Lo ngại cơ quan thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý người nước ngoài
Câu chuyện 380 người Trung Quốc tham gia tổ chức điều hành các website tổ chức cho công dân Trung Quốc đánh bạc trực tuyến tại “thánh địa” Our City thuộc quận Dương Kinh vừa bị triệt phá để lại câu hỏi thắc mắc về việc quản lý, giám sát người nước ngoài trên địa bàn như thế nào?
“Mượn đất” để phạm tội
Our City (dịch ra tiếng Việt: Thành phố của chúng ta), là Khu đô thị do Công ty TNHH Hiệp Phong Việt Nam, thuộc Tập đoàn Hiệp Phong (Qiafeng) HồngKông làm chủ đầu tư.
Chiều 28/7 Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) phối hợp với Công an Hải Phòng đã phát hiện hơn 380 người Trung Quốc tham gia tổ chức điều hành các website tổ chức cho công dân Trung Quốc đánh bạc trực tuyến qua cá cược thể thao, dự đoán kết quả xổ số, đánh số lô đề…
Nhà chức trách xác định đây là tổ chức tội phạm núp bóng “vỏ bọc” của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Các nghi phạm chia từng nhóm nhỏ, mọi hoạt động khép kín và gần như không tiếp xúc với người ngoài. Ước tính hơn 3 tỷ nhân dân tệ (khoảng 10.000 tỷ đồng) đã được giao dịch trên hệ thống
Công an Hải Phòng cho hay 12 công ty Trung Quốc đã thuê “căn cứ” trong khu đô thị Our City làm địa điểm đặt máy chủ điều hành đường dây đánh bạc xuyên quốc gia. Đường dây đánh bạc hoạt động được khoảng 6 tháng. Thu giữ gần 2.000 điện thoại thông minh, hơn 530 máy tính các loại, nhiều thẻ ngân hàng, tiền mặt, cùng nhiều đồ vật. Hiện, đây là vụ án có số lượng người nước ngoài và số tiền đánh bạc, cá cược trên mạng lớn nhất tại Việt Nam.
Tương tự, trước đó ở Đà Nẵng, ngày 19/12, công an quận Sơn Trà phối hợp với các phòng nghiệp vụ của công an thành phố ập vào kiểm tra ngôi nhà số 72 đường Dương Vân Nga (phường Nại Hiên Đông), công an bắt quả tang 15 người Trung Quốc và sáu người Việt Nam đang đánh bạc qua mạng. Kiểm tra số tài khoản đang tham gia đánh bạc, lực lượng chức năng ghi nhận số tiền nhân dân tệ tương đương 5 tỷ đồng Việt Nam
Đặc điểm chung của các đối tượng này là nhóm người này có biểu hiện nghi vấn như sử dụng nhiều thiết bị vi tính, điện thoại di động và sim 4G (không sử dụng dịch vụ đường truyền cố định của bất kỳ nhà mạng nào). Tất cả cửa sổ đều đóng kín, kéo rèm.
Để vận hành hoạt động hệ thống máy móc này, các nhân viên phải chia làm nhiều ca. Sau mỗi ca làm việc lại, các nhân viên được thay thế người mới, nhưng gần như tuyệt đối không được đi ra ngoài mà chỉ được sinh hoạt trong khu đô thị, nơi được thuê.
Đây là bức tranh chung của tội phạm xuyên biên giới, xuyên quốc gia. Giống như ở Pháp, họ cũng bắt rất nhiều tội phạm của các nước Trung Đông, Ả Rập. Ở các nước châu Á cũng vậy, tổ chức tội phạm Trung Quốc hoành hành không chỉ ở Việt Nam mà ở cả Lào và Campuchia, Malaysia, Singapore…
Nó là vấn đề của quá trình toàn cầu hóa, diễn ra trong thời đại không gian mạng xã hội phát triển, liên lạc với nhau quá dễ dàng.
Hoưn nữa, Việt Nam là nền kinh tế chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường; Cải cách pháp luật chưa hoàn chỉnh; Việc thi hành pháp luật còn nhiều bất cập; Các cơ quan nhà nước thiếu kinh nghiệm đối với tội phạm có tổ chức và thị trường tội phạm…nên việc các đối tượng người nước ngoài “mượn đất” để phạm tội cũng là lẽ đương nhiên.
Bài toán quản lý
Việc quản lý người nước ngoài phần lớn trên giấy tờ để lại nhiều bất cập, trong đó có hiểm họa an ninh cho địa phương và quốc gia
Một vấn đề được đặt ra ở đây là liệu đang có tình trạng người nước ngoài “mượn đất” Việt Nam để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật? Có trường hợp tổ chức tội phạm được tổ chức trong “vỏ bọc” của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Họ dùng vỏ bọc là các công ty đầu tư FDI vào Việt Nam hoặc các công ty liên doanh.
