+
Aa
-
like
comment

Lo ngại lãng phí khi đầu tư tuyến đường sắt 100 nghìn tỷ đồng

28/11/2019 10:47

Một số chuyên gia cho rằng tuyến Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng đã có hệ thống đường bộ cao tốc khá tốt, đầu tư đường sắt lúc này sẽ lãng phí.

Bộ Giao thông Vận tải đang nghiên cứu quy hoạch đường sắt dài 392 km qua 8 tỉnh, thành theo hướng tuyến Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng; tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 100.000 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất toàn dự án hơn 1.654 ha.

Giải thích sự cần thiết của quy hoạch này, Bộ Giao thông Vận tải cho hay trên hành lang Đông – Tây, tuyến đường sắt hiện hữu đã xây dựng từ thời Pháp thuộc (khổ đường 1.000 mm), kết nối với Trung Quốc tại Hà Khẩu. Trong khi đó, chiến lược và quy hoạch của ngành giao thông đã nêu rõ định hướng phát triển tuyến đường sắt mới Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, đường đôi khổ 1.435 mm.

Tuyến đường sắt Yên Viên – Lào Cai hiện hữu có khổ đường 1.000 mm. Ảnh: Giang Huy.

“Đây là tuyến đường sắt có vị trí quan trọng trong việc hình thành mạng lưới vận tải ở phía Bắc sông Hồng, nối liền vùng Tây Bắc với vùng đồng bằng và cảng biển Hải Phòng – một trong những trung tâm hàng hải lớn nhất Việt Nam”, Bộ Giao thông Vận tải nêu.

Về lộ trình, một lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay, hiện nay đang ở bước “nghiên cứu lập quy hoạch” để làm cơ sở dành quỹ đất, tạo tiền đề triển khai các bước tiếp theo như: Nghiên cứu tiền khả thi, lập dự án đầu tư, thực hiện dự án… “Khi lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, các phần việc liên quan sẽ được xem xét thận trọng, tham khảo ý kiến nhân dân, chuyên gia, các bộ ngành, địa phương và khả năng huy động vốn trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét”, vị này nói.

Đánh giá bước đầu về quy hoạch trên, tiến sĩ Lê Đăng Doanh – Nguyên Viện trưởng quản lý kinh tế Trung ương nói, đầu tư lớn cho tuyến đường sắt trong khi lưu lượng hành khách, hàng hóa chưa lớn sẽ gây lãng phí. Bộ Giao thông Vận tải cần nhìn vào thực tế, đơn cử như dự án đường sắt Yên Viên (Hà Nội) – cảng Cái Lân (Hạ Long) được đầu tư tới 3.400 tỷ đồng song vẫn dang dở, không đạt mục tiêu tốc độ chạy tàu và vắng khách.

“Chúng ta đã trả giá với nhiều dự án đường sắt kém hiệu quả, vì vậy không thể đầu tư cho một tuyến đường sắt mà căn cứ không rõ ràng”, ông Lê Đăng Doanh nói.

Ngoài ra, ông Doanh cho rằng Việt Nam cần xem xét kỹ lưỡng khả năng huy động vốn để xác lập thứ tự ưu tiên trong đầu tư hạ tầng. Hiện nhiều dự án giao thông cấp bách đang đòi hỏi nguồn vốn lớn như đường bộ cao tốc Bắc Nam, sân bay Long Thành, mở rộng các sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài…

Theo ông Doanh, đơn vị tư vấn Trung Quốc có thể đưa ra các con số hiệu quả đầu tư để thuyết phục Việt Nam xây dựng tuyến đường sắt nêu trên, tạo thuận lợi cho họ chuyển hàng hóa từ Côn Minh đến Hải Phòng. Do đó, Bộ Giao thông Vận tải cần thuê tư vấn độc lập đánh giá quy hoạch, tính toán lại lưu lượng hành khách và hàng hóa.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận xét, hệ thống đường bộ cao tốc phía Bắc đã khá hiện đại, nhất là tuyến Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Hải Phòng…, do vậy việc xây mới tuyến đường sắt lúc này có thể dẫn đến dư thừa hạ tầng.

“Vận tải đường sắt giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp, song việc đầu tư lên đến 100.000 tỷ đồng là rất lớn nên chúng ta phải xem xét có thực sự cần thiết đầu tư không”, ông Ngô Trí Long nói.

Trái với quan điểm trên, ông Trần Thiện Cảnh – Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam  cho rằng, nếu không xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng thì đường sắt Việt Nam có nguy cơ bị loại ra khỏi giao thông xuyên Á. “Nhiều nước trong khu vực đã có tuyến đường thông với nhau và thông với Trung Quốc”, ông Cảnh cho hay.

Tuy nhiên, ông Cảnh cũng đề xuất, quy hoạch đường sắt mới đi theo hướng tuyến Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân (Quảng Ninh) để tận dụng được tuyến Yên Viên – Hạ Long đang dang dở, vừa kích thích phát triển kinh tế – xã hội vùng Quảng Ninh – Hải Phòng. Ông cho rằng, về lâu dài nên làm đường đôi, khổ 1.435 mm toàn tuyến, song trước mắt chỉ cần làm đường đơn vì “nguồn lực không có, hơn nữa nhu cầu vận tải chưa lớn”.

Quy hoạch tuyến đường sắt 100.000 tỷ đồng xây dựng theo hướng Đông qua 8 tỉnh, thành gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng; kết thúc tại cảng Lạch Huyện (Hải Phòng). Trên tuyến có 73 cây cầu lớn với chiều dài hơn 130 km, 25 hầm dài 25 km, 38 nhà ga, trong đó xây mới 29 nhà ga. Dự báo năng lực vận tải là 10 triệu tấn hàng hóa/năm và khai thác 15 đôi tàu/ngày.

Đoàn Loan/VnExpress

Bài mới
Đọc nhiều