Loại tàu ngầm mất tích ở Indonesia: Hơn chục nước mua, ‘bán chạy nhất phương Tây’
Chiếc tàu ngầm đang mất tích của Indonesia là mẫu tàu ngầm do Đức đóng, phục vụ lực lượng hải quân của hơn chục quốc gia trong nửa thế kỷ qua. Đây được xem là ‘tàu ngầm phi hạt nhân bán chạy nhất ở phương Tây’.
Indonesia đang nỗ lực tìm kiếm chiếc KRI Nanggala 402 – mang theo 53 người – sau khi mất liên lạc với tàu ngầm này trong hoạt động diễn tập ngày 21-4. Vậy tàu ngầm này có gì đặc biệt?
Tàu ngầm cổ điển
Theo Hãng tin AFP, tàu ngầm KRI Nanggala 402 có trọng tải khoảng 1.300 tấn của Indonesia là tàu ngầm tấn công Type 209 chạy bằng điện-diesel. Tàu bắt đầu được đóng vào năm 1978 và bàn giao cho Indonesia tháng 10-1981.
Theo thông tin từ phía Indonesia, KRI Nanggala mất tích khi đang tham gia diễn tập phóng ngư lôi bên ngoài bờ biển Bali vào sáng 21-4. “Sau khi nhận được sự cho phép để lặn theo thủ tục, tàu mất liên lạc” – Bộ Quốc phòng Indonesia cho biết.
Có 53 người bên trong tàu ngầm vào thời điểm mất tích. Tàu này được cho là đã ở trong vùng nước sâu khoảng 700m.
“Có thể trong quá trình lặn tĩnh đã xảy ra sự cố mất điện, khiến con tàu mất kiểm soát và không thể thực hiện các thủ tục khẩn cấp, sau đó chìm xuống độ sâu 600 – 700m” – hải quân Indonesia cho biết.
“Đây là một tàu ngầm cổ điển” – phó đô đốc hải quân Pháp, ông Antoine Beaussant, nhận định với Hãng tin AFP.
Ông Antoine Beaussant cho biết mẫu tàu ngầm này chỉ chịu được áp suất ở độ sâu 250m và “nếu nó di chuyển xuống độ sâu 700m, có khả năng tàu này sẽ vỡ”.
Tàu KRI Nanggala từng được nâng cấp một số lần. KRI Nanggala được sửa chữa vào năm 1989 tại Đức, sau đó vào năm 2012 tại Hàn Quốc. Một phần cấu trúc của tàu đã được thay thế và các hệ thống đẩy, sonar và vũ khí trên tàu đã được nâng cấp.
Hải quân Indonesia sở hữu một tàu ngầm khác cùng mẫu mang tên KRI Cakra. Theo Janes (hãng chuyên về thông tin quân sự), Indonesia còn có 3 tàu ngầm thuộc các mẫu Type 209 khác nhau được đóng ở Hàn Quốc và Indonesia gần đây.
“Tàu ngầm phi hạt nhân bán chạy nhất ở phương Tây”
Năm 1993, Indonesia mua lại 39 tàu đã qua sử dụng từ hải quân Đông Đức.
Tàu ngầm Type 209 được phát triển vào thập niên 1960 để thay thế các tàu từ thời Thế chiến 2. Tuy nhiên, Đức chưa bao giờ dùng mẫu tàu ngầm này.
Tuy nhiên, Đức đã thành công khi xuất khẩu 61 tàu ngầm Type 209 cho hơn một chục quốc gia, trong đó có Hi Lạp, Ấn Độ, và Thổ Nhĩ Kỳ.
Argentina từng triển khai tàu ngầm Type 209 trong Chiến tranh Falkland với Anh năm 1982.
Ai Cập dự kiến tiếp nhận một chiếc tàu ngầm Type 209/1400 thứ 4. Tàu ngầm này được đóng tại các nhà máy đóng tàu của Đức hiện thuộc sở hữu của tập đoàn khổng lồ ThyssenKrupp (Đức).
Trên website, tập đoàn này cho biết tàu ngầm Type 209 được lấy cảm hứng từ các tàu ngầm ven biển thời hậu chiến của hải quân Đức. Tuy nhiên, mẫu tàu này đã được phát triển lớn hơn để có thể hoạt động ở các vùng nước sâu hơn và mang được nhiều thiết bị hơn.
Trang web của ThyssenKrupp nói rằng Type 209 là “tàu ngầm phi hạt nhân bán chạy nhất ở phương Tây”.
BÌNH AN