+
Aa
-
like
comment

Lo ngại nhiều doanh nghiệp dừng sản xuất vì thiếu nguyên liệu

27/02/2020 06:33

Ngành điện tử chỉ đủ linh kiện cho sản xuất tới giữa tháng 3, dệt may thì chỉ đủ nguyên liệu tới đầu tháng 3, nên có khả năng phải dừng sản xuất lớn.

Chiều 26-2, bộ trưởng Bộ Công thương đã làm việc với Cục Công nghiệp để đánh giá tình hình dịch COVID-19 tác động tới doanh nghiệp (DN) ngành công nghiệp và đề ra giải pháp ứng phó.

Theo ông Trương Thanh Hoài – cục trưởng Cục Công nghiệp, hiện nay các DN điện tử chỉ đủ linh kiện sản xuất tới giữa tháng 3. Còn DN dệt may chỉ còn đủ nguyên liệu sản xuất tới đầu tháng 3, vì thế có khả năng phải dừng sản xuất rất lớn.

Lo ngại nhiều doanh nghiệp dừng sản xuất vì thiếu nguyên liệu - Ảnh 1.
Bộ Công thương họp bàn giải pháp ứng phó trong lĩnh vực công nghiệp – Ảnh: TL

Các DN sẽ phát sinh vốn vay ngân hàng, chi phí trả lương trong thời gian phải tạm dừng và khó khăn về thị trường tiêu thụ. Trong khi đó, Trung Quốc, Hàn Quốc là những thị trường tiêu thụ lượng lớn hàng dệt may. Trường hợp dịch kết thúc trong quý 1, ngành chế biến chế tạo chỉ tăng 6,28%. Quý 2, giá trị ngành công nghiệp tăng thêm 5,33%, chế biến chế tạo 6,63%.

Ông Hoài kiến nghị để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu, linh kiện đầu vào cho sản xuất trong nước, Chính phủ cần có biện pháp khuyến khích DN tìm nguồn nguyên liệu thay thế. Tạo điều kiện cho các chuyên gia quản lý cao cấp người nước ngoài (Trung Quốc) sớm trở lại làm việc tại Việt Nam.

Với chuyên gia của Hàn Quốc thì khó khăn vì nếu sang Việt Nam phải cách ly 14 ngày, trong khi đây là những chuyên gia khó có thể thay thế, nên ông Hoài đề nghị có cơ chế cách ly tại cơ sở công nghiệp với sự giám sát chặt chẽ của y tế địa phương.

“Giai đoạn này khó khăn về tài chính của DN là lớn nhất khi phát sinh chi phí lớn do phải tạm dừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng, đề nghị các ngân hàng giãn nợ cho các khoản vay của DN” – ông Hoài nêu.

Bà Nguyễn Thúy Hiền – phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch – dẫn số liệu tháng 2 cho biết một loạt chỉ số sản xuất công nghiệp, chế biến chế tạo… đều suy giảm so với cùng kỳ 2019. Chỉ số sản xuất công nghiệp 2 tháng tăng 6,2%, giảm khoảng 2% so với cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo chỉ tăng 7,4%, giảm 4% so với cùng kỳ, khai khoáng 1,6%, sản xuất phân phối điện giảm 1% trong 2 tháng đầu năm.

“Tháng 2 nhưng đã thấy sự sụt giảm sản xuất công nghiệp, chế biến chế tạo. Điều này ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng công nghiệp, nền kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu chấm dứt” – bà Hiền nêu. Theo bà Hiền, xuất nhập khẩu tăng 2,4% so với cùng kỳ, tổng mức bán lẻ tăng 8,3% là mức thấp nhất so với cùng kỳ từ 2014.

Bà Hiền cho biết hiện các nước đã có những gói kích cầu kinh tế. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng chưa nhất thiết phải có gói kích cầu lúc này, thay vào đó Thủ tướng sẽ ban hành chỉ thị nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, giữ vững mục tiêu tăng trưởng.

Ông Trần Tuấn Anh – bộ trưởng Bộ Công thương – cho biết ngoài gia công sản xuất, đóng góp vào chuỗi cung ứng, chúng ta cũng đóng góp vào nguồn cung chi tiết sản phẩm để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh. Ngược lại cũng nhập khẩu nhiều linh phụ kiện để sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh. Do đó, tình hình dịch bệnh đã làm ảnh hưởng chuỗi sản xuất công nghiệp phụ thuộc vào sự khống chế dịch bệnh.

“Phải phân tích, dự báo, đưa ra kịch bản ứng phó chứ không thể tiếp tục phụ thuộc bị động khi những tác động, hệ lụy của dịch bệnh ngày càng gay gắt, ảnh hưởng tới nền kinh tế, sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu” – ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Trước tình hình sản xuất dệt may, da giày, điện tử… nguyên liệu chỉ đủ tới tháng 3, ông Trần Tuấn Anh cho rằng trước mắt phải phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, chưa thay đổi ngay được. Bởi dịch bệnh hiện giờ không chỉ diễn ra tại Trung Quốc – đối tác cung ứng quan trọng, Hàn Quốc cũng là thị trường quan trọng các sản phẩm công nghiệp. Do đó, nguy cơ tiếp theo sẽ ảnh hưởng chung tới sản xuất, kinh doanh toàn cầu và ảnh hưởng tâm lý, cầu của các thị trường lớn trên thế giới. Đây là nguy cơ kép.

Bộ trưởng yêu cầu không bi quan, phải đánh giá kỹ lưỡng, chủ động trong phân tích, dự báo. Ngoài các ngành đang chịu tác động rõ rệt trước mắt là dệt may, da giày, điện tử… ông đặt vấn đề là còn bao nhiêu ngành công nghiệp khác cũng bị tác động trong năm 2020 nếu dịch bệnh được khống chế thành công trong nửa đầu năm nay, tác động trực tiếp, gián tiếp là gì?

Ông Trần Tuấn Anh đề nghị Cục Công nghiệp làm việc kỹ hơn với các hiệp hội, DN ngành hàng để đưa ra kịch bản dự báo cặn kẽ, chi tiết hơn. “Nếu tín dụng, lãi suất ngân hàng vẫn như cũ thì DN sẽ chịu đựng được bao lâu? Mức giảm cụ thể thế nào và sẽ có tác động gì?”, ông Tuấn Anh nói và cho rằng các kiến nghị đưa ra cần cụ thể chứ không thể nói chung chung miễn giảm thuế, giảm lãi suất…

N.AN/TT

Bài mới
Đọc nhiều