+
Aa
-
like
comment

Lộ trình sáp nhập 3 quận để thành lập TP Đông thuộc TP HCM thực hiện thế nào?

21/05/2020 18:18

So với phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TP giai đoạn 2019-2021 trước đây, lần này Sở Nội vụ bổ sung việc sáp nhập 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức để hình thành đơn vị hành chính là thành phố trực thuộc TP HCM.

Sở Nội vụ TP HCM vừa có tờ trình gửi UBND TP về phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TP giai đoạn 2019-2021.

Rõ Lý do đưa việc sáp nhập 3 quận vào phương án sắp xếp đơn vị hành chính

Ngoài việc giữ nguyên phương án sắp xếp đối với 19 đơn vị hành chính cấp phường như trước đây, Sở Nội vụ cho biết trong phương án lần này có bổ sung việc sáp nhập 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức để hình thành đơn vị hành chính là thành phố trực thuộc TP HCM (tạm gọi là thành phố phía Đông).

Việc sáp nhập 3 quận ở phía Đông là để xây dựng Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP nhằm phát huy những lợi thế về vị trí mang tính cửa ngõ, các hạ tầng dịch vụ sẵn có như các khu đại học (đào tạo bậc cao), Khu công nghệ cao (sản xuất tiên tiến), Khu đô thị mới Thủ Thiêm (trung tâm tài chính và kinh doanh) và hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung đã và đang được hoàn thiện như Xa lộ Hà Nội, cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây, tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên, đường Phạm Văn Đồng…).

Lộ trình sáp nhập 3 quận để thành lập TP Đông thuộc TP HCM thực hiện thế nào? - Ảnh 1.
Phương án lần này có bổ sung việc sáp nhập 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức để hình thành đơn vị hành chính là thành phố trực thuộc TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU

TP phía Đông được kỳ vọng sẽ trở thành khu vực dẫn dắt kinh tế, với mũi nhọn là ngành kinh tế tri thức, trung tâm đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển của TP HCM và vùng Đông Nam Bộ.

Theo Sở Nội vụ, việc quy hoạch Khu đô thị sáng tạo, tương tác phía Đông TP cũng phù hợp với định hướng phát triển không gian Vùng TP HCM được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 2076/2017 và các nhiệm vụ, giải pháp được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 950/2018 về Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030.

Về tiêu chuẩn đơn vị hành chính, cả 3 quận đều đạt 100% tiêu chuẩn dân số và diện tích. Sau khi sáp nhập 3 quận này sẽ hình thành đơn vị hành chính là thành phố phía Đông trực thuộc TP HCM, có tiêu chuẩn quy mô dân số hơn 1 triệu người, diện tích tự nhiên gần 212 km2; có 34 đơn vị hành chính phường trực thuộc (gồm 9 phường còn lại sau khi sắp xếp của quận 2; 13 phường của quận 9 và 12 phường của quận Thủ Đức).

Liên quan đến việc thành lập thành phố trực thuộc TP HCM, hồi tháng 4-2020, UBND TP đã xin ý kiến Bộ Xây dựng về vấn đề này.

Phúc đáp UBND TP, Bộ Xây dựng cho biết việc đề xuất sáp nhập quận 2, 9 và Thủ Đức đã áp dụng quy định khuyến khích việc sắp xếp các đơn vị hành chính không thuộc diện quy định để giảm số lượng đơn vị hành chính phù hợp với quy định của Nghị quyết số 653 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021. Tuy nhiên, hiện TP chưa hoàn thành xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tại TP giai đoạn 2019-2021.

Do đó, Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP chỉ đạo Sở Nội vụ, Sở Xây dựng và các cơ quan có liên quan phối hợp xây dựng hoàn thiện việc lập đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện cấp xã tại thành (trong đó có phương án sáp nhập quận 2, 9 và quận Thủ Đức để thành lập đơn vị hành chính cấp huyện là quận hoặc đơn vị hành chính tương đương).

Dự kiến lộ trình thực hiện

Về lộ trình thực hiện, Sở Nội vụ thông tin sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Nội vụ, UBND TP sẽ chỉ đạo UBND quận, huyện xây dựng Đề án chi tiết sắp xếp đơn vị hành chính xã, phường trên địa bàn phục vụ việc lấy ý kiến cử tri. Nếu có trên 50% tổng cử tri trên địa bàn tán thành, thì UBND cấp xã, cấp huyện tổng hợp, trình HĐND cấp xã, cấp huyện thông qua Phương án.

Trên cơ sở Đề án của các quận, huyện, UBND TP tổng hợp, trình HĐND TP xem xét, thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TP trong giai đoạn 2019-2021.

Ngoài ra, UBND TP sẽ trình HĐND TP thông qua Đề án về cơ chế chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trực tiếp trong quá trình sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế (trong đó có đối tượng dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính).

Sau khi HĐND TP thông qua Đề án, UBND TP hoàn thiện Hồ sơ Đề án để báo cáo Bộ Nội vụ thẩm định trước khi báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Dự kiến thời gian hoàn thành trước ngày 31-12-2020.

Sau khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TP; UBND TP sẽ chỉ đạo việc sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại đơn vị hành chính mới và giải quyết chế độ, chính sách đối với đối tượng dôi dư do sắp xếp; chuyển đổi giấy tờ liên quan cho người dân theo quy định, chỉ đạo và hướng dẫn của các cơ quan Trung ương.

Nguyễn Phan/NLD

Bài mới
Đọc nhiều