+
Aa
-
like
comment

Lo thua Việt Nam, bóng đá Trung Quốc làm điều chưa có tiền lệ với lứa cầu thủ 1999

08/01/2021 14:01

Hiệp hội bóng đá Trung Quốc (CFA) vừa đưa ra một phương án chưa từng có. Dù đang vấp phải nhiều phản đối nhưng nhiều khả năng kế hoạch này sẽ trở thành sự thật.

Lo thua Việt Nam, bóng đá Trung Quốc làm điều chưa có tiền lệ với lứa cầu thủ 1999
Lo thua Việt Nam, bóng đá Trung Quốc làm điều chưa có tiền lệ với lứa cầu thủ 1999

KẾ HOẠCH KHÔNG ĐỊNH TRƯỚC

“Với trình độ và thực lực chung của bóng đá Trung Quốc hiện nay, trước bất kỳ đội bóng nào ở nhóm hạt giống số 1 (Việt Nam, Hàn Quốc, Australia, Thái Lan, Triều Tiên), làm sao chúng ta có thể thắng được? Đây không phải câu hỏi với mục đích coi thường lứa cầu thủ sinh năm 1999, mà là để đối mặt với thực tế”.

Đó là nhận định được tờ Sohu (Trung Quốc) đưa ra, sau khi CFA đưa ra một kế hoạch chuẩn bị dài hơi nhưng cũng gây nhiều tranh cãi, cho U22 Trung Quốc trong năm 2021.

Cụ thể, để chuẩn bị cho vòng loại U23 châu Á 2022 sẽ diễn ra vào tháng 10 năm nay, CFA quyết định sẽ thành lập đội U22 Trung Quốc và cho tham dự China League One 2021 (giải hạng Nhất, xếp dưới Chinese Super League).

Tuy nhiên truyền thông Trung Quốc cho biết đây không phải kế hoạch được tính toán từ trước, mà chỉ là một đề xuất bất ngờ được nêu ra trong cuộc họp của Cục quản lý đội tuyển quốc gia diễn ra tại Hải Khẩu cách đây ít ngày.

Lo thua Việt Nam, bóng đá Trung Quốc làm điều chưa có tiền lệ với lứa cầu thủ 1999 - Ảnh 1.
Cuối tháng 12/2020, U19, U22 và ĐTQG Trung Quốc đều hội quân và tập luyện tại thành phố Hải Khẩu. Ông Chen Xuyuan đã có chuyến công tác tới đây và gặp gỡ với các đội tuyển.

Chủ tịch CFA Chen Xuyuan, HLV ĐTQG Trung Quốc Li Tie đều hưởng ứng với phương án này. Trong khi đó, HLV U22 Trung Quốc Jankovic và trưởng đoàn Yang Chen cũng bày tỏ sự đồng tình.

Họ cho rằng tình hình dịch bệnh còn phức tạp, khiến U22 Trung Quốc khó có thể ra nước ngoài tập huấn. Việc mời các đội bóng quốc tế tới đá giao hữu cũng không dễ dàng. Điều này gây ảnh hưởng lớn tới quá trình chuẩn bị của U22 Trung Quốc cho mục tiêu giành vé lọt vào vòng chung kết U23 châu Á 2022.

Trước đó vào năm 2020, CFA cũng để đội U19 Trung Quốc tham dự China League Two (hạng Nhì). Tuy nhiên đó là một giải đấu hạng thấp, với các cầu thủ trẻ chưa thể lên đội một. Còn với lứa U22, câu chuyện hoàn toàn khác.

Kế hoạch hiện tại của CFA đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, trong đó có việc các CLB có thể sẽ không đồng ý nhả người.

Lo thua Việt Nam, bóng đá Trung Quốc làm điều chưa có tiền lệ với lứa cầu thủ 1999 - Ảnh 2.
MỐI LO CHO LỨA CẦU THỦ 1999

Bình luận về vấn đề này, tờ Sohu đã có những phân tích khá cặn kẽ, đưa ra những góc nhìn đầy đủ về lý do phương án của CFA được người này ủng hộ, nhưng lại bị người kia phản đối.

Trước tiên, Sohu cho rằng với thực lực hiện tại của bóng đá Trung Quốc, nếu không chuẩn bị kỹ càng e rằng đội U22 khó lòng vượt qua được vòng loại giải U23 châu Á.

