+
Aa
-
like
comment

Lỡ khoe hớ, Hải quân Trung Quốc vô tình làm lộ điểm yếu cho cả thế giới biết

21/01/2021 12:35

Trung Quốc đã vô tình hé lộ một thông tin cho thấy điểm yếu trong sức mạnh hải quân của nước này.

Lỡ khoe hớ, Hải quân Trung Quốc vô tình làm lộ "Gót chân Achilles" của chính mình

Tiêm kích Thẩm Dương J-15 của Hải quân Trung Quốc, còn được biết đến là “Flying Shark” (Cá mập bay), gần đây đã tiến hành nhiều đợt huấn luyện mô phỏng tác chiến thực trong điều kiện khắc nghiệt.

Tuy nhiên, mặc dù là tiêm kích hạm nhưng các bài tập thiết kế cho chúng lại không được tiến hành trên tàu sân bay, mà là tại một sân bay trên mặt đất.

Trước nay, giới chuyên gia thường xuyên đặt ra nhiều câu hỏi liên quan tới hiệu quả hoạt động của J-15 do những hạn chế của các tàu sân bay mà Trung Quốc đang có. Kích cỡ đường băng hạn chế của hai tàu Sơn Đông và Liêu Ninh không cho phép J-15 mang được nhiều vũ khí và nhiên liệu hơn.

Song, theo một bản đánh giá của Lầu Năm Góc về năng lực quân sự của Trung Quốc thì nước này đang có lực lượng hải quân lớn hàng đầu thế giới, và quy mô của họ sẽ tiếp tục gia tăng. Trung Quốc đã nhận ra những điểm thiếu sót trong năng lực quân sự và hiện đang chế tạo một tàu sân bay mới cho phép J-15 phát huy được hết tiềm năng.

Giới chuyên gia Trung Quốc nói gì?

Giới chuyên gia Trung Quốc dành nhiều lời tán dương mẫu tiêm kích hai động cơ chiếm ưu thế đường không. J-15 là sản phẩm của tập đoàn Thẩm Dương, được thiết kế dựa trên nguyên mẫu chưa hoàn tất của tiêm kích Su-33 (Nga chế tạo) mà Bắc Kinh mua về từ Ukraine.

Tờ Global Times cho biết, J-15 “đã tiến hành một loạt các bài tập chiến đấu đường không tự do ở nhiệt độ -20 độ C, mang lại cho chiếc máy bay khả năng thích ứng mạnh mẽ với điều kiện môi trường”.

Trong cuộc tập trận đối kháng ở biển Bột Hải, J-15 đã hoàn tất một chuỗi các bài tập chiến thuật, trong đó có tấn công giả định, bứt phá, ngăn chặn, khóa và tấn công, bắn hạ máy bay đối phương.

Các chuyên gia Trung Quốc nhấn mạnh rằng, những cuộc tập trận này đã cho thấy J-15 có thể vượt qua các thách thức trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Với vai trò là tiêm kích hạm, chúng phải thích nghi với các điều kiện môi trường khác nhau trong quá trình hoạt động.

Thế nhưng Global Times cũng lưu ý rằng, các cuộc diễn tập này được tổ chức xung quanh một sân bay trên mặt đất, thay vì trên tàu sân bay.

Do đó, theo tờ EurAsian Times, khi xét tới những điều tiếng xung quanh J-15 và các tàu sân bay của Trung Quốc thì các cuộc tập trận trên không làm nổi bật sức mạnh hải quân của PLA, mà ngược lại cho thấy điểm yếu của họ.

Yuan Wei, phó tham mưu trưởng đơn vị, nói với Global Times: “PLA giờ đây đã có thể khai thác các tàu sân bay và tiêm kích hạm và chúng mang theo. Một khi cần đến, các tàu sân bay của chúng tôi có thể lên đường ngay lập tức để bảo vệ an ninh hàng hải của Trung Quốc”.

Lỡ khoe hớ, Hải quân Trung Quốc vô tình làm lộ Gót chân Achilles của chính mình - Ảnh 1.
Tiêm kích hạm J-15 của Trung Quốc. Ảnh: china.org

Các nhà phê bình nói gì?

Có khoảng 20-30 chiếc J-15 được triển khai trên boong các tàu sân bay “theo phong cách Liên Xô” của Trung Quốc. Giới chuyên gia nhận định, J-15 có năng lực nhưng vẫn có nguy cơ bị đánh bại nếu đối đầu với mẫu F/A-18 của Mỹ. Một trong những bất lợi của nó là động cơ không đủ mạnh.

Làm tiêm kích hạm hạng nặng, lẽ ra J-15 nên mang được nhiều vũ khí và nhiên liệu hơn, nó cũng cần phải bay được cao hơn và nhanh hơn. Theo ông Timothy Heath – nhà nghiên cứu quốc phòng cấp cao tại tổ chức tư vấn RAND, đây là những nhân tố quan trọng trong tác chiến không-đối-không.

Tuy nhiên, do không có nhiều lực đẩy bên ngoài hỗ trợ khi cất cánh [như từ máy phóng], J-15 chỉ có thể sử dụng chính sức mạnh của mình. Vì vậy, nó chỉ có thể cất cánh với một phần vũ khí và nhiên liệu so với ý định thiết kế ban đầu, từ đó làm giảm tầm hoạt động và năng lực chiến đấu toàn diện của mẫu máy bay này.

Đã có 3 vụ tai nạn liên quan tới J-15 xuyên suốt nửa đầu thập kỷ hoạt động của nó trong biên chế Hải quân Trung Quốc. Giới phân tích coi đây là cơ sở cho thấy Trung Quốc còn xa mới có thể trở thành một siêu cường tàu sân bay trong tương lai gần.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích vẫn tin rằng, mẫu tiêm kích của Trung Quốc có thể trở thành một trong những tiêm kích hạm hàng đầu thế giới nếu nó được triển khai từ các tàu sân bay hiện đại hơn đang được Bắc Kinh chế tạo.

Cần lưu ý rằng, vai trò hiện tại của J-15 còn là cung cấp cho PLAN trải nghiệm đầu tiên liên quan tới việc vận hành các tiêm kích hạm.

Các tàu sân bay đang được xây dựng, như Type 003, với hệ thống máy phóng điện từ, sẽ cho phép J-15 được triển khai với đầy đủ tải trọng bình nhiên liệu và tên lửa. Boong tàu với kích thước lớn hơn của nó cũng sẽ cho phép triển khai nhiều máy bay đồng thời.

Quang Quân

Bài mới
Đọc nhiều