Hoặc trường hợp ở Our City vừa bị triệt phá đa phần vào Việt Nam bằng con đường du lịch, nó đều khiến cho chúng ta rất khó phát hiện các hoạt động phạm pháp.
Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo quận Dương Kinh cho biết, chủ đầu tư khu đô thị Our City là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, được quản lý ở cấp thành phố. “Quận muốn làm việc thì phải đặt lịch. Có lần chúng tôi đến kiểm tra công tác phòng chống bão thì cũng vào ban quản lý của họ đặt lịch rồi họ bố trí người tiếp, đến chiều mới làm việc”.
Công tác quản lý cư trú đối với người nước ngoài tại khu đô thị Our City gặp nhiều phức tạp do có nhiều đầu mối cùng tham gia như: BQL Khu kinh tế, Công an thành phố, Sở Ngoại vụ thực hiện. Trong khi đó, người nước ngoài sinh sống trên địa bàn phường nhưng chính quyền, công an khu vực, tổ dân phố không nắm rõ họ là ai, ở đến khi nào và đến để làm việc gì.
Tuy nhiên, nếu nói về trách nhiệm trong sự vụ này thì chưa nói đến cơ quan quản lý ở địa phương, ngay cả cơ quan du lịch (Tổng cục Du lịch, các công ty du lịch, lữ hành) của ta cũng chưa làm hết trách nhiệm. Họ đưa người nước ngoài vào Việt Nam nhưng không hề làm tròn trách nhiệm của mình, nên họ phải chịu trách nhiệm trước.
Vậy là đã rõ vì sao mà đường dây đánh bạc với hàng trăm người Trung Quốc tham gia điều hành này lại có thể ngang nhiên tồn tại một thời gian dài mới bị phát hiện. Bởi sự thiếu trách nhiệm của đơn vị làm du lịch lữ hành, cùng với cách quản lý mà chính quyền địa phương muốn đến kiểm tra công tác phòng chống bão phải đặt lịch, khi nào có người tiếp đón mới được vào thì đã đủ hiểu, phía những người Trung Quốc cư trú tại đây có toàn quyền với việc họ “phô ra” cho chính quyền địa phương thấy những gì.
Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược (Bộ Công an) cho rằng: “Để xảy ra việc gì cũng phải sửa mình trước, “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, mình làm sơ hở, lỏng lẻo thì đương nhiên họ lợi dụng thôi. Tội phạm nước ngoài lợi dụng được là do ta yếu kém và sơ hở”.
Một con số thống kê cho thấy, có gần 400.000 người nước ngoài đang làm ăn sinh sống tại Việt Nam (trong đó số người mang quốc tịch Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc chiếm khoảng 40%). Trong vấn đề quản lý, chúng ta cần tổng rà soát, kiểm kê lại các văn bản pháp luật liên quan đến cho người nước ngoài sử dụng, sở hữu nhà đất, bất động sản xem có chỗ nào sơ hở không. Cái này Bộ Công an, Xây dựng và Nội vụ, Ngoại giao… cần ngồi lại với nhau, vì việc này không phải trách nhiệm của riêng cơ quan nào cả.
Đối với tội phạm xuyên quốc gia, chúng ta đừng lo việc xử lý sẽ ảnh hưởng đến yếu tố ngoại giao, vì đã là tội phạm thì không có bất cứ quốc gia nào dung túng cả. Về nguyên tắc ngoại giao được công khai, nước nào cũng khẳng định quyết tâm chung tay phòng chống tội phạm.
Nhưng cũng từ đây, chúng ta phải xem về phía người Việt Nam có ai tiếp tay cho hoạt động này không để giải quyết triệt để. Nếu chỉ có người Trung Quốc hoạt động phạm pháp là chuyện khác, nhưng biết đâu đằng sau đó có người Việt bao che, bảo kê, tạo điều kiện cho tội phạm nước ngoài lộng hành.
Nếu không có chuyên án của Bộ Công an và công an Hải Phòng để tìm ra đường dây đánh bạc này, hẳn là con số những người Trung Quốc sang tham gia hoạt động phi pháp này đông hơn nữa mà chính quyền địa phương cũng không thể kiểm soát nổi.
Chúng ta quản lý công dân trong nước rất chặt chẽ, song việc quản lý hoạt động của người nước ngoài dường như quá lỏng lẻo. Kiểu quản lý con số người nước ngoài “trên giấy tờ” thế này, nếu có những hiểm họa về an ninh cho địa phương, quốc gia thì chắc chắn hậu quả sẽ rất nặng nề.
(Theo Bút Danh)