“Lò vôi thế kỷ” tại mặt trận Vị Xuyên 1984-1989
Trong cuộc chiến đấu chính nghĩa bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc, Hà Giang là địa bàn trọng điểm bị địch tiến hành lấn chiếm và phá hoại nhiều mặt so với toàn tuyến biên giới phía Bắc.
Mặt trận Vị Xuyên là chiến trường ác liệt chống quân xâm lược, diễn ra trong suốt 10 năm (1979-1989), đặc biệt trong giai đoạn từ 1984-1989.
Sau cuộc tấn công đưa hơn 60 vạn quân tràn vào 6 tỉnh biên giới phía Bắc nước ta (gồm Lào Cai, Lai Châu, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn và Quảng Ninh) vào rạng sáng ngày 17/2/1979 thất bại, Trung Quốc vẫn duy trì 12 sư đoàn và hàng chục trung đoàn độc lập áp sát biên giới Việt Nam, thường xuyên gây tình trạng căng thẳng, tiếp tục lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam ở mọi quy mô, thực hiện kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt. Đặc biệt, từ tháng 4/1984 đến tháng 10/1989, Trung Quốc lại mở cuộc tấn công xâm lược lấn chiếm biên giới Việt Nam, tập trung tấn công lấn chiếm một phần đất ở khu vực biên giới huyện Vị Xuyên tỉnh Hà Tuyên (nay là Hà Giang và Tuyên Quang).
Trích đăng cuốn “Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên” của Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, trong đó đưa ra 4 lý do khiến Trung Quốc tuyên bố rút quân khỏi Việt Nam vào ngày 5/3/1979.
Xin trân trọng giới thiệu tiếp những nội dung chính trong cuốn “Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên” của Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy – người trực tiếp chỉ huy chiến đấu ở chiến trường Vị Xuyên – Hà Tuyên từ năm 1985-1989. Ông là Tham mưu trưởng mặt trận (đồng thời làm Phó Tư lệnh – Tham mưu trưởng Quân khu 2). Hiện nay, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy là Trưởng ban Liên lạc toàn quốc Cựu chiến binh Mặt trận Vị Xuyên – Hà Tuyên.
Âm mưu vẽ lại đường biên giới sâu vào đất Việt Nam khoảng 5 km.
Biên giới Việt Nam Trung Quốc sau sự kiện tháng 2 năm 1979 vẫn luôn căng thẳng. Trung Quốc thường xuyên dùng pháo, cối bắn vào lãnh thổ Việt Nam, có nơi phía bên kia còn đưa lực lượng biên phòng hoặc bộ đội địa phương tấn công vào một số đồn biên phòng và trận địa phòng ngự của Việt Nam. Vì thế, đòi hỏi quân và nhân dân ta phải luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng đánh trả tất cả các cuộc tấn công lấn chiếm biên giới, những hành động gây hấn, bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.
Sau nhiều ngày dùng pháo binh bắn phá ác liệt vào các tỉnh biên giới của Việt Nam, ngày 28/4/1984, Trung Quốc lại mở cuộc tấn công xâm lược lấn chiếm biên giới Việt Nam. Đây là cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ hai của Trung Quốc vào Việt Nam. Trung Quốc đã lần lượt huy động nhiều đơn vị, tổng số khoảng 50 vạn quân từ 8 trong 10 đại quân khu với hơn 20 sư đoàn bộ binh, 171 trung đoàn, tiểu đoàn bộ binh, 3 sư đoàn pháo binh và các đơn vị pháo binh của các sư đoàn bộ binh (tổng cộng hơn 400 khẩu pháo lớn các loại), trên 1000 xe cơ giới phục vụ cho chiến đấu … tiến công toàn diện vào Vị Xuyên từ năm 1984-1989.
Lần này, Trung Quốc không tấn công trên chính diện rộng mà tập trung tấn công lấn chiếm một phần đất ở khu vực biên giới huyện Vị Xuyên tỉnh Hà Tuyên (nay là Hà Giang và Tuyên Quang). Với một chính diện khoảng 20km, sâu khoảng 10km; mục tiêu là lấn tới bắc suối Thanh Thủy để vẽ lại đường biên giới sâu vào đất Việt Nam khoảng 5km.
