+
Aa
-
like
comment

Loại cây mọc dại ở Việt Nam, nhưng lại có giá trị không ngờ tại Trung Quốc

Bảo Trâm - 14/01/2022 06:03

Cây xấu hổ mọc hoang ở Việt Nam, được trẻ em dùng làm thú vui chơi mỗi ngày, nhưng lại được người Trung Quốc dùng làm thuốc quý chữa bách bệnh.

Cây xấu hổ  hay còn gọi là hoa trinh nữ, có tên khoa học là Mimosa pudica L, là loài cây thuộc họ Đậu – Fabaceae. Cây xấu hổ còn có tên gọi khác là cây trinh nữ, cây mắc cỡ, hàm tu thảo. Cây xấu hổ có nguồn gốc từ Nam Mỹ và Trung Mỹ, tuy nhiên nó cũng phân bố rộng rãi ở một số nước châu Á như Việt Nam, Thái Lan,…. Ở Việt Nam, cây xấu hổ thường mọc hoang ở ven đường và những vùng đất trống.

Cây xấu hổ là loài cây có thân thảo nhỏ. Khi còn non cây sẽ mọc đứng nhưng khi già, cây sẽ bò trườn trên mặt đất và có thể dài tới 1,5m. Thân cây có gai hình móc, cuống lá hình lông chim, cuống lá xấu hổ thường dài 4cm và có nhiều lông, khi chạm vào lá cây sẽ tự động khép lại.

Hoa của cây xấu hổ sẽ mọc ra từ nách lá với cuống dài, hoa có hình cầu, màu tím đỏ. Cây càng lớn sẽ ra hoa càng nhiều. Quả của cây xấu hổ thường dài khoảng 2mm, rộng chừng 3mm tụ lại thành từng chùm, ở phần giữa các hạt quả hẹp lại, có lông cứng ở mép.

Ở Trung Quốc, cây xấu hổ được xem là một vị thuốc Đông y và có những giá trị y học nhất định trong điều trị một số bệnh. Theo đó, cây xấu hổ có vị ngọt, tính hơi hàn. Thân cây xấu hổ có hiệu quả trong việc điều trị các bệnh ngoài da. Rễ cây xấu hổ chứa hàm lượng flavonoid phong phú, có tác dụng chống oxy hóa. Ngoài ra, cây xấu hổ cũng chứa các khoáng chất vi lượng như đồng, kẽm, mangan, magiê và sắt, khi được điều chế sẽ có giá trị về mặt y học.

Công dụng của cây xấu hổ

1. Giảm đau

Lá và thân cây xấu hổ có chứa alcaloid thường được sử dụng như một chất giảm đau, gây tê. Vì vậy, người Trung Quốc thường pha trà từ thân và lá của cây xấu hổ để uống, giúp giảm các cơn đau như đau răng, đau lưng, đau nhức xương khớp.

2. Chữa các bệnh về đường hô hấp

Rễ cây xấu hổ đem đi sắc thuốc giúp điều trị bệnh viêm phế quản mạn tính. Lấy 100g rễ cây xấu hổ sắc cùng với 60ml nước, đun đến khi còn khoảng 100ml và uống 2 lần/ngày.

3. Giảm suy nhược thần kinh, mất ngủ

Lá cây xấu hổ rửa sạch, đem sao khô sắc uống 1 lần/ngày trong vòng 10 ngày có thể chữa suy nhược thần kinh, cải thiện tình trạng mất ngủ.

4. Chữa các vết thương ngoài da

Trong cây xấu hổ chứa tannin giúp đẩy nhanh quá trình hình thành các cục máu đông, có tác dụng cầm máu. Vì vậy khi bị thương, người Trung Quốc thường lấy lá và cành của cây xấu hổ tươi đem giã nát rồi đắp lên miệng vết thương hở để cầm máu và giảm đau, giúp miệng vết thương nhanh khỏi.

Ngoài ra, cây xấu hổ còn có một số công dụng khác như:

– Điều trị viêm dạ dày

– Làm mát gan

– Chữa cao huyết áp

– Chữa bệnh zona

– Chữa đầy bụng, khó tiêu hoá

Mặc dù cây xấu hổ có giá trị y học nhất định nhưng khi sử dụng cây xấu hổ để chữa bệnh, mọi người cần tham khảo kỹ ý kiến của bác sĩ. Đồng thời, tuyệt đối không sử dụng cây xấu hổ cho người bị suy nhược cơ thể, người có thể chất hàn và phụ nữ có thai.

Bảo Trâm (Theo Baidu)

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều