+
Aa
-
like
comment

Lỗ hổng trong cuộc đại chiến của ông Trump: Chính Mỹ mới là nước “hụt hơi” trên cán cân thương mại?

09/09/2019 07:34

Những mâu thuẫn trong mục tiêu của Mỹ đã khiến chiến tranh thương mại kéo dài dai dẳng và không thể đi đến hồi kết.

Lỗ hổng khổng lồ trong cuộc đại chiến của ông Trump: Chính Mỹ mới là nước "hụt hơi" trên cán cân thương mại?
Lỗ hổng khổng lồ trong cuộc đại chiến của ông Trump: Chính Mỹ mới là nước “hụt hơi” trên cán cân thương mại?

Theo Business Insider, thị trường nhìn chung đã có nhiều biến động trong thời gian gần đây. Nền kinh tế Mỹ đã giảm tốc tăng trưởng và một báo cáo cho rằng các công ty Mỹ có thể đã phải cắt giảm 10.488 vị trí bởi cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Gần đây, hai phía Mỹ – Trung đã giảm đối đầu và đồng ý “đình chiến” để tạo điều kiện cho những cuộc đàm phán vào tháng 10.

Tuy nhiên, kể cả khi có đàm phán, hai nước cũng sẽ khó có thể đạt được thành tựu đáng kể ngoại trừ việc bình ổn thị trường tài chính. Cuộc chiến tranh thương mại của ông Trump là cuộc chiến không thể giành được chiến thắng.

Điều này là bởi vì ngay từ đầu, những mục tiêu của thương chiến đã mâu thuẫn lẫn nhau, khiến chính quyền của ông Trump khó có thể đạt được thỏa thuận thắng lợi giành cho Mỹ. Bên cạnh đó, chính những đòi hỏi khó đáp ứng và chiến lược tấn công dồn dập của ông Trump đã khiến ông Tập Cận Bình bị đẩy vào vị thế không thể nhượng bộ.

Ông Trump không thể chiến thắng?

Đây là 3 yêu cầu mà Trung Quốc muốn Mỹ làm để kết thúc thương chiến, bao gồm:

1. Mỹ phải tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc.

2. Mỹ phải gỡ bỏ toàn bộ thuế quan đã áp lên Trung Quốc kể từ khi thương chiến bắt đầu.

3. Mỹ phải ngừng yêu cầu Trung Quốc mua một lượng hàng nhiều “bất khả thi” từ Mỹ.

Ở đây, điều số 3 là thứ mà ông Trump luôn hướng tới.

Lỗ hổng khổng lồ trong cuộc đại chiến của ông Trump: Chính Mỹ mới là nước hụt hơi trên cán cân thương mại? - Ảnh 1.
Ông Trump bắt tay ông Tập tại thượng đỉnh G-20 tổ chức ở Osaka, Nhật Bản. Ảnh: AP

Ban đầu, cuộc chiến tranh thương mại nổ ra với mục tiêu biến thị trường Trung Quốc trở nên công bằng hơn đối với các doanh nghiệp Mỹ – kết thúc việc thiên vị công ty nội địa Trung Quốc, chấm dứt cưỡng ép chuyển giao công nghệ và đánh cắp sở hữu trí tuệ.

Vào tháng 3/2018, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer viết một báo cáo gửi lên Quốc hội, chỉ rõ các vấn đề và những hình thức mà Trung Quốc vi phạm luật lệ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tất cả những điều đó đều có thể hiểu được.

Nhưng cùng lúc, tổng thống Mỹ Donald Trump lại tỏ ra “quá ám ảnh” với tình trạng thâm hụt thương mại và yêu cầu Trung Quốc phải mua nhiều mặt hàng Mỹ hơn. Việc này đã gây ra những mâu thuẫn về mặt chiến lược ở Mỹ.

Ông Lighthizer muốn những thay đổi để đưa Trung Quốc trở thành một nền kinh tế mở giống Mỹ. Trong khi đó, ông Trump lại muốn thay đổi bằng cách buộc Trung Quốc phải mua những mặt hàng từ một nhà cung cấp nhất định hơn là từ quốc gia khác. Hai định hướng này hoàn toàn trái ngược nhau.

“Có nhiều cách để tạm thời giảm thâm hụt thương mại song phương nhưng đây sẽ là cách làm rối loạn thị trường,” nhà kinh tế học Lee Branstetter của trường Đại học Carnegie Mellon cho biết.

Những mục tiêu mâu thuẫn này đã có ảnh hưởng trực tiếp trong quá trình đàm phán của các bên. Ví dụ, hồi tháng 12 năm ngoái, khi ông Trump tăng thuế, Trung Quốc tìm cách đình chiến bằng lời hứa mua đậu nành Mỹ. Đàm phán tiếp tục trở lại và thất bại khi Trung Quốc từ chối làm theo những yêu cầu trái ngược của Mỹ.

Mặt khác, nếu ông Lighthizer có mục tiêu khiến Trung Quốc mở cửa hơn đối với các công ty Mỹ thì ông Trump lại theo đuổi việc buộc các công ty phải tới Mỹ.

“Nếu Trung Quốc đồng ý, thì kết quả là thị trường Trung Quốc sẽ mở cửa hơn với các doanh nghiệp của Mỹ và phương Tây tới đây sản xuất. Trong khi đó, ưu tiên của chính quyền ông Trump lại là đưa các chuỗi sản xuất trở lại Mỹ. Đây là sự bất đồng cơ bản trong kết quả mà hai bên muốn hướng tới,” nhà kinh tế học Chad Bown của Viện Peterson viết.

Ông Tập không thể thua?

Về phía Trung Quốc, có thể thấy ông Tập có những lợi thế nhất định về mặt chính trị và kinh tế. Theo các nhà phân tích của Citigroup, trong trường hợp Trung Quốc có thể chi tiền mua đủ mặt hàng của Mỹ để kết thúc thâm hụt thương mại, thì Mỹ cũng không có đủ hàng hóa để bán cho Trung Quốc mà không làm ảnh hưởng tới hoạt động giao dịch với các đối tác hoặc làm thay đổi hệ thống sản xuất của Mỹ.

Citigroup đánh giá: “Mỹ có thể sẽ tăng lượng đậu nành hoặc thịt bán cho Trung Quốc trong một khoảng thời gian. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu 1,2 nghìn tỷ USD hàng hóa tới Trung Quốc trong vòng 6 năm – bao gồm năng lượng, máy móc và sản phẩm công nghệ – sẽ cần tới một sự thay đổi lớn trong các đối tác thương mại hiện thời của Mỹ và Trung Quốc, cũng như thay đổi cơ cấu sản xuất nội địa của Mỹ đối với các mặt hàng này”.

Các nhà nghiên cứu của Citigroup cũng cho biết, đối với mặt hàng thực phẩm, phương tiện giao thông, linh kiện bán dẫn và hàng không, Mỹ hiện đã sản xuất ở mức gần như hết công suất và “không thể cố hơn được nữa”.

Đối với năng lượng và gia cầm, Mỹ không có đủ sản lượng để đáp ứng nhu cầu của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, trong suốt thương chiến, ông Tập cho rằng Mỹ đang tìm cách ngăn cản sự phát triển của Trung Quốc. Nhờ vậy, Bắc Kinh có thể đổ lỗi cho Mỹ khi tăng trưởng không đạt được như kì vọng và điều này giúp củng cố vị thế trong thương chiến của ông Tập, khiến phía Trung Quốc không thể nhượng bộ và tuân theo yêu cầu của Mỹ.

Do đó, có thể thấy rất khó để hai bên có thể đạt được một thỏa thuận hợp lí và giải quyết được vấn đề của cả Mỹ – Trung.

Tất Đạt/Soha News

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều