Loại vaccine COVID-19 tốt nhất chính là loại đầu tiên mà bạn tiếp cận được
Có lẽ chủ đề “nóng” nhất hiện nay liên quan đến đại dịch COVID-19 tại Việt Nam chính là tình hình lây nhiễm và cách đẩy lùi đại dịch. Đến nay, các biện pháp chủ động cách ly, giãn cách xã hội đã phát huy được tính hiệu quả, giúp kiểm soát tốt tình hình, việc tiêm chủng vaccine đang được gấp rút thực hiện. Thế nhưng, đâu đó vẫn có một số luồng suy nghĩ rằng khi có vaccine thì sẽ chọn vaccine này mà không chọn vaccine kia, hay vaccine này hiệu quả hơn, vaccine kia không tốt bằng. Vì vậy, điều quan trọng lúc này là có một cái nhìn chính xác và tích cực để chúng ta có thể đồng hành cùng nhau đẩy lùi COVID-19.
Theo lộ trình thì trong năm 2021, Việt Nam sẽ nhận được các loại vaccine nhập khẩu bao gồm AstraZeneca (Anh), Sputnik V (Nga), Moderna (Mỹ-Đức), Pfizer/BioNtech (Mỹ) và Sinopharm (Trung Quốc). Các loại vaccine này khác nhau về loại (Viral vector hoặc mARN…), về mức độ hiệu quả (efficacy rates) cũng như điều kiện bảo quản. Người tiêm sẽ được theo dõi kỹ càng ở 2 đợt chích và cũng sẽ được kiểm soát tiêm đúng loại của lần 1 để đảm bảo hiệu quả theo cùng một cơ chế hoạt động. Vì sao lại thế, hãy cùng cùng tìm hiểu tiếp về sự khác nhau giữa các loại vaccine.
Chủng loại, cách thức sản xuất vaccine
Hiện nay, trên thế giới có 2 cách thức chính được các hãng dược sử dụng để tạo ra vaccine để phòng ngừa các loại bệnh dịch, đó là Viral vector và Messenger RNA (mRNA):
– Viral vector vaccine sử dụng một phiên bản đã sửa đổi của một loại virus khác (gọi là vector) để cung cấp các chỉ dẫn cho tế bào của chúng ta. Đầu tiên các vector này sẽ xâm nhập vào một tế bào trong cơ thể, sử dụng bộ máy tế bào để tạo ra một đoạn VÔ HẠI của virus gây ra COVID-19 – đây là một spike protein chỉ có trên virus gây COVID-19. Sau đó, tế bào sẽ mang spike protein này lên bề mặt, hệ thống miễn dịch của chúng ta sẽ nhận ra nó không thuộc cơ thể và kích hoạt hệ thống miễn dịch sinh kháng thể để chống lại nó. Và cuối cùng, cơ thể chúng ta đã học được cách chống lại loại virus mang protein này; sẽ không phải chịu những hậu quả nghiêm trọng khi đối mặt với loại virus này trong tương lai. Sau khi tiêm, các cảm giác khó chịu trong cơ thể xảy ra chính là dấu hiệu cho thấy vaccine đang hoạt động.
– Messenger RNA vaccine (mRNA vaccine) là một cách tiếp cận mới để tạo ra vaccine. Thay vì đưa một loại mầm bệnh yếu hoặc đã bị bất hoạt vào cơ thể chúng ta để kích hoạt miễn dịch, mRNA vaccine dạy các tế bào của chúng ta cách tạo ra một spike protein (hoặc một phần) kích hoạt phản ứng miễn dịch trong cơ thể, từ đó tạo ra kháng thể. Đầu tiên, mRNA vaccine được tiêm vào bắp tay, khi các hướng dẫn nằm bên trong tế bào miễn dịch, các tế bào sẽ sử dụng chúng để tạo ra mảnh protein. Sau khi tạo ra các protein rồi, tế bào sẽ phá vỡ các hướng dẫn và loại bỏ chúng. Sau đó, tế bào mang các mảnh protein này lên bề mặt rồi hệ thống miễn dịch lại hoạt động tương tự như đối với viral vector vaccine. Đây là một phương pháp tiếp cận mới, lợi ích to lớn của nó chính là có thể tạo ra vaccine rất nhanh, nhanh hơn nhiều so với cách tiếp cận truyền thống. Về tiềm năng, nó có thể dùng để phòng ngừa nhiều bệnh cùng 1 lúc (hạn chế số lượng mũi tiêm) cũng như có thể ứng dụng trong các nghiên cứu chống lại ung thư. Nhược điểm là loại này thường phải bảo quản ở nhiệt độ rất thấp (âm nhiều độ C).
