+
Aa
-
like
comment

Lo Việt Nam dính “vết xe đổ” của kỳ vọng: Bỏ thuế linh kiện, giá ô tô vẫn cao

07/12/2019 07:01

Việt Nam bỏ thuế nhập khẩu xe hơi từ các nước ASEAN từ năm 2018 song hầu hết các loại xe nhập vào Việt Nam không hề rẻ mà còn đắt hơn khi bán tại Malaysia, Indonesia, Thái Lan hay Philippines. Bỏ thuế thời gian qua mới chỉ có lợi cho doanh nghiệp, còn người tiêu dùng Việt vẫn bỏ ngỏ.

Bỏ thuế không hạ giá xe: Các hãng đang thách thức người tiêu dùng?

Từ ngày 1/1/2018, Việt Nam thực hiện việc bãi bỏ thuế nhập khẩu đối với xe hơi các nước ASEAN nếu các đối tác nhập khẩu chứng minh được chiếc xe có tỷ lệ nội địa hoá tối thiểu 40%. Bắt đầu từ năm 2018 thay vì thuế nhập khẩu 30% như năm 2017, các dòng xe Thái Lan, Indonesia, Malaysia hay Philippines được nhập vào Việt Nam với thuế suất thuế nhập khẩu 0%.

Cùng thời điểm này, Nghị định 116 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh, sản xuất và buôn bán ô tô được áp dụng, có rất nhiều ràng buộc, khó khăn và tốn kém thời gian, tiền bạc cho doanh nghiệp. Việc chính sách tác động lên lượng xe nhập là có và được xem là nguyên nhân chính khiến lượng xe nhập 6 tháng đầu năm 2018 giảm trên 50% so với cùng kỳ.

Lo Việt Nam dính “vết xe đổ” của kỳ vọng: Bỏ thuế linh kiện, giá ô tô vẫn cao - 1
Bỏ thuế nhập 30% không khiến giá xe tại Việt Nam giảm, đây được xem là “bi kịch” thị trường và cú sốc với kỳ vọng của người dân Việt

Tuy nhiên, cũng lợi dụng chính sách Nghị định 116 của Chính phủ và Thông tư 03 của Bộ GTVT về hướng dẫn thực hiện còn nhiều vướng mắc, các doanh nghiệp nhập khẩu xe hơi đã cố tình không thực hiện giảm giá các dòng xe nhập như kỳ vọng của người tiêu dùng.

Đi đầu trong việc gây thất vọng thị trường xe nhập lúc bấy giờ là Honda, với nhiều con cưng nhập khẩu như CRV, HRV, BRV, tiếp sau đó là Ford Ranger, Toyota Fortuner, Rush, Avanza hay Camry, rồi đến các dòng xe giá bình dân khác của Mitsubishi, Nissan cũng không có dấu hiệu giảm giá bán, bất chấp thuế giảm từ 30% về 0%.

Từ suốt năm 2018, hầu hết các thương hiệu xe hơi nhập khẩu tại Việt Nam đều không giảm giá, lý do được giải thích là các mẫu xe nhập về Việt Nam phải lưu kho, vượt qua nhiều vòng sát hạch tại Việt Nam, cộng thêm các chi phí về quảng cáo, tiếp thị và chi phí vận chuyển… Vì vậy, các mẫu xe nhập không thể giảm giá.

Thực tế, việc giải thích xe nhập không giảm tương ứng với bỏ thuế không có gì lạ đến từ các hãng bởi trong trường hợp giá xe không giảm thì nhiều dòng xe “hot” trên thị trường vẫn có doanh số cao, được người Việt mua nhiều.

Cụ thể như Honda CRV, Toyota Fortuner hay Ford Ranger vẫn có doanh số bán rất cao cho dù không giảm giá khi thuế nhập được bãi bỏ. Các dòng xe chỉ giảm giá mạnh khi có mẫu xe mới ra mắt, các mẫu xe cũ hoặc được giảm giá để bán đẩy hàng tồn, hoặc các mẫu xe ế khách được khuyến mãi để cứu doanh số cả năm cho doanh nghiệp.

Hy vọng nhiều, thất vọng lắm!?