Tại sao lại là Vị Xuyên?
Một câu hỏi được đặt ra là, trên tuyến biên giới dài cả nghìn ki lô mét, tại sao Trung Quốc lại chọn Hà Tuyên và lấy Vị Xuyên làm điểm tiến công lấn chiếm sau cuộc chiến tranh tháng 2/1979 mà họ gọi là để “dạy cho Việt Nam một bài học” đã kết thúc?
Thứ nhất, biên giới huyện Vị Xuyên tỉnh Hà Tuyên (nay là Hà Giang, Tuyên Quang) là địa bàn hẻo lánh, xa Hà Nội – trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa… hơn 300km; duy nhất chỉ có quốc lộ số 2 chạy từ thị xã Hà Giang tới Hà Nội. Khu vực Vị Xuyên phần lớn là núi đá, cao từ biên giới, thấp dần vào nội địa Việt Nam. Địa hình phía Trung Quốc là vùng núi cao nguyên rộng, thuận lợi cho việc triển khai đội hình lớn để tấn công Việt Nam. Còn địa hình phía Việt Nam rất khó cho việc triển khai đội hình lớn để phòng thủ và phân công; việc vận chuyển, chi viện các mặt từ phía sau lên mặt trận cũng rất khó khăn.
Thứ hai, mục đích của quân Trung Quốc lúc đó là thu hút càng nhiều càng tốt binh lực của Việt Nam trên tuyến biên giới, tác động tới công cuộc tái thiết kinh tế, làm cho Việt Nam suy yếu. Vị Xuyên là địa bàn “lý tưởng” để thực hiện ý đồ cũng như âm mưu này.
Thứ ba, bản thân phía Trung Quốc rất sợ chiến tranh lan rộng và bùng phát trở lại sẽ ảnh hưởng đến chương trình “bốn hiện đại hóa”của họ. Mặt khác, đánh vào Vị Xuyên, Trung Quốc cho rằng, họ sẽ chủ động được về thời gian, không gian, quy mô, lực lượng cũng như cường độ để thực hiện các cuộc tiến công. .
Ngoài ra, một trong những lý do mà Trung Quốc chọn địa bàn Vị Xuyên để tập trung lực lượng tấn công là nếu như đánh ở Lạng Sơn, Trung Quốc sẽ khó giấu được cuộc chiến tranh xâm lược với dư luận trong nước và quốc tế. Còn ở Hà Giang (khi đó là Hà Tuyên) là tỉnh hẻo lánh ở biên giới phía Bắc của nước ta, chỉ với một đường độc đạo, ít giao lưu với quốc tế, địa hình hiểm trở nên tạo điều kiện thuận lợi để tấn công từ trên cao. Nếu chiếm thành công Hà Giang, quân địch có nhiều cơ hội để lấn sâu hơn vào biên giới nước ta.
Mặt trận Vị Xuyên: “Lò vôi thế kỷ”
Mặt trận Vị Xuyên là chiến trường ác liệt chống quân xâm lược, diễn ra trong suốt 10 năm (1979-1989). Hàng trăm trận chiến đấu đã diễn ra rất quyết liệt, nhiều cán bộ chiến sĩ ở mọi miền đất nước và đồng bào ta đã hy sinh trên mảnh đất này. Đây là cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn nhất kể từ sau khi Viêt Nam đánh thắng Mỹ.
Để chống lại cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ hai của Trung Quốc, trong 5 năm (từ 1984 đến 1989), Việt Nam chúng ta cũng đã lần lượt huy động tới hàng chục sư đoàn chủ lực, các trung đoàn bộ binh địa phương, đặc công; một số trung đoàn, lữ đoàn pháo binh, công binh, hóa học… hàng vạn dân quân, du kích tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Vị Xuyên, hàng chục vạn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến phục vụ cho mặt trận Vị Xuyên.