Trong các loại vaccine COVID-19 phổ biến hiện nay thì vaccine của Moderna và Pfizer/BioNTech sử dụng công nghệ mRNA, còn AstraZeneca, Sputnik V sử dụng viral vector.
Ngoài ra, còn có whole virus vaccine (như của Sinopharm, Sinovac) dùng nguyên con virus bị làm suy yếu hoặc bất hoạt hoặc protein subunit vaccine (như của Novavax) sử dụng một tiểu đơn vị protein chứa “một mảnh” mầm bệnh đã được xử lý. Còn ở Việt Nam, vaccine Nano Covax (của Nanogen) được sản xuất bằng công nghệ subunit vaccine và Covivax (của Viện vaccine và sinh phẩm Nha Trang) được sản xuất bằng công nghệ viral vector, cả 2 đều đang tham gia những thử nghiệm cuối cùng và có kết quả sơ bộ khả quan.
Các loại vaccine khác nhau có ưu, nhược điểm khác nhau nhưng xét cho cùng, đều hướng đến một mục tiêu chung là giúp cơ thể chúng ta chống lại được virus gây bệnh. Và điều thường gây tranh luận, lựa chọn loại này loại kia chính là chỉ số hiệu nghiệm (efficacy rates) của mỗi loại vaccine. Nhiều người quá quan tâm vào chỉ số này và nghĩ rằng loại nào có efficacy rate cao nhất thì lựa chọn (ví dụ như Pfizer là 95%), trong khi AstraZeneca đang được tiêm tại Việt Nam lại khá thấp (67%). Vậy điều này có hợp lý không khi mà các chuyên gia về vaccine cũng không cho rằng đây là chỉ số tốt nhất để đánh giá hiệu quả vaccine?
Đầu tiên, để biết chỉ số đó có quan trọng trong việc đánh giá vaccine hay không thì cần phải biết chỉ số đó được đo như thế nào. Chỉ số này được đo bởi các thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn với hàng chục ngàn người (như Pfizer là khoảng 43000 người (1)), một nửa được tiêm vaccine, một nửa được tiêm placebo (giả dược). Sau đó họ được cho về sống bình thường trong xã hội vài tháng rồi tiến hành xem xét xem bao nhiêu người bị nhiễm bệnh. Giả sử có 100 người bị nhiễm, vậy thì cách mà 100 người này phân bố trong 2 nhóm thử nghiệm như thế nào sẽ quyết định hiệu quả của loại vaccine được thử nghiệm. Ví dụ 100 người này chia đều trong 2 nhóm, mỗi nhóm 50 người, điều này có nghĩa bạn có nguy cơ nhiễm bệnh như nhau dù được chích vaccine hay không; do đó efficacy rate bằng 0%. Nếu như 100 người đều nằm trong nhóm tiêm placebo thì efficacy rate bằng 100%. Tiếp theo ví dụ về Pfizer, trong thử nghiệm của họ có 170 người nhiễm bệnh, 162 người thuộc nhóm placebo, 8 người thuộc nhóm tiêm vaccine; do đó, efficacy rate = ((162/170)-(8/170))/(162/170) = 95% (1).
Vậy, con số 95% này không có nghĩa là trong 100 người tiêm vaccine thì có 5 người nhiễm bệnh, mà là khi bạn tiêm vaccine thì có ít khả năng nhiễm bệnh hơn 95% so với người không tiêm vaccine. Theo cách thử nghiệm trên, ta có thể thấy được lỗ hổng rất lớn, khiến chỉ số này không thể so sánh các loại vaccine với nhau. Đó chính là nó không được thử nghiệm với đúng 1 nhóm người, 1 thời điểm, 1 không gian, 1 tình huống giống hệt nhau. Như vaccine Pfizer và Moderna được thử nghiệm tại Mỹ trong thời gian tháng 8/2020 đến tháng 11/2020 thì vào mùa nóng, số lượng ca nhiễm mới trung bình dưới 20 người /100 ngàn dân. Còn vaccine Johnson&Johnson (bị đánh giá là một trong nhưng vaccine kém hiệu quả nhất, với efficacy rate là 66%) được thử nghiệm trong khoảng tháng 10/2020 đến tháng 02/2021, thời điểm số lượng ca nhiễm mới trung bình lên tới gần 80 người/100 ngàn dân, cho thấy rủi ro tiếp xúc với virus cao hơn nhiều. Hơn nữa, thử nghiệm của Johnson&Johnson còn được tiến hành ở Nam Phi (ghi nhận biến chủng B.1.351), Brazil (ghi nhận biến chủng P.2) – nơi có tỷ lệ lây nhiễm cao với các biến chủng chứ không phải hoàn toàn là “phiên bản gốc”. Do đó, không thể kết luận ngay rằng vaccine Johnson&Johnson kém hiệu quả hơn Pfizer, vì vốn nó không được thử nghiệm ở cùng điều kiện như nhau. Đây chỉ là kết quả mô tả cuộc thử nghiệm, không phải thực tế!
