+
Aa
-
like
comment

Lo ngại bong bóng khi dòng tiền đổ mạnh vào bất động sản

01/04/2021 09:52

Hiện tượng dòng vốn vào thị trường không thực sự để phục vụ mở rộng sản xuất, kinh doanh đang gây nhiều lo ngại về rủi ro bong bong bóng. 

Sau Tết, giá đất tại nhiều địa phương sôi sục, trung bình tăng 10% sau một tháng, cá biệt, có nơi tăng 2-3 lần trong 1-2 tháng, theo khảo sát của Hội môi giới bất động sản. Hội này cũng thông tin, nhiều nơi người dân bỏ kinh doanh, bỏ sản xuất, rút tiền gửi ngân hàng để đầu tư vào đất. Cơn sốt đất từ Bắc đến Nam khiến đặt ra nhiều lo ngại rủi ro khi dòng tiền đang đổ mạnh vào bất động sản, sau chứng khoán nửa cuối năm 2020.

Một mảnh đất mặt tiền đường liên xã Tân Lợi - An Khương, huyện Hớn Quản rao bán trong cơn sốt đất cuối tháng 2/2021. Ảnh: Phước Tuấn.
Một mảnh đất mặt tiền đường liên xã Tân Lợi – An Khương, huyện Hớn Quản rao bán trong cơn sốt đất cuối tháng 2/2021.  

Lo ngại này cũng được Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu tại phiên họp Chính phủ ngày 31/3. Ông đánh giá, nguồn vốn đang tập trung vào một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro thay vì để phục vụ mở rộng sản xuất, kinh doanh.

“Một phần nguyên nhân là lãi suất ở mức thấp, dòng tiền đang có xu hướng đầu tư vào thị trường bất động sản, phần còn lại là do công tác quản lý đất đai, quy hoạch và việc thổi giá của đối tượng môi giới đã tạo nên cơn sốt đất, khiến giá bất động sản nhiều khu vực tăng mạnh trong những tháng đầu năm, bất chấp Covid-19”, ông nói.

Ông cũng chỉ ra, thị trường trái phiếu phát triển nhanh, nhưng chủ yếu là trái phiếu của bất động sản, ngân hàng, sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất còn hạn chế. Tương tự, tổng mức huy động vào thị trường chứng khoán tuy tăng cao, giá trị phát hành cổ phiếu giảm, cho thấy nguồn vốn vào thị trường không thực sự để phục vụ mở rộng sản xuất, kinh doanh.

“Trong thời gian tới, cần chú trọng theo dõi diễn biến các thị trường trên, không để xảy ra tình trạng bong bóng, tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến nền kinh tế”, ông nói.

Lưu ý của ông Dũng trùng lặp với lo ngại được đưa ra trong đánh giá kinh tế mới nhất của Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU). Nhóm tác giả cho biết, trong năm 2020, tăng trưởng cung tiền và tăng trưởng tín dụng không thấp hơn quá nhiều, nhưng tăng trưởng kinh tế chỉ bằng chưa đầy hai phần năm so với con số tăng trưởng trung bình của hai năm trước đó. Điều này khiến họ đặt ra giả định nhiều khả năng, một phần tăng trưởng tín dụng chỉ để giúp duy trì sự tồn tại của doanh nghiệp, hơn là để tạo ra hàng hóa và dịch vụ mới.

Phía NEU cũng cho biết mặc dù giá cả tiêu dùng khá ổn định, bong bóng giá tài sản, bên cạnh nợ xấu, là một rủi ro đáng quan ngại khi chính sách tiền tệ được nới lỏng. “Giá chứng khoán và bất động sản đều tăng bất thường trong năm 2020. Đây là những dấu hiệu đáng lo ngại ban đầu của hiện tượng bong bóng giá tài sản khi tỷ lệ cung tiền trên GDP (M2/GDP) và tín dụng trên GDP của Việt Nam đang lần lượt tiệm cận mốc 200% và 150%, vượt xa so với các nước trong khu vực ASEAN-5”, nhóm nghiên cứu của NEU cho biết.

Nới lỏng tiền tệ, hạ lãi suất là một trong những chính sách được Việt Nam áp dụng nhằm hỗ trợ nền kinh tế trước khủng hoảng do Covid-19. Và dòng tiền chảy mạnh vào các kênh đầu cơ tài sản như chứng khoán trong nửa cuối năm ngoái, bất động sản trong đầu năm nay được xem là hệ quả.

Ôtô xếp hai hàng dài trên đường ở trung tâm xã Thiện Nghiệp sáng 10/3. Ảnh: Việt Quốc.
Ôtô xếp hai hàng dài trên đường ở trung tâm xã Thiện Nghiệp sáng 10/3. 

