Loại ra khỏi ngành những cán bộ hành xử không chuẩn mực: Thông điệp mạnh mẽ từ ngành công an
ĐBQH cho rằng, việc cho ra khỏi ngành đối với Đại úy Lê Thị Hiền và Thượng uý Nguyễn Xô Việt là một tín hiệu tốt từ ngành công an.
Hôm nay, Đại úy Lê Thị Hiền và Thượng uý Nguyễn Xô Việt đều bị hạ cấp bậc và cho ra khỏi ngành công an sau những hành động thiếu văn hoá, gây bức xúc dư luận xã hội.
Trả lời phỏng vấn VTC News, đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị) đồng tình với quyết định này, đồng thời cho rằng đây là biện pháp cần thiết để ngành công an làm trong sạch bộ máy, lấy lại niềm tin của nhân dân.
– Hành vi của Lê Thị Hiền và Nguyễn Xô Việt đã phải nhận sự xử phạt nghiêm khắc từ cơ quan quản lý. Ông đánh giá thế nào về sự việc này?
Rõ ràng, Đại uý Lê Thị Hiền hay Thượng uý Nguyễn Xô Việt đều không bị áp lực công việc đến mức phải hành xử như vậy. Đó đều là tự họ gây ra. Đó là sự bột phát của quá trình thiếu rèn luyện, thiếu tu dưỡng. Đó là giọt nước làm tràn ly từ bản chất không tốt trong họ. Hành vi của hai vị đó không thể chấp nhận được.
– Ông suy nghĩ gì khi liên tiếp có cán bộ công an bị xử lý vì có hành vi không phù hợp trong giao tiếp, ứng xử với nhân dân?
Với tâm trạng của một đại biểu Quốc hội, một người dân, tôi rất buồn mỗi lần nghe thông tin về việc xử lý cán bộ chiến sỹ công an nhân dân, cán bộ tướng lĩnh cấp cao. Bởi vì, những hình ảnh như vậy làm xấu đi hình ảnh đẹp của người chiến sỹ công an nhân dân Việt Nam, làm xói mòn niềm tin vào lực lượng bảo vệ chính quyền, bảo vệ pháp luật.
Tuy nhiên, nếu nhìn dưới góc độ tích cực, tôi cho rằng đó là một trong những tín hiệu tốt để nói lên thông điệp rằng, công an nhân dân hiện nay đã và đang thực hiện việc sắp xếp, tổ chức, tinh giảm biên chế bộ máy, làm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả hơn. Về mặt hình thức là như vậy.
Loại ra khỏi ngành cán bộ không còn đủ tư cách, phẩm chất đạo đức cũng là cách làm đội ngũ công an nhân dân thực sự trong sạch, vững mạnh.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng
Thứ hai, những vi phạm của cán bộ, chiến sỹ vừa qua có nguyên nhân trước hết là từ chính bản thân các vị ấy. Thái độ không vì dân, thiếu tu dưỡng, công thần, ỷ vào địa vị mà có hành xử vô văn hoá, không đúng với tư cách người chiến sỹ công an cách mạng.
– Ngoài trách nhiệm cá nhân, liệu có cần xử lý trách nhiệm người quản lý?
Cũng cần nhắc tới phần trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý, giáo dục, rèn luyện những cán bộ đó, mà trực tiếp ở đây là người đứng đầu cơ quan quản lý những chiến sỹ đó.
Từ trường hợp của Lê Thị Hiền, Nguyễn Xô Việt có thể thấy, quá trình quản lý giáo dục, rèn luyện của tổ chức trong lực lượng công an cần phải được xem xét lại. Sâu xa hơn, phải xem xét lại cả việc tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng từ các trường của công an nhân dân.
Đương nhiên, chúng ta phải chọn lọc những người có kiến thức văn hoá, trình độ nhưng vẫn phải rà soát tư cách đạo đức ngay khi vào trong nhà trường. Nhà trường phải thường xuyên giáo dục đạo đức tư cách người công an cách mạng.
Đạo đức tốt, trình độ tốt mới có thể thành người cán bộ chiến sỹ vừa hồng vừa chuyên sau này được. Mỗi chiến sỹ phải tự soi, tự sửa, tự rèn luyện để phấn đấu lên.
Tôi từng chất vấn Bộ trưởng Tô Lâm trước Quốc hội rằng, việc phòng chống tội phạm phải bắt đầu từ ngay trong chính lực lượng bảo vệ pháp luật hay không?
Bộ trưởng có trả lời rằng đây là việc Bộ Công an đã và đang quan tâm để làm trong sạch đội ngũ, xử nghiêm những chiến sỹ vi phạm.
Hành động vừa qua cho thấy thái độ quyết tâm của Bộ trưởng. Mong rằng Bộ trưởng tiếp tục thực hiện việc đó. Mong các đồng chí đứng đầu cơ quan bảo vệ pháp luật tự soi lại đội ngũ để có chỉ đạo quyết liệt hơn, trong việc xử lý vi phạm ngay trong chính lực lượng của mình.
– Có thực trạng lạm quyền của cán bộ lực lượng vũ trang hay không? Chúng ta cần làm gì để ngăn chặn hiện tượng này?
Hành động vừa qua của Lê Thị Hiền và Nguyễn Xô Việt là biểu hiện của sự cậy quyền, cậy thế, ứng xử thiếu văn hoá với người dân. Có nhiều phương cách quản lý, rèn luyện, giáo dục, xử lý nghiêm những trường hợp thế này.
Ngoài quản lý của ngành ra, chúng ta có sự giám sát của dân, của các cơ quan dân cử, báo chí, từ đó đưa ra ánh sáng những người sai phạm, để làm trong sạch đội ngũ…
Hơn thế nữa, chúng ta còn có các phương tiện điện tử để giám sát hoạt động của chiến sỹ công an khi thực hiện nhiệm vụ, tiếp dân,… Đó cũng là cách để giúp cho các chiến sỹ nhận ra rằng, mỗi hành vi của họ đều được người dân giám sát.
Họ phải biết rằng không thể làm việc tuỳ tiện, thiếu trách nhiệm với người dân, vi phạm đạo đức của người công an nhân dân khi thực hiện nhiệm vụ được.
(Theo VTC News)