Và quan trọng hơn, mục đích của vaccine được tạo ra không phải là để giúp bạn hoàn toàn không lây nhiễm virus, mà là để loại bỏ các rủi ro gặp phải các triệu chứng nặng, cần nhập viện và tử vong.
Trong thang đo khi phơi nhiễm với virus SARS-CoV-2 thì tình huống xấu nhất là tử vong; kế đến là các triệu chứng nặng, triệu chứng trung bình, không triệu chứng và tốt nhất là không lây nhiễm. Trường hợp bảo vệ tốt nhất từ vaccine là không lây nhiễm, nhưng trên thực tế, mục tiêu của vaccine chính là bảo vệ bạn, giới hạn rủi ro chỉ nằm trong vùng không lây nhiễm, lây nhiễm không triệu chứng và xấu nhất là triệu chứng nhẹ, tức bạn chỉ cảm thấy như cảm cúm thông thường. Và trong các thử nghiệm với mọi loại vaccine hiện có, không có một ai được tiêm vaccine mà phải nhập viện hoặc tử vong dù bị nhiễm virus; còn trong nhóm tiêm placebo có những trường hợp phải nhập viện và tử vong.
Vì vậy, câu hỏi của chúng ta cần đặt ra không phải là “loại vaccine nào giúp chúng ta hoàn toàn không bị lây nhiễm virus”, mà phải là “loại vaccine nào giúp chúng ta loại bỏ nguy cơ nhập viện và tử vong do COVID-19”. Vậy đâu mới là vaccine giúp chúng ta chặn đứng được đại dịch này? Câu trả lời chính là tất cả các loại vaccine đều làm được điều này.
Tác dụng phụ và sốc phản vệ?
Hiện nay, có không ít người đang tỏ ra phân vân về tác dụng phụ hoặc thậm chí là sốc phản vệ do chích Vaccine. Trên thực tế, tất cả các loại vaccine được lưu hành đều vượt qua các bài kiểm tra ngặt nghèo về mức độ an toàn và hiệu quả. Nhưng đương nhiên rủi ro của vaccine thấp hơn nhiều nhiều nhiều lần so với rủi ro của COVID-19. Và lưu ý rằng chúng ta đang bàn đến rủi ro thực sự liên quan đến vaccine (nếu có), bởi vì có nhiều báo cáo tử vong sau tiêm vaccine được điều tra ra là không liên quan đến vaccine, còn thực tế có rất ít trường hợp tử vong do tiêm vaccine.
Vậy liệu bạn sẽ lựa chọn rủi ro nhập viện, biến chứng và thậm chí là tử vong vì COVID-19, hay là lựa chọn một phương án ít rủi ro hơn nhiều lần và là biện pháp hữu hiệu nhất lúc này để đẩy lùi đại dịch?
Loại vaccine tốt nhất dành cho bạn chính là loại vaccine đầu tiên mà bạn tiếp cận được
Có một điều chắc chắn, đó là lộ trình, kế hoạch tiêm chủng thích hợp nhất cho quốc gia để hoàn thành kế hoạch tiêm chủng sớm nhất có thể không được xây dựng trong một sớm một chiều. Đó là kết quả của hàng trăm, hàng nghìn chuyên gia của Bộ y tế, những người có kiến thức sâu rộng về dịch tễ học, các chuyên gia kinh tế tại Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư, những người hiểu rõ nhất tình hình tài chính của đất nước, cùng vô vàn các chuyên gia đầu ngành khác. Đó là các chuyên gia từ các bộ Quốc phòng, Công an, Tài chính, Công thương, Khoa học và Công nghệ, Tư pháp nắm chắc các thông tin về cơ sở hạ tầng lưu trữ bảo quản, an ninh quốc phòng, pháp chế, nguồn cung vaccine…
Do đó, điều mà mỗi công dân cần làm ngay lúc này là tuân thủ kế hoạch tiêm chủng, cho dù là loại vaccine nào. Mỗi mũi tiêm được thực hiện sớm chừng nào thì ngày chúng ta chiến thắng COVID-19 sớm chừng đó.
Mỗi người dân lúc này không chỉ mang trên mình có trách nhiệm với bản thân, mà còn là trách nhiệm với dân tộc, và với cả nhân loại.
T.H