+
Aa
-
like
comment

Lo ngại thiếu công bằng trong giáo dục Việt Nam thời kỳ 4.0?

08/12/2020 10:02

Theo các chuyên gia giáo dục, với thực trạng hiện nay, để thực sự bước vào giáo dục 4.0, Việt Nam cần khoảng 15 – 20 năm với sự nỗ lực bền bỉ của nhà nước, ngành và toàn xã hội.

Học sinh tại TP.HCM trong một giờ thực hành trên máy tính /// PHẠM HỮU
Học sinh tại TP.HCM trong một giờ thực hành trên máy tính

Vậy kịch bản khả dĩ nào cho giáo dục 4.0 của Việt Nam?

Từ thực trạng kinh tế – xã hội của nước ta hiện nay, tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến (Học viện Quản lý giáo dục) đã đưa ra 5 thách thức cho giáo dục Việt Nam. Chẳng hạn vẫn còn trên 80% dân số từ 15 tuổi trở lên chưa có trình độ chuyên môn kỹ thuật; thói quen xây dựng hệ thống giáo dục theo chiều rộng; ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong giáo dục vẫn còn bề nổi, tụt hậu so với thế giới; còn nhiều rào cản trong tự chủ nhà trường, thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực và trách nhiệm giải trình.

Bốn kịch bản cho giáo dục

Giáo dục 4.0 của Việt Nam trong tương lai như thế nào là tùy thuộc vào việc xây dựng chính sách và tổ chức thực hiện để phát huy cơ hội và vượt qua các thách thức của kinh tế – xã hội, với sự đan xen cả cơ hội và thách thức. Ông Phạm Đỗ Nhật Tiến đề xuất 4 kịch bản cho giáo dục 4.0 của nước ta.

Kịch bản 1: Việc xây dựng giáo dục 4.0 chủ yếu dừng lại trên văn bản. Nguồn lực, cách thức tổ chức và phương thức quản lý không cải thiện đáng kể, kéo dài tình trạng kém liên thông và khó phân luồng. Giáo dục chính quy vẫn là lựa chọn số một trên con đường học vấn của người dân. Đào tạo tại nơi làm việc, ít quan tâm đào tạo tại doanh nghiệp. Giáo dục phi chính quy không phát triển. Hệ thống giáo dục mở hình thành nửa vời, không đáp ứng yêu cầu đào tạo và đào tạo lại lực lượng lao động.

Kịch bản 2: Có tiến bộ trong khắc phục cung – cầu. Người học có thêm cơ hội trong lựa chọn trường học, cách học. Có sự đa dạng về trường lớp và chương trình giáo dục, xuất hiện cạnh tranh. Cơ sở giáo dục được nhiều quyền tự chủ hơn. Có sự gắn kết giữa thị trường đào tạo và thị trường lao động, chất lượng giáo dục chuyển biến tích cực theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực. Tuy nhiên, sự xóa bỏ rào cản trong đào tạo nguồn nhân lực chuyển biến chậm, gia tăng sự phân tầng, mất công bằng trong hệ thống và người học.

Kịch bản 3: Có sự thay đổi cơ bản trong mạng lưới trường lớp, cách dạy, cách học. Hệ thống giáo dục được tái cấu trúc triệt để cùng với ứng dụng của công nghệ thông tin trong xây dựng hệ thống giáo dục mở. Đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực được mở rộng theo nhiều hình thức. Tuy nhiên mô hình này khó thực hiện vì đòi hỏi nguồn lực lớn, hạ tầng công nghệ thông tin phát triển, quản lý hiện đại. Với cơ chế cung ứng độc quyền, nguồn lực con người và tài chính để xây dựng hệ giáo dục mở bị hạn chế, có xu hướng đổi chất lượng lấy quy mô, giáo dục 4.0 hình thành chậm và kém bền vững.

Kịch bản 4: Hệ thống giáo dục mở không chỉ đối với hệ thống giáo dục quốc dân mà cả mạng lưới toàn xã hội. Có sự liên kết giữa nhà trường, viện nghiên cứu và doanh nghiệp trong cung ứng giáo dục. Cơ chế cạnh tranh lành mạnh cùng với sự tiến bộ công nghệ là chủ đạo và tạo nên sự đa dạng trong tổ chức và hoạt động giáo dục. Người học được cá nhân hóa học tập trong lựa chọn trường học, cách học, chương trình học. Nguồn lực cho giáo dục 4.0 được huy động mạnh mẽ từ thị trường. Giáo dục 4.0 hình thành nhanh hơn. Tuy nhiên, sẽ có nguy cơ không đảm bảo chất lượng và gia tăng mất công bằng xã hội.

Theo ông Tiến, giáo dục Việt Nam đang trong quá trình vận động từ kịch bản 1 sang kịch bản 2, việc cung ứng giáo dục theo chuẩn thị trường, còn việc tổ chức chưa thoát khỏi mô hình truyền thống.

Tiêu cực và mất công bằng sẽ cản trở giáo dục 4.0

Nghị quyết số 19, Hội nghị T.Ư 6 (Khóa XII) xác định mục tiêu: “Đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ hệ thống tổ chức và quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập, đảm bảo tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; giữ vai trò chủ đạo, then chốt trong thị trường dịch vụ sự nghiệp công… Phát triển thị trường dịch vụ sự nghiệp công và thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia dịch vụ sự nghiệp công”. Như vậy, trong định hướng xã hội hóa dịch vụ công, trong đó có giáo dục ở nước ta đã chấp nhận thị trường và phát triển chuẩn thị trường giáo dục.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển giáo dục ở nước ta cũng đã nảy sinh những tiêu cực, nguy cơ mất công bằng trong tiếp cận giáo dục của người dân, làm méo mó thị trường giáo dục, như: hiện tượng gian lận thi cử, mua bán điểm xảy ra ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình năm 2018; hiện tượng bằng giả, chứng chỉ giả, mua bán bài báo quốc tế, xảy ra ở một số trường đại học gần đây; sự mất công bằng học sinh, giáo viên trường công lập và ngoài công lập; bất cập trong xã hội hóa xuất bản sách giáo khoa…

Những tiêu cực này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển giáo dục nói chung, mà còn là trở lực lớn trên con đường tiến tới một nền giáo dục 4.0 đích thực.

PV/TN

Bài mới
Đọc nhiều