Loại bỏ “doanh nghiệp sâu sau” bóng ma của lợi ích nhóm, tham nhũng
“Còn hiện tượng tham nhũng trong doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), “sân trước, sân sau”, thậm chí “vườn sau”. Chúng ta phải chú ý khắc phục cái này, để làm sao DNNN cùng với hệ thống chính trị đóng góp quan trọng vào công cuộc phòng, chống tham nhũng mà Đảng, Nhà nước ta đang lãnh đạo quyết liệt”.
Đó là nhấn mạnh của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi chủ trì Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN diễn ra sáng ngày (16/10), tại trụ sở Chính phủ.
“Doanh nghiệp sân sau” là một hình thức để các quan chức trong bộ máy nhà nước kinh doanh kiếm lời thông qua việc nắm giữ cổ phần sở hữu được che giấu, hoặc không nắm giữ sở hữu nhưng có quan hệ chi phối, tác động hay hỗ trợ để được chia lợi nhuận một cách thường xuyên từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hay từ các dự án, thương vụ cụ thể.

“Sân sau” thực chất là anh không bỏ vốn, cứ thành lập ra rồi rót vốn nhà nước vào, coi vốn nhà nước như vốn của mình, và toàn bộ nguồn lực dồn vào cho “sân sau”. Thậm chí một số vị còn “chân ngoài dài hơn chân trong”, nhiệm vụ quản lý nhà nước lơ là nhưng lại tập trung vào việc sinh lời “sân sau”.
Thực tế thời gian qua cho thấy, không ít trường hợp cất nhắc, bổ nhiệm người thân, người nhà vào các vị trí then chốt trong bộ máy Nhà nước như phụ trách tài chính, kế hoạch…, dẫn đến cục bộ địa phương, gây xung đột lợi ích, mất đoàn kết, hình thành lợi ích nhóm, thậm chí còn tạo sự bất bình đẳng trong việc trao cơ hội cho các cá nhân khác.
Tuy nhiên, tình trạng cán bộ, công chức cố tình lách luật để thành lập, góp vốn vào các doanh nghiệp để trục lợi cá nhân, họ thông qua người thân, bạn bè để đứng tên thành lập, góp vốn vào các doanh nghiệp nhằm che mắt cơ quan chức năng là khá phổ biến.
Minh chứng là hầu hết các vụ vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp đều có sự tiếp tay, bao che, bảo kê với bóng dáng khá đậm nét của các quan chức. Ở bất cứ ngành, địa phương nào dư luận cũng đề cập đến doanh nghiệp của ông nọ, bà kia khá công khai và rất bình thường coi như không có vấn đề gì, nhất là ở các lĩnh vực, ngành nghề có lợi nhuận cao như cát “tặc”, khoáng “tặc” hoặc “xe vua”…
Nếu các hành vi tham nhũng thông thường chỉ làm suy thoái đạo đức của một bộ phận quan chức nhà nước thì chủ nghĩa tư bản thân hữu, nếu lan rộng sẽ làm suy thoái hay làm méo mó sự phát triển của cả một nên kinh tế hay thậm chí cả một quốc gia.
Chính vì thế mà có người đã cảnh báo rằng, cái đáng sợ nhất trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam không phải là sự lấn át của doanh nghiệp nhà nước đối với doanh nghiệp tư nhân, mà chính là sự phát triển của một nền kinh tế tư nhân dựa trên các “doanh nghiệp sân sau”.
Những ai có “doanh nghiệp sân sau” đều là những người đã giàu và rất giàu có. Cho nên, cái họ thực sự tìm kiếm không phải là thu nhập bổ sung mà xa hơn, chính là sự chuẩn bị chu đáo và bài bản cho một tương lai khác của mình và con cháu.
Việc chỉ đích danh các quan chức có “doanh nghiệp sân sau” buộc phải gắn với quy trách nhiệm pháp lý, và do đó hoàn toàn không đơn giản. Cụ thể, nếu mối quan hệ của một quan chức với “sân sau” của mình hữu hình, tức thông qua sở hữu cổ phần trực tiếp hay ít nhất thông qua người thân thuộc đối tượng bị cấm của pháp luật thì điều này có thể thực hiện được.
Theo đó, những “doanh nghiệp sân sau”, “doanh nghiệp thân hữu” nhận được thiên vị, tiếp tay của các quan chức trong việc tiếp cận đất đai, tài chính, ngân sách, giấy phép, giảm thuế và vô vàn các ưu đãi khác.
Một môi trường dung dưỡng cho thành tựu kinh doanh của một số doanh nghiệp dựa trên sự thông đồng, quan hệ thân thiết của họ với các quan chức của chính quyền chắc chắn không phải là mảnh đất cho sự phát triển công bằng, lành mạnh cho số đông các doanh nghiệp khác.

