Lỗ hổng “nguy hiểm” trong chương trình “hộ chiếu vàng” của Cyprus
Chính quyền Cyprus từ lâu đã xem Chương trình Đầu tư Cyprus (CIP), cấp “hộ chiếu vàng”, là một nguồn doanh thu chính, ước tính thu về 8 tỉ USD nhằm giải cứu kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ năm 2013.
CIP được ra mắt vào năm 2016, thay thế cho một chương trình đầu tư để nhập quốc tịch trước đó. Chương trình bao gồm các tiêu chí tài chính mới cho những người muốn có quốc tịch Cyprus, với mức đầu tư bắt buộc đã giảm hơn 1 triệu USD. Giống chương trình cũ, CIP yêu cầu người nộp đơn phải có “lý lịch tư pháp trong sạch” nhưng không định nghĩa rõ điều này.
Cuộc điều tra của hãng tin Al Jazeera về vụ rò rỉ “Hồ sơ Cyprus” được công bố hôm 24-8 cho thấy trong hơn 1.400 đơn xin cấp hộ chiếu có tên của hơn 2.500 người được cho là người nộp đơn chính thức và các thành viên gia đình.
Một số cá nhân bị nêu tên trong danh sách khi có bằng chứng rõ ràng rằng người đó có liên quan đến hành vi sai trái hoặc là quan chức nhà nước sẽ không còn đủ điều kiện để nhập quốc tịch theo bộ quy tắc mới của Cyprus được áp dụng vào năm 2019.
Theo chương trình “hộ chiếu vàng” của Cyprus, mỗi hộ chiếu yêu cầu đầu tư tối thiểu 2,5 triệu USD. Chương trình này thu hút nhiều nhà đầu tư vì hộ chiếu đảo Cyprus tự động cấp quyền công dân ở toàn bộ 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU). Phần lớn khoản đầu tư 2,5 triệu USD được yêu cầu dành cho bất động sản.
Số người nộp đơn nhiều nhất đến từ Nga (1.000 người), theo sau là Trung Quốc (500 người), Ukraine (400 người) và Trung Đông (350 người).
Tuy CIP yêu cầu người nộp đơn phải có “lý lịch tư pháp trong sạch” nhưng trên thực tế dường như không loại trừ những đối tượng liên quan đến tố tụng hình sự hoặc đang bị điều tra và nhiều người bị nêu tên trong “Hồ sơ Cyprus” đã nộp đơn vì họ sắp bị kết tội.
Theo quy định, chính phủ Cyprus phải kiểm tra theo dõi trong cơ sở dữ liệu của Cơ quan Cảnh sát Liên minh Châu Âu (Europol) và Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol). Tuy nhiên, thực tế thì người nộp đơn phải tự nộp hồ sơ lý lịch của mình được xác nhận của các cơ quan có thẩm quyền tại quốc gia của họ. Tỉ lệ đơn xin cấp “hộ chiếu vàng” bị từ chối thấp một cách đáng ngạc nhiên, chỉ 2% số đơn đăng ký từ năm 2013 đến năm 2018.
Một cá nhân có tiền án về tội tống tiền trước thời điểm xin cấp “hộ chiếu vàng” 16 năm vẫn được xếp vào “tình trạng trong sạch”. Điều này đặt ra câu hỏi liệu hồ sơ phạm tội của người đàn ông thuộc tầng lớp thượng lưu Nga nói trên, Ali Beglov, bị bỏ qua hay liệu chúng đã được xóa sạch. Ông Beglov từng thụ án hai năm tù (1990-1992) vì tội tống tiền.
Trong danh sách này còn có tên ông Mykola Zlochevsky, người bị cáo buộc lợi dụng chức vụ bộ trưởng sinh thái và tài nguyên thiên nhiên Ukraine để làm lợi cho công ty năng lượng của mình. Ông Zlochevsky từng bị điều tra về tội tham nhũng khi rời chức vụ bộ trưởng vào năm 2012 và gần đây bị cáo buộc hối lộ.
Tuy nhiên, cựu quan chức này đã có được tấm hộ chiếu vàng của Cyprus vào ngày 1-12-2017 và đang sống tại Monaco.
Kêu gọi loại bỏ hoàn toàn
Vụ rò rỉ “Hồ sơ Cyprus” của Al Jazeera cho thấy sự thất bại có tính hệ thống của CIP. Các quy định không được thực thi nghiêm túc và những người nộp đơn không đủ điều kiện vẫn tiếp tục được phê duyệt bất chấp chính quyền Cyprus tuyên bố siết chặt các quy định vào tháng 2-2019.
Đến tháng 7-2020, Quốc hội Cyprus đã thông qua luật cho phép tước quyền công dân đối với bất kỳ ai bị kết án vì tội nghiêm trọng, đối mặt với các lệnh trừng phạt quốc tế hoặc bị đưa vào danh sách truy nã quốc tế.
Theo Al Jazeera, bất chấp nỗ lực “lấp kẽ hở”, một số tổ chức phi chính phủ, các thành viên của Nghị viện châu Âu và một số nhân vật đối lập ở Cyprus đang kêu gọi loại bỏ hoàn toàn chương trình này.
Chính trị gia đối lập Irene Charalambides cho rằng: “Chính quyền Cyprus đang đặt Liên minh châu Âu vào tình thế nguy hiểm. Họ đang mở cánh cổng của Liên minh châu Âu bằng những tấm hộ chiếu mà họ đang bán”.
Xuân Mai/NLĐ