+
Aa
-
like
comment

Lo ngại mất an ninh trật tự khi miễn thị thực cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển

29/10/2019 21:01

Chính phủ đề xuất miễn thị thực cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển với một số điều kiện, nhiều đại biểu lo ngại tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự.

Chiều 29/10, Bộ trưởng Tô Lâm trình bày với Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Dự Luật này bổ sung quy định miễn thị thực với thời hạn tạm trú 30 ngày cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển (hiện cả nước có 18 khu, bao gồm hai huyện đảo Phú Quốc, Vân Đồn); giao Chính phủ quyết định khu kinh tế ven biển nào được miễn thị thực nếu đáp ứng đủ bốn điều kiện.

Theo đó, điều kiện được nêu ra là khu kinh tế ven biển phải có không gian riêng biệt, có ranh giới địa lý xác định, được cách biệt với lãnh thổ bên ngoài; có sân bay quốc tế; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế – xã hội và không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.

Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt. (Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội)
Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt. (Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội)

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt cho hay, một số đại biểu đề nghị chỉ các khu kinh tế ven biển thuộc huyện đảo như Phú Quốc (hiện đã được áp dụng miễn thị thực 30 ngày), Vân Đồn mới cần quy định rõ điều kiện như nêu trên; còn lại 16 khu kinh tế ven biển trong đất liền cần được áp dụng chính sách miễn thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh tương tự như đối với các khu kinh tế cửa khẩu (không phải kèm theo bốn điều kiện).

Tuy nhiên, Ủy ban Quốc phòng An ninh cho rằng, Việt Nam có rất nhiều khu kinh tế ven biển trong đất liền, diện tích rộng, trải dài theo chiều dọc của đất nước, cách xa sân bay và nhiều nơi ở vị trí chiến lược về quốc phòng – an ninh. Vì vậy, nếu tất cả đều miễn thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh sẽ tiềm ẩn các nguy cơ, gây khó khăn trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự và quản lý hoạt động của người nước ngoài.

Ông Việt giải thích, sở dĩ quy định hiện hành cho phép các khu kinh tế cửa khẩu miễn thị thực vì có vị trí giáp biên giới, phạm vi hẹp, gần cửa khẩu nên quản lý người nước ngoài nhập cảnh vào khu vực này thuận lợi hơn.

“Việc miễn thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh vào các khu kinh tế ven biển phải kèm theo các điều kiện chặt chẽ,  giao Chính phủ quyết định danh sách cụ thể là bảo đảm sự linh hoạt và phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay”, ông Việt nhấn mạnh.

Đại biểu Vũ Trọng Kim. (Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội)
Đại biểu Vũ Trọng Kim. (Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội)

Góp ý kiến, đại biểu Vũ Trọng Kim cho rằng, quy định người nước ngoài vào khu vực kinh tế ven biển không cần thị thực là “khó chấp nhận, rất nguy hiểm”.

Ông Kim phân tích, đường biển không có đường mòn như trên bộ nên không biết họ vào theo hướng nào, biển cũng không có cửa khẩu kiểm soát; nếu như miễn thị thực thì các lực lượng sẽ giám sát, kiểm soát như thế nào. “Vào khu kinh tế ven biển mà không cần thị thực thì khác nào mở toang phên dậu? Tôi cho rằng quy định như vậy là vô lý, không thể chấp nhận”, ông Kim nói.

Chung ý kiến, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói cần phải có những quy định chặt chẽ và “không lo chặt thì người nước ngoài không vào”. Theo ông, không quản lý tốt việc nhập cảnh, xuất cảnh của người nước ngoài mới dẫn đến các hệ luỵ không mong muốn.

“Người ta đi du lịch thường muốn đến một nước ổn định. Nếu từ khâu đầu vào quản lý không tốt, nay bị tấn công, mai bị cướp của thì mới làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Việt Nam”, ông nói.

Ông Nhưỡng cho rằng, cùng với việc thắt chặt xuất nhập cảnh, công tác quản lý người nước ngoài ở các địa phương cần làm tốt hơn, tránh trường hợp như Hải phòng, người Trung Quốc thành lập Our City, mấy trăm người cư trú, vi phạm pháp luật ở đó mà cơ quan quản lý không biết.

Đây là lần đầu tiên dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được trình Quốc hội xin ý kiến. Ngày 14/11, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường, dự kiến thông qua Luật này vào ngày 25/11.

(Theo VTC News)

Bài mới
Đọc nhiều