Trong nhiều trường hợp, người ta bắt tay nhau để ưu ái cho doanh nghiệp sân sau bằng cách khá tinh vi. Dự án công ở địa bàn tỉnh tôi, tôi sẽ chỉ định cho công ty sân sau của anh, và dự án của tỉnh anh, thì anh chấm cho công ty sân sau của tôi. Cách này là kín kẽ, tinh vi.
Song, trên thực tế là người ta không còn ngại ngần như vậy mà ngang nhiên chỉ định luôn cho doanh nghiệp sân sau của mình ở ngay tỉnh mình.
Thực chất là vụ lợi, chứ không phải thuật ngữ “công ty mẹ, công ty con” vốn được coi là trong sáng. Lẽ ra anh phải rót vốn nhà nước vào công ty chính, đằng này lại rót vốn vào các công ty “sân sau”. Thậm chí có những người không chỉ 1, 2, mà có đến 14 – 15 “sân sau” như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra. Vậy thì ngân sách nhà nước, vốn nhà nước đâu còn phục vụ cho những nhiệm vụ chính nữa?
Nhiệm vụ chính của anh là kinh doanh mặt hàng này, sản xuất mặt hàng kia, nhưng anh lại hình thành ra các “sân sau”. Mục tiêu chủ yếu của “sân sau” là kinh doanh tổng hợp, kinh doanh bất động sản, vừa để rửa tiền, vừa làm thất thoát tiền ngân sách nhà nước. Các “sân sau” này được hợp thức hóa như các công ty con, nhưng thực chất lại là “sân sau” của nhóm lợi ích.
Chính vì vậy, phải chỉ rõ “sân sau” của ai, công ty bình phong của ai, do ai đề xuất, ai nuôi dưỡng? Khi quan chức bắt tay với các tổ chức có dấu hiệu tội phạm, đi đêm với các “sân sau” thì chắc chắn sẽ phạm tội. Bởi lúc đó họ không còn coi pháp luật ra gì, vì trên đã có người chống lưng rồi. Và khi đó, lực lượng phòng chống tội phạm cũng rất dễ trở thành tội phạm.
Một trong số “sân sau” nổi bật đó là vụ bà cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Phan Thị Mỹ Thanh tự ý ký nhiều văn bản trái pháp luật nhằm giúp công ty của chồng hưởng lợi trong các dự án, lý do bà bị kết luận là phi phạm “rất nghiêm trọng” các nguyên tắc quản lý của nhà nước, của tổ chức.
Theo Kiểm toán Nhà nước, hầu hết các dự án BT trên toàn quốc và dựa BOT trên quốc lộ 1A là chỉ định thầu. Lãnh đạo của Kiểm toán Nhà nước khẳng định, hình thức đầu tư BT, BOT rất dễ bị bóp méo, biến tướng do thiếu công khai minh bạch vì “lợi ích nhóm”, vì những khoản sinh lời vô cùng lớn từ cơ hội sở hữu những mảnh đất đắc địa hoặc những diện tích rộng lớn của địa phương.
Ngày 01/7/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị định 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng. Trong đó, quy định cảnh cáo, cách chức lãnh đạo nếu bố trí người thân giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán… Đây có thể được coi là “vũ khí” để xử lý tình trạng “sân sau”.
Trong Luật, Điều 20 quy định về quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn đã quy định rõ những nội dung trên ở khoản 3, nhưng chưa có phương án để xử lý. Một trong những điểm mới của Nghị định 59 là đưa ra chế tài xử lý đối với những trường hợp vi phạm quy định của Luật Phòng chống tham nhũng, trong đó có quy định về quy tắc ứng xử.
Trong bối cảnh hàng loạt các vụ vi phạm, đặc biệt trong lĩnh vực cổ phần hóa nhà, đất công được phanh phui thời gian qua đã được xác định có sự tiếp tay của người có chức vụ quyền hạn, qua đó lộ diện tình trạng “sân sau”, lợi ích nhóm, công ty gia đình…, Nghị định 59 được kỳ vọng sẽ là loại “vũ khí” lợi hại để dẹp bỏ, giải quyết vấn nạn doanh nghiệp “sân sau” của quan chức là biện pháp quan trọng nhằm ngăn chặn, đẩy lùi và đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiệu quả.
Chỉ có thông qua của doanh nghiệp “sân sau” thì các nhóm lợi ích, cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất mới tham nhũng được những khoản tiền lớn của Nhà nước và nhân dân mà rất khó bị phát hiện. Vì vậy, dẹp vấn nạn doanh nghiệp “sân sau” sẽ chặt được “vòi”, phương tiện tham nhũng rất quan trọng của các quan chức và các nhóm lợi ích.
Phạm Minh Hà