Lỗ hổng từ ấn phẩm quảng bá du lịch có “đường lưỡi bò”
Sau vụ việc nhân viên của Công ty TNHH MTV dịch vụ lữ hành Saigontourist giới thiệu cho khách có nhu cầu mua tour cẩm nang quảng bá tour du lịch Trung Quốc có in hình ảnh “đường lưỡi bò”, chiều 18.10, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung đã ký văn bản gửi các doanh nghiệp lữ hành yêu cầu siết chặt công tác quản lý nội dung thông tin và ấn phẩm quảng bá du lịch. Từ đó, chúng ta cần phải hết sức cảnh giác trước những âm mưu của Trung Quốc với Biển Đông.
Âm mưu qua ấn phẩm quảng bá du lịch có “đường lưỡi bò”
Nội dung văn bản nêu rõ: Thời gian vừa qua, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện doanh nghiệp lữ hành sử dụng các ấn phẩm quảng cáo du lịch do nước ngoài xuất bản có in hình ảnh đường chín đoạn hay còn gọi là “đường lưỡi bò” để giới thiệu tại các hội chợ du lịch, giới thiệu trực tiếp đến khách hàng có nhu cầu mua tour. Những ấn phẩm quảng bá hình ảnh phi pháp này mang nội dung thông tin sai sự thật, xuyên tạc lịch sử, vi phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Đây là sự việc hết sức nghiêm trọng vi phạm luật Việt Nam.
Trước tình hình trên, Tổng cục Du lịch yêu cầu các doanh nghiệp lữ hành nội địa, quốc tế và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động du lịch nghiêm túc tuân thủ đúng quy định pháp luật Việt Nam về việc không sử dụng bản đồ, ấn phẩm, hình ảnh có in hình đường chín đoạn khi kinh doanh du lịch tại Việt Nam.
Nhắc tới việc Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ Lữ hành Saigontourist sử dụng ấn phẩm du lịch có hình ảnh thể hiện “đường lưỡi bò” để giới thiệu đến khách hàng trong việc bán tour đi du lịch Trung Quốc, ông Nguyễn Đức Thọ, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết đã có Quyết định số 30/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ Lữ hành Saigontourist.
Theo đó, hình thức xử phạt là phạt tiền 50 triệu đồng và thu hồi 10 ấn phẩm nói trên, đồng thời yêu cầu tiếp tục thu hồi 4 ấn phẩm còn đang ở bên ngoài do hành khách đăng ký mua tour nắm giữ.
Ông Thọ cho biết thêm, Saigontourist đã có hành vi phát hành để giới thiệu ấn phẩm là xuất bản phẩm “hình ảnh Trương Gia Giới” nhập khẩu không kinh doanh sử dụng hình ảnh bản đồ có đường phân định “hình lưỡi bò” thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia, vi phạm nội dung cấm trong hoạt động xuất bản theo điểm b, khoản 5, điều 27 – Nghị định số 159 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.
Như vậy có tổng cộng là 15 ấn phẩm giới thiệu du lịch có thể hiện hệ hình ảnh “đường lưỡi bò”, Sở Thông tin và Truyền thông đã thu hồi 10 ấn phẩm, một ấn phẩm do cơ quan du lịch lưu hồ sơ, 4 ấn phẩm còn lại đang trong nằm trong tay của khách hàng. Trao đổi với phóng viên Báo Văn Hóa về việc thu hồi lại 4 ấn phẩm nói trên, đại diện Saigontourist cho biết sẽ liên hệ ngay với khách hàng đã đăng ký mua tour để thu hồi toàn bộ ấn phẩm theo quyết định xử phạt của cơ quan chức năng.
Trước đó, sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh tại quầy bán tour của Saigontourist tại địa chỉ số 45 Lê Thánh Tôn (quận 1), TP.HCM có để một cuốn sách ảnh giới thiệu về các điểm du lịch tại Phượng Hoàng Cổ Trấn và Trương Gia Giới của Trung Quốc, phía sau cuốn ấn phẩm có hình ảnh bản đồ thể hiện “đường lưỡi bò”, Đoàn thanh tra của Sở Du lịch TP. HCM và các đơn vị liên quan đã có cuộc làm việc với Saigontourist, tiến hành kiểm tra và thu hồi ấn phẩm trên, đồng thời tìm hiểu về xuất xứ của ấn phẩm.
Theo Saigontourist, cuốn ấn phẩm giới thiệu về các điểm du lịch tại Phượng Hoàng Cổ Trấn và Trương Gia Giới được đối tác là Công ty Trung Thế gửi lại cho nhân viên của Saigontourist sau cuộc trao đổi thông tin sản phẩm du lịch vào ngày 30.9 vừa qua. Công ty Trung Thế có văn phòng đại diện tại Trương Gia Giới, hiện là đơn vị cung cấp sản phẩm tour du lịch Trương Gia Giới – Phượng Hoàng Cổ Trấn cho các công ty du lịch Việt Nam.
Nhận định đây là sự việc nghiêm trọng, Saigontourist đã ra quyết định chấm dứt ngay lập tức quan hệ với đối tác là Công ty Trung Thế. Saigontourist cũng xin nhận trách nhiệm trong việc để lọt ấn phẩm có nội dung không đúng, sơ sót trong việc kiểm tra nội dung. Công ty xin nhận lỗi và đã ra quyết định xử phạt nghiêm khắc với cá nhân, phòng ban nhận ấn phẩm do đối tác đưa mà không qua khâu kiểm duyệt theo quy định của Công ty.
Cảnh giác trước âm mưu xâm chiếm Biển Đông của Trung Quốc
Ý đồ cũng như mục tiêu các lần xâm nhập của Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam nằm trong tiến trình thực hiện chính sách “tằm ăn dâu” nhằm độc chiếm Biển Đông và thực hiện chiến lược biến Trung Quốc thành cường quốc đại dương.
Về các biện pháp thì muôn hình vạn trạng, từ “ngoại giao pháo hạm”, đến “vừa ăn cướp vừa la làng”, từ dùng vũ lực để đe doạ đến thực hiện “tam chủng chiến pháp”… Đây chính là chính sách nước lớn ức hiếp nước nhỏ, một dạng của chính sách bá
quyền trong thời đại mới và cũng là một truyền thống trong chính sách bành trướng của Bắc Kinh đối với khu vực, trong đó có Việt Nam.
Trung Quốc còn đưa ra yêu sách dựa trên “đường lưỡi bò”, với các cách giải thích lập lờ khác nhau, cho dù yêu sách này không có cơ sở trong luật quốc tế. Trong vụ Philippines kiện Trung Quốc, Phán quyết của Toà trọng tài ngày 12/7/2016 đã thẳng thắn bác bỏ yêu sách quyền lịch sử nằm trong “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.
Mặc dù tuyên bố công khai rằng phán quyết chỉ là “tờ giấy lộn”, nhưng Trung Quốc cũng hiểu tác dụng của phán quyết khiến cái gọi là “yêu sách đường lưỡi bò” có nhiều điều bất ổn, do đó phản tác dụng. Chính vì vậy, trong tuyên bố ngày 18/9/2019, Trung Quốc đã tỏ ý tránh đề cập đến “đường lưỡi bò”, nhưng vẫn yêu sách mọi thứ trong đó.
Trung Quốc muốn hợp lý hóa các hành động xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam bằng cách việc nói rằng bãi ngầm Tư Chính (mà Trung Quốc gọi là Vạn An) là một phần của quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp. Vấn đề hoàn toàn không phải như vậy.
Thứ nhất, Trung Quốc hoàn toàn không có chủ quyền trên quần đảo Trường Sa. Chính phủ Việt Nam luôn khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý để chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này.
Thứ hai, trong phán quyết trọng tài vụ Philippines kiện Trung Quốc năm 2016 có thể hiện mấy vấn đề quan trọng liên quan đến vấn đề này, đó là Đường chín đoạn hay còn gọi là “đường lưỡi bò” không có hiệu lực vì không có cơ sở trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và luật quốc tế.
Không có thực thể địa lý nào ở Trường Sa đủ tiêu chuẩn là đảo theo UNCLOS để có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa kèm theo. Không thể coi quần đảo Trường Sa như một đơn vị thống nhất để vẽ đường cơ sở rồi tính vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa xung quanh.
Với tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, có thể xác định đây sẽ là “cuộc chiến” lâu dài không chỉ của Việt Nam mà còn của cả các nước trong khu vực như Malaysia, Philippines… để bảo vệ vùng biển và lợi ích hợp pháp của mình.
Trước mắt, Việt Nam cần thực hiện các biện pháp như tiếp tục phản đối hành vi xâm phạm của Trung Quốc qua các kênh chính trị, ngoại giao với Trung Quốc; vận động cộng đồng quốc tế bày tỏ sự ủng hộ và nêu vấn đề này tại các cơ chế đa phương liên quan.
Là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam sẽ có vị thế mạnh hơn để vận động các nước ASEAN khác bảo vệ luật pháp quốc tế; Việt Nam cũng có thể nói rõ sẽ không đồng ý với một COC không bảo vệ được lợi ích quốc gia của mình.
Chắc rằng với sự nỗ lực, đoàn kết của cả dân tộc cùng với sự lên tiếng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ đuổi được những kẻ xâm phạm ra khỏi vùng biển hợp pháp của mình, như các thế hệ cha ông đã nhiều lần làm được để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Chính nghĩa luôn được ủng hộ, luôn thắng trước những kẻ cường quyền, hung hãn.
Hồng Đinh