+
Aa
-
like
comment

Loại củ có giá siêu rẻ tại Việt Nam đang trở thành cứu tinh cho thế giới

Bảo Trâm - 19/02/2023 14:35

Khi khủng hoảng lương thực khiến giá lúa mì tăng và khan hiếm, một loại lương thực chính không còn xa lạ với người dân Việt Nam đang được ưa chuộng trở lại.

Khi xung đột tại Ukraine làm gián đoạn xuất khẩu lúa mì, sinh viên Đại học Kisangani tại Congo bắt đầu sản xuất mì ống bằng loại lương thực quen thuộc với người Việt Nam từ thời xa xưa: sắn.

Mỗi sáng, Madeleine Kombozi, 38 tuổi, dựng quầy hàng trước Institut Chololo – Trường kỹ thuật ở xã Makiso, trung tâm Kisangani, Cộng hòa Dân chủ Congo. Cô bật bếp và bắt đầu nấu mì ống hay người dân địa phương còn gọi là spaghetti, cho học sinh và khách qua đường.

Kombozi, một bà mẹ 5 con, là một trong số nhiều phụ nữ kiếm sống trên đường phố Kisangani bằng cách bán mì Ý, một món ăn sáng phổ biến của người Boyomese (tên thường gọi của cư dân Kisangani). Nhưng có lẽ cô ấy là người duy nhất nấu mì spaghetti làm từ bột sắn.

Sau hơn hai năm làm công việc bán thức ăn đường phố, Kombozi đã chuyển từ lúa mì sang mì spaghetti làm từ sắn sau khi xung đột tại Ukraine diễn ra làm gián đoạn thị trường ngũ cốc toàn cầu và đẩy giá lên cao do nguồn cung khan hiếm.

Congo nhập khẩu gần như toàn bộ lúa mì của mình. Mặt khác, sắn lại đang ngày càng trở nên phổ biến rộng rãi trong khu vực trong bối cảnh lúa mì khan hiếm.

Kombozi mua mì spaghetti làm từ sắn của mình từ một nhà máy sản xuất nhỏ do một nhóm sinh viên công nghệ sinh học thành lập tại Đại học Kisangani, những người hy vọng thử nghiệm của họ sẽ giúp bù đắp tình trạng thiếu lúa mì.

Enabel – Cơ quan phát triển của chính phủ Bỉ, đã tặng thiết bị và 10 sinh viên làm việc trên cơ sở tình nguyện, dưới sự cố vấn của giáo sư Onauchu Didy nhằm nghiên cứu các giải pháp thay thế cho lúa mì.

“Tôi rất tự hào về những sinh viên này, những người đã học cách kết hợp công việc kinh doanh với niềm vui để đảm bảo mì spaghetti luôn sẵn có cho các bà nội trợ,” Didy nói.

Mỗi ngày, các sinh viên có thể sản xuất hơn 100 gói, mỗi gói 250 gram và bán với giá 1.000 franc Congo (49 xu). Ở Kisangani, một gói mì spaghetti có kích thước tương tự được bán với giá lên tới 30.000 franc ( tương đương với 14,77 USD).

Jonathan Sembaito, 28 tuổi, một sinh viên trong nhóm nêu trên cho biết: “Chúng tôi đã cung cấp mì spaghetti cho các chủ nhà hàng và những người buôn bán khác.”

Sembaito cho rằng công việc này không hề dễ dàng vì quá trình sản xuất hoàn toàn thủ công. “Chúng tôi phải mua sắn từ 10 đến 11 tháng trước, sau đó phải phơi nắng vì không có máy sấy,” anh nói.

Chantal Baimoli, một bà nội trợ mua mì spaghetti sắn, rất vui về sự đổi mới này: “Chúng tôi đã có một loại mì spaghetti mang đậm chất địa phương, và điều đó khiến tôi rất tự hào vì không có sự khác biệt về hương vị. Các con tôi rất thích.”

Tại Việt Nam, sắn và các sản phẩm từ sắn là một trong những mặt hàng xuất khẩu mang lại tỷ USD trong năm vừa qua. Cụ thể, Tổng cục Hải quan cho biết trong năm 2022, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 3,25 triệu tấn, trị giá 1,4 tỷ USD. Kết quả này đã tăng 13,3% về lượng và tăng 19,7% về trị giá so với năm 2021. Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam năm 2022 ở mức 432,7 USD/tấn, tăng 5,6% so với năm 2021.

Theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, đầu tháng 2/2023, lượng nguyên liệu sắn đang ít dần sau Tết và giá thu mua nguyên liệu tăng lên. Vào thời điểm cuối tháng 12/2022, giá sắn tươi ở mức 2.700 – 2.900 đồng/kg.

Đến đầu 1/2023, giá sắn tươi tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên ít biến động do các nhà máy tinh bột sắn chuẩn bị nghỉ Tết Nguyên đán và trong những tuần gần đây bắt đầu tăng mạnh trở lại do Trung Quốc bắt đầu thu gom sắn từ Việt Nam.

Bảo Trâm

Bài mới
Đọc nhiều