“Theo thông lệ, AFC sẽ chia vòng loại thành hai khu vực Đông Á và Tây Á, phân loại hạt giống theo kết quả của vòng chung kết trước đó. Tại khu vực Đông Á, các đội bóng được chia thành 5 bảng. Như vậy sẽ có 5 đội thuộc nhóm hạt giống số 1.

Xét theo thành tích ở giải U23 châu Á 2020, U22 Trung Quốc không thể nằm ở nhóm 1, mà những vị trí này thuộc về Hàn Quốc, Australia, Thái Lan, Triều Tiên và Việt Nam. Nhóm hạt giống số 2 sẽ có Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Myanmar và Singapore.

Muốn chắc chắn giành vé, U22 Trung Quốc phải đánh bại được 1 trong 5 đội thuộc nhóm 1 để giành lấy ngôi nhất bảng. Bởi nếu chỉ đứng nhì bảng, việc đi tiếp sẽ rất khó khăn. Chênh lệch múi giờ sẽ khiến các đội Đông Á gặp bất lợi, do khu vực Tây Á thi đấu sau. Cả U16 và U19 Trung Quốc những năm qua đều đã phải nếm mùi thất bại vì chỉ đứng nhì bảng.

Lo thua Việt Nam, bóng đá Trung Quốc làm điều chưa có tiền lệ với lứa cầu thủ 1999 - Ảnh 4.

Nhưng với trình độ và thực lực chung của bóng đá Trung Quốc hiện nay, trước bất kỳ đội bóng nào ở nhóm hạt giống số 1, làm sao chúng ta có thể thắng được? Đây không phải câu hỏi với mục đích coi thường lứa cầu thủ sinh năm 1999, mà là để đối mặt với thực tế.

Trước khi bước vào vòng loại mà không có trận thi đấu quốc tế nào, không được rèn luyện kỹ càng, làm sao chúng ta giải quyết được vấn đề đây? Và đến khi U22 Trung Quốc bị loại, truyền thông và dư luận lại được dịp tổng công kích CFA.

Vậy nên, “làm gì đó” vẫn tốt hơn là “không làm gì cả””, tờ Sohu phân tích.

Lo thua Việt Nam, bóng đá Trung Quốc làm điều chưa có tiền lệ với lứa cầu thủ 1999 - Ảnh 5.
HLV Jankovic của U22 Trung Quốc ủng hộ kế hoạch CFA đưa ra.

Để chứng minh cho luận điểm của mình, cây viết của tờ Sohu đã đưa ra dẫn chứng về việc cách đây vài năm, HLV Okada Takeshi (từng dẫn dắt ĐT Nhật Bản dự World Cup 1998 và 2010) khi tới làm việc tại CLB Hangzhou Greentown đã nhận xét rằng “cầu thủ trẻ Trung Quốc thậm chí trình độ còn không bằng học sinh trung học Nhật Bản”.

Những vấn đề trong đào tạo trẻ khiến cầu thủ Trung Quốc gặp nhiều khó khăn. Trước khi thay đổi được cả một hệ thống, việc trao cơ hội cho đội U19, U22 Trung Quốc thử sức ở một giải đấu chính thức sẽ giúp các cầu thủ trẻ trưởng thành nhanh hơn.

Tuy nhiên kế hoạch của CFA hiện đang vấp phải phản đối của các CLB. Theo thống kê của Sohu, ở danh sách tập trung gần nhất của U22 Trung Quốc, có 2 người đá ở giải hạng Nhì, 8 người chơi ở hạng Nhất, còn lại 14 cầu thủ đang thuộc biên chế các đội Super League trong mùa giải 2020.

CFA muốn các cầu thủ trẻ được thi đấu cùng nhau để vận hành lối chơi một cách trơn tru. Nhưng không phải CLB nào cũng đồng ý nhả người. Các cầu thủ thuộc lứa U22 không phải ai cũng là trụ cột, nhưng họ đều có sự quan trọng nhất định ở CLB của mình.

Hiện tại, các bên vẫn đang tích cực làm việc đề giải quyết những vấn đề mâu thuẫn. Tuy nhiên sự quyết tâm của CFA là rất lớn và rất có thể phương án bất ngờ này sẽ được đưa vào áp dụng.

(Theo Pháp Luật)

Bài mới
Đọc nhiều