Từ năm 1984 đến năm 1989, chiến sự xảy ra ác liệt ở xã Thanh Thủy, Minh Tân, Thanh Đức … thuộc huyện Vị Xuyên, xã Bạch Đích, Phú Lũng thuộc huyện Yên Minh (Hà Giang). Tại mặt trận Vị Xuyên, đã có hơn một chục sư đoàn bộ binh, sư đoàn bộ binh luân phiên tham gia chiến đấu. Các đơn vị bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương, dân quân tự vệ đã quyết tâm chiến đấu, giành giật với địch từng chiến hào, từng cao điểm để giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.
Đối với Vị Xuyên, có thể nói, từ sau ngày 18/3/1979, gần chục năm ròng, chưa khi nào Vị Xuyên ngớt tiếng pháo, đạn, súng cối từ bên kia biên giới rót sang. Từ một địa bàn được xác định là thứ yếu, Vị Xuyên nhanh chóng trở thành điểm nóng, một mặt trận trọng điểm trong chính sách “gặm nhấm” biên giới Việt Nam của quân Trung Quốc thời điểm đó.
Ác liệt nhất, có đợt, chỉ trong 3 ngày, Trung Quốc đã bắn hơn 100.000 quả đạn pháo vào khu vực Vị Xuyên về đến thị xã Hà Giang. Cả 5 năm, Trung Quốc đã bắn vào mặt trận Vị Xuyên hơn 1,8 triệu viên đại bác.
Sau khi kết thúc cuộc chiến tranh này, ta đo lại, có ngọn núi bị đánh bạt đi hơn 3m. Ác liệt đến mức mà anh em gọi đó là “lò vôi thế kỷ”. Trong đó, nhiều trận đánh giành, giữ đất của quân và dân ta diễn ra vô cùng quyết liệt trên các cao điểm: 1509, 1100, 772, 685, Đồi Đài, Cô Ích… ta đã tiêu diệt và làm bị thương hàng vạn quân Trung Quốc, buộc họ phải rút quân về bên kia biên giới. Thắng lợi rất oanh liệt nhưng tổn thất của chúng ta cũng rất to lớn. Hơn 4000 cán bộ, chiến sĩ, đồng bào ta đã anh dũng hy sinh mà phần lớn trong số họ mới trên dưới 20 tuổi. Hàng ngàn người bị thương, hàng trăm thôn bản bị xóa sạch. Hàng ngàn héc ta ruộng vườn, đồi núi bị cày xới, đầy bom mìn, vật nổ… Đến nay, vẫn còn hàng ngàn liệt sĩ nằm rải rác trên khắp chiến trường Vị Xuyên mà chúng ta chưa tìm được hài cốt, nhiều mộ liệt sĩ chưa có tên trong nghĩa trang…
Có thể nói, trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở phía Bắc, quân và dân ở Vị Xuyên là những người “đi trước về sau”. Ngay từ những ngày đầu tiên của cuộc chiến đấu, với lực lượng vũ trang địa phương là chủ yếu, quân dân nơi đây đã kiên cường bám trụ chiến đấu, bẻ gãy và đầy lui hàng chục cuộc tiến công của quân Trung Quốc; giữ vững được trận địa phòng ngự…
Năm 1989 Trung Quốc ngừng bắn pháo vào mặt trận Vị Xuyên. Ngày 15/5/1989, kẻ địch bắt đầu nổ mìn phá công xưởng ở cao điểm 233 và một số nơi khác, bắt đầu rút quân. Cụ thể là từ 7h sáng ngày 15/5/1989, quân Trung Quốc cho nổ mìn đồng loạt phá bỏ hơn 20 căn hầm kiên cố ở một số điểm cao mà họ đang chiếm giữ trên lãnh thổ Việt Nam, thuộc tuyến biên giới huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Tuyên, nay thuộc tỉnh Hà Giang. Cũng từ ngày đó, hai bên đã ngừng bắn trên toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam. Đến tháng 10/1989, Trung Quốc rút hết quân khỏi đất Việt Nam, kết thúc 5 năm lấn chiếm biên giới Vị Xuyên, 10 năm tấn công xâm lược Việt Nam (2/1979 – 10/1989).
Đến năm 1990, cuộc chiến mới thực sự kết thúc rồi bình thường hóa quan hệ hai nước vào năm 1991.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy
Trích “Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên”