Loạt nhà máy hoang tàn tại Trung Quốc vì chiến tranh thương mại
1/4 hoạt động sản xuất ở Trung Quốc của những thương hiệu đồ thể thao toàn cầu hiện đang trong tình trạng bỏ không vì chiến tranh thương mại.
Theo tìm hiểu của Bloomberg, 1/4 hoạt động sản xuất ở Trung Quốc của những thương hiệu đồ thể thao toàn cầu hiện đang trong tình trạng bỏ không.
Nguyên nhân không gì khác là bởi các nhãn hàng này đều buộc phải di rời nhà máy của họ khỏi quốc gia đông dân nhất thế giới vì lo ngại chiến tranh thương mại leo thang.
Ding Shui Po – Chủ tịch thương hiệu giầy thể thao nội địa Trung Quốc là Xtep International Holdings nói: “Việc các thương hiệu quốc tế rời đi buộc các nhà máy phải giảm giá 10% cho các công ty trong nước để tận dụng các dây chuyền sản xuất bỏ không của họ”.
Xtep được biết đến là một trong hàng tá những thương hiệu đồ thể thao trong nước đang cạnh tranh với các hãng như Nike và Adidas.
“Các nhà máy đang chịu áp lực to lớn. Các thương hiệu quốc tế đang chuyển ra nước ngoài – kết quả là nhiều dây chuyền sản xuất trong nước bị bỏ trống”, Ding nói.
Tình trạng này xảy ra trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang có tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong 3 thập kỷ. Rất nhiều dấu hiệu cho thấy chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã được định hình từ hàng thập kỷ qua, là động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc đang dần thay đổi.
Những cái tên đang rời khỏi Trung Quốc gồm cả các công ty toàn cầu như Microsoft đến nhà sản xuất xe đạp Giant Manufacturing.
Công ty hàng tiêu dùng lớn nhất thế giới Li & Fung nói rằng họ đang giúp nhiều khách hàng – gồm cả những nhà bán lẻ lớn nhất thế giới chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc sang những quốc gia láng giềng trong khu vực. Ví dụ, một nhà bán lẻ Mỹ đã giảm phụ thuộc vào Trung Quốc từ 70% xuống còn 20% trong 2 năm.
Ngành công nghiệp xuất khẩu đồ thể thao của Trung Quốc trị giá 4,7 tỷ USD. Ding cho biết thị trường nội địa đang lên có thể bù đắp phần nào nhu cầu bên ngoài đi xuống.
“Bằng việc chuyển từ Made In China (sản xuất tại Trung Quốc) sang Sold in China (Bán ở Trung Quốc) các nhà máy sẽ rút ngắn được quy trình sản xuất và điều đó tạo ra lợi thế cho họ”.
Ding nói rằng những nhà sản xuất đồ thể thao hiện tại như Xtep đang khá ổn. Đầu năm nay, Xtep đã mua lại công ty có trụ sở tại Mỹ để tăng danh mục sản phẩm. Họ lên kế hoạch mở rộng sản xuất những thương hiệu quốc tế vừa thâu tóm được ở Trung Quốc nhằm tận dụng chi phí rẻ hiện tại.
“Chúng tôi có thể sản xuất tại những nhà máy đang bỏ không ở Trung Quốc và đó là lợi thế vô cùng to lớn”.
Dẫu vậy theo dữ liệu của Euromonitor, nhu cầu của người Trung Quốc với quần áo thể thao ở mức 40 tỷ USD vào năm ngoái, ít hơn một nửa so với mức 117 tỷ USD ở Mỹ. Phần lớn người tiêu dùng Trung Quốc vẫn thích phong cách của các thương hiệu quốc tế như Nike, Adidas và Under Armour.
Ding nói rằng điều này có thể thay đổi theo thời gian. “Khoảng trống giữa những thương hiệu trong nước và quốc tế sẽ gần ngắn lại”.
Xtep – đơn vị chiếm thị phần là 4,6% đang rượt đuổi ngay sau đối thủ trong nước là Anta Sports Products với gần 15% thị phần đang nhắm tới mục tiêu tăng doanh thu bán lẻ gấp 5 lần lên 50 tỷ NDT trong 10 năm tới.
Ding hy vọng những người tiêu dùng trẻ tuổi Trung Quốc, đặc biệt là những người sinh ra sau năm 1990 sẽ thích thú hơn với các thương hiệu trong nước.
Cao Phúc