+
Aa
-
like
comment

Loạt quan chức ngành chứng khoán sai phạm trong vụ ông Trịnh Văn Quyết

04/04/2022 22:38

Theo thông cáo kỳ họp thứ 13 này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã mạnh tay xem xét một loạt các sai phạm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sau khi Bộ Công an bắt giam ông Trịnh Văn Quyết để điều tra về hành vi thao túng thị trường. 

Sau khi tiến hành xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhiệm kỳ 2015-2020, cơ quan này nhận thấy một loạt sai phạm.

Cụ thể, Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc.

Kỳ họp thứ 13 của Ủy ban Kiểm tra T.Ư.

Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để một số tổ chức, cá nhân thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong việc tham mưu xây dựng thể chế, chính sách và thực hiện công tác quản lý nhà nước về hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán, để một số tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, thao túng thị trường, thu lợi bất chính.

Đáng chú ý Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ ra những cái tên trong trong danh sách kỷ luật dài bất thường, thu hút sự chú ý rất lớn từ dư luận trong và ngoài nước.

Ông Lê Hải Trà, Tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM

Ông Lê Hải Trà sinh năm 1974, có bằng thạc sỹ quản lý công (MPA), với chuyên ngành kép lãnh đạo và phân tích thị trường tài chính từ đại học Harvard Kennedy (Mỹ).

Ông Lê Hải Trà, Tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.

Trước khi gia nhập Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), ông Trà từng làm cho một công ty kiểm toán nước ngoài, rồi về đầu quân cho Vụ Phát triển Thị trường vào năm 1997. Giai đoạn sơ khai của HoSE những năm 2000, ông Trà được cho là đã có nhiều đóng góp quan trọng trong quá trình hình thành và khai trương của HoSE.

Tháng 11/2016, ông Trần Văn Dũng (cũng là 1 trong 5 người vừa bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương “gọi tên”) được bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT HOSE thay cho ông Trần Đắc Sinh nghỉ hưu. Ông Lê Hải Trà khi đó là Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc HoSE phụ trách Ban điều hành HoSE.

Tháng 7/2017, ông Trần Văn Dũng trở thành Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Ông Lê Hải Trà phụ trách HĐQT HoSE và Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Vũ Quang Trung phụ trách Ban điều hành HoSE.

Ngày 26/2/2021, Ông Trà nhận quyết định bổ nhiệm vào vị trí Tổng Giám đốc HoSE.

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Ông Trần Văn Dũng.

Ông Trần Văn Dũng sinh năm 1965, Đảng viên, có trình độ Thạc sỹ kinh tế, Cao cấp Lý luận chính trị. Ông Trần Văn Dũng có 25 năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, từng làm việc tại các cơ quan, đơn vị: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở GDCK Hà Nội, Sở GDCK TP Hồ Chí Minh. Trong quá trình công tác, ông Trần Văn Dũng từng giữ các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý như: Phó Văn phòng UBCKNN, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Sở GDCK Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Sở GDCK Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Sở GDCK TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sở GDCK TP Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Thành Long – Chủ tịch Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam 

Ông Nguyễn Thành Long có bằng tiến sĩ tại Đại học Kinh tế Warszawa (Ba Lan). Ông từng trải qua nhiều vị trí như Phó vụ trưởng Vụ Quản lý hoạt động kinh doanh chứng khoán, Vụ trưởng Vụ Quản lý các công ty quản lý quỹ và quỹ đầu tư chứng khoán, Phó chủ tịch Ủy ban chứng khoán nhà nước (SSC) trước khi trở thành người đứng đầu Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội từ năm 2016.

Sáng 25/03/2021, ông Nguyễn Thành Long được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam.

ông Vũ Bằng – nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Ông Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Ông Vũ Bằng sinh năm 1957 tại Đông Hưng, Thái Bình, là tiến sỹ kinh tế. Ông Bằng cũng là người đã đi cùng thị trường chứng khoán Việt Nam từ những ngày đầu tiên, là người gắn bó ngay từ những bước chuẩn bị các điều kiện khai mở thị trường chứng khoán Việt Nam cách đây hơn 20 năm.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định những cá nhân này chịu trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

“Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán, giảm niềm tin của các nhà đầu tư, uy tín của tổ chức đảng và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật”, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhấn mạnh.

Ai bao che và chống lưng cho ông Trịnh Văn Quyết?

Liên quan đến việc ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC bị khởi tố, bắt giam, nhiều chuyên gia, Đại biểu Quốc hội đã đề nghị làm rõ, có hay không người chống lưng, bảo kê để ông Quyết bán chui cổ phiếu và thao túng thị trường chứng khoán.

Điển hình như ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, đề nghị cơ quan điều tra cần làm rõ xem liệu có ai “bao che hay chống lưng” để ông Quyết lộng hành như thế.

Đánh giá về việc ông Trịnh Văn Quyết bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam để điều tra tội thao túng thị trường chứng khoán là “vấn đề rất nghiêm trọng” việc xử lý hình sự lần này là đúng đắn, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật.Tuy nhiên, mức độ hành hành vi của ông Quyết ra sao, cần chờ kết luận của cơ quan chức năng.

Đặc biệt, điều quan trọng nhất, ĐBQH Phạm Văn Hòa cũng đề nghị cơ quan chức năng cần làm rõ xem liệu có ai “bao che, chống lưng” để ông Quyết có hành vi phi pháp bán cổ phiếu chui “mang tính hệ thống” như vậy.

Bắt em gái ông Trịnh Văn Quyết 

Trong một diễn biến khác, ngày 4-4, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, kiêm người phát ngôn Bộ Công an, cho biết Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa tống đạt khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với bà Trịnh Thị Minh Huế, là cán bộ Ban kế toán Tập đoàn FLC, về tội Thao túng thị trường Chứng khoán. Bà Huế là em gái ông Quyết.

Theo Trung tướng Tô Ân Xô, bà Huế đã có vai trò đồng phạm giúp sức cho ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, trong vụ Thao túng chứng khoán. Viện Kiểm sát Tối cao đã phê duyệt quyết định tố tụng nêu trên.

Cơ quan chức năng xác định ông Trịnh Văn Quyết chỉ đạo chỉ đạo các cá nhân có quan hệ gia đình hoặc thân thiết điều hành nhân viên Công ty chứng khoán BOS và các công ty con, công ty vệ tinh sử dụng 20 tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức để thông đồng mua, bán chứng khoán với tần suất lớn, nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; đẩy giá chứng khoán FLC từ 14.650 đồng/cổ phiếu ngày 1-12-2021 lên giá 24.050 đồng/cổ phiếu (tăng 64%).

Sau đó, ông Trịnh Văn Quyết giao cho người thân trong gia đình đặt lệnh bán 175 triệu cổ phiếu FLC và đã khớp lệnh bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC vào ngày 10-1-2022 với giá 22.586 đồng/cổ phiếu nhưng không công bố thông tin trước khi giao dịch chứng khoán, với số tiền 1.689 tỉ đồng, thu lợi bất chính số tiền khoảng 530 tỉ đồng.

Hồng Anh 

Bài mới
Đọc nhiều