 ha đất ở huyện Nhà Bè…
Những vụ án như vậy nếu điểm tên sẽ rất nhiều. Nhưng tựu chung lại đều vì quen thân, vì phe cánh, vì lòng tham mà tài sản nhà nước vào tay tư nhân.
Tất nhiên không ai cho không ai bao giờ, đó là một sự “móc túi” nhà nước với nhiều tên gọi khác.
Những người này lợi dụng được là do cơ chế và luật pháp còn có sơ hở, hoặc còn thiếu. Cái nguy hại là họ nghiên cứu luật pháp quy định không phải để khắc phục lỗ hổng hay tìm ra cách làm hay vì lợi ích chung mà để lợi dụng.
Trong nhiều vụ án xảy ra từ khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trương “đốt lò” đều có tình trạng cán bộ cấp cao lợi dụng chức vụ quyền hạn, làm trái hoặc tiếp tay cho sai phạm thông qua chỉ đạo, nhờ vả, quan hệ, lợi ích nhóm…
Vấn nạn chạy chức chạy quyền thật ra là vấn nạn của đồng tiền. Chạy tức là những người không đủ phẩm chất và năng lực dùng lợi ích “cướp” chỗ của người thực tài muốn đóng góp cho dân, cho nước. Vì chạy chức nên khi có chức quyền những người đó sẽ phải tìm mọi cách ít ra là để bù đắp. Đó chính là vòng tròn tai hoạ cho dân, cho nước.
Nguyễn Đăng Tấn