Cảnh báo về rủi ro khi giá các tài sản như bất động sản, chứng khoán tăng nhanh đã được các chuyên gia đặt vấn đề với VnExpress hồi đầu 2021.

Ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Viện trưởng Viện Công Nghệ Tài Chính (Đại học Kinh Tế TP HCM) đánh giá việc dòng tiền chỉ đợi chảy vào các kênh đầu cơ có thể khiến nền kinh tế nguy cơ bị ngập úng trong tiền nếu không thể điều hướng được dòng chảy.

TS Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol (Anh) nhận xét, việc cấm cản đám đông kiếm tiền nhanh là không thể, nhưng trước các vấn đề tiềm ẩn từ việc tăng giá tài sản quá nhanh, một số kênh đầu tư quá nóng, một số biện pháp kỹ thuật để siết dòng vốn vào các kênh đầu cơ tài chính có thể sẽ phát huy tác dụng, thay vì các biện pháp hành chính.

Về việc nắn dòng vốn, Phó thống đốc Đào Minh Tú trong phiên họp chiều tối 31/3 cho biết Ngân hàng Nhà nước vẫn đang kiểm soát chặt chẽ tín dụng cho bất động sản. Đến ngày 15/3, dư nợ cho vay bất động sản của ngân hàng tăng 2,13%, nhanh hơn tốc độ tăng tín dụng hiện nay, là 2,04%, so với năm ngoái là tích cực.

Tín dụng bất động sản được ông Tú cho biết gồm hai lĩnh vực. Thứ nhất là tín dụng vào các lĩnh vực mà các đối tượng kinh doanh bất động sản, đầu cơ bất động sản hay là phân khúc thị trường cao cấp, các dự án mà khả năng thanh khoản, hiệu quả đầu tư bất động sản trong tương lai không cao. “Đây là những đối tượng được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt và hạn chế, kể cả có những chế tài trực tiếp hoặc gián tiếp đối với các tổ chức tín dụng”, ông nhấn mạnh.

Thứ hai là tín dụng bơm cho việc thanh khoản sản phẩm hàng hóa là tiêu dùng bất động sản, như nhà cho người thu nhập thấp hay phân khúc thị trường nhà giá rẻ, mang tính chất thương mại phục vụ cho tiêu dùng, nhu cầu sử dụng của người dân. Phần này, theo ông Tú, vẫn được giao cho các ngân hàng thương mại triển khai.

“Trong dư nợ 2,13% này cũng chỉ có vài ngân hàng cho vay nhanh hơn mức bình thường so với trước chứ không phải tất cả ngân hàng đều vậy”, ông Tú thông tin.

Về lãi suất, Phó thống đốc cho biết quan điểm điều hành vẫn là duy trì sự ổn định với cả lãi suất huy động và cho vay. “Tuy nhiên, cũng phải cảnh giác với các dấu hiệu tác động của kinh tế thế giới hoặc một số lĩnh vực khác, kể cả việc dịch chuyển giữa các dòng vốn từ thị trường tiền tệ sang thị trường trái phiếu, vốn, chứng khoán, bất động sản… “, ông nói. Theo quan điểm này, nếu các chỉ số đó tích cực, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giảm cho cả lãi suất huy động và cho vay.

Số liệu cho thấy, so với mặt bằng đầu năm 2015-2016, lãi suất huy động đã giảm 2,3%, lãi suất cho vay bình quân đã giảm 3,6% so với giai đoạn trước đây. Đến nay, lãi suất cho vay tối đa cho các đối tượng ưu tiên ở mức 4,5%, giảm khoảng 2,5% đối với các đối tượng ưu tiên này nếu so với năm 2016.

Không chỉ phía ngân hàng, hiện các bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc nhằm hạn chế cơn sốt đất, ngăn các rủi ro bong bóng. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao Tổng cục Quản lý đất đai kiểm tra 26 tỉnh việc thực hiện quy hoạch, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

Bộ Xây dựng cũng yêu cầu các địa phương công khai thông tin quy hoạch, tiến độ dự án phát triển cơ sở hạ tầng, bất động sản, đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính…

Một số địai phương như Hạ Long rà soát việc chứng thực các giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất. Bắc Giang yêu cầu UBND cấp xã các khu vực có dấu hiệu gia tăng đột biến tình trạng chuyển mục đích, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, “sốt ảo” phải được chú ý đặc biệt để chỉ đạo cơ quan chuyên môn…

Đức Minh/ VNE 

Bài mới
Đọc nhiều