Theo rất nhiều chuyên gia về công nghiệp ô tô, để có một thị trường xe hơi giá rẻ phải đáp ứng tiêu chí như: quy mô thị trường đủ lớn, chi phí sản xuất xe thấp và đặc biệt có những dòng xe chiến lược của thị trường, có doanh nghiệp dẫn đầu…

Đối với quy mô thị trường, Việt Nam hiện là nước có gần 100 triệu dân, tầng lớp thị dân, người giàu có tại nhiều địa phương đang tăng lên và nhu cầu mua sắm, sử dụng xe hơi đang rất lớn. Các mẫu xe mới có giá từ 400 đến dưới 1 tỷ đồng đang là nhu cầu rất lớn của người dân Việt Nam, cho dù mức giá xe này so với thu nhập bình quân/người đang rất lớn.

Lo Việt Nam dính “vết xe đổ” của kỳ vọng: Bỏ thuế linh kiện, giá ô tô vẫn cao - 2
Người Việt đang kỳ vọng bỏ thuế nhập khẩu linh kiện xe hơi sẽ giúp Việt Nam có được những chiếc xe giá phù hợp với túi tiền người Việt

Nếu mặt bằng giá xe chung giảm xuống, cơ hội của người mua nhiều hơn, chắc chắn thị trường xe hơi sẽ mở rộng về quy mô và các hãng sản xuất không lo không bán được xe.

Đối với chi phí, đây có lẽ được xem là điểm hạn chế lớn nhất cho Việt Nam, do là nước đi sau, các chuỗi sản xuất rời rạc, doanh nghiệp Việt còn yếu về công nghiệp hỗ trợ nên hầu hết các hãng xe Việt vẫn phải nhập nguyên liệu về nước láp ráp, khiến chi phí sản xuất cao, giá thành lớn, cản trở sự phát triển.

Đối với dòng xe chiến lược, Việt Nam hiện không có dòng xe chiến lược cho thị trường, phân khúc nào cũng có từ xe nhỏ hatchback, đến sedan, đến xe đa dụng đô thị. Trong khi đó, Thái Lan là nước có xe chiến lược là pickup – bán tải, từ đây phát triển nhiều mẫu xe khác nhau, rất thuận lợi để công nghiệp hoá sâu rộng ngành xe hơi.

Về doanh nghiệp đủ tầm, loanh quanh nhiều năm Việt Nam đã thất bại với chính sách giao cho liên doanh Toyota, Honda, Ford phát triển ngành xe hơi trong khi không biết rằng các ông lớn này cũng xây dựng liên doanh ở Thái Lan, Indonesia… những nước có lợi thế hơn Việt Nam.

Việc giao nhầm nguồn lực vào tay các liên doanh không có ý định phát triển ngành xe hơi Việt lớn mạnh đã khiến ngành ô tô ở Việt Nam thui chột, mất phương hướng. Chỉ khi các doanh nghiệp tư nhân lớn của Việt Nam ra đời như Thaco – Trường Hải; Hyundai – Thành Công (TCMotor) hay VinFast mới đây, người ta mới thực sự tin rằng Việt Nam có thể phát triển ngành xe hơi đúng hướng, đúng nghĩa.

Tuy nhiên, bối cảnh ngành xe hơi Việt đã và đang gặp thách thức rất lớn là mở cửa. Việt Nam mở cửa với ASEAN từ năm 2018 và đang mở cửa với xe hơi từ các thị trường EU, trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU. Nếu không có điều gì bất thường xảy ra, từ nay đến 2030, Việt Nam sẽ phải bỏ thuế theo lộ trình từ 70 – 75% hiện nay xuống 0% (năm 2030).

Hiện, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cùng Chính phủ đang xem xét ra chính sách bỏ thuế nhập linh kiện xe hơi lắp ráp mà trong nước chưa sản xuất được. Nếu điều này xảy ra, chắc chắn các doanh nghiệp xe hơi sẽ rất có lợi nhưng đây mới là điều kiện cần để xe Việt giảm giá, còn điều kiện đủ là phải xuất phát từ đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp khi họ được ưu đãi và trả lại sự ưu đãi đó cho thị trường và người tiêu dùng cuối cùng. Nếu doanh nghiệp được hưởng ưu đãi của Nhà nước mà vẫn không giảm giá xe, có thể sẽ là sự thất bại tiếp theo của chính sách cho ngành ô tô Việt Nam.

Nguyễn Tuyền/Dân Trí

Bài mới
Đọc nhiều