Lô gạo đầu tiên xuất sang EU khi EVFTA có hiệu lực
Công ty Trung An xuất lô hàng gạo thơm đầu tiên vào EU, đánh dấu sự kiện mới sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực.
Giá gạo cao hơn
Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), cho biết: Ngày 27-28/8, Công ty Trung An đóng lô hàng 6 container với khoảng 150 tấn gạo trong tổng khối lượng theo hợp đồng xuất khẩu 3.000 tấn sang thị trường EU.
Điều rất có ý nghĩa, chứng minh gạo Việt đạt chất lượng cao cấp bước vào thị trường đẳng cấp, giá trị cao hơn, đặc biệt khi EVFTA có hiệu lực được bán với thuế suất 0%.
Những năm trước đây, do Công ty Trung An có nhiều khách hàng và khai thác khá tốt thị trường EU nên trong quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng bán gạo khá suôn sẻ, thuận lợi.
Theo hợp đồng đơn hàng xuất gạo thơm lần này là gạo ST20 và Jasmine giao cho 3 khách hàng, trong đó 2 khách hàng từ nước Đức và 1 khách hàng nước Pháp. Hai chủng loại gạo thơm ST20 (gạo 5% tấm) được bán với giá trên 1.000 USD/tấn và gạo Jasmine có giá trên 600 USD/tấn.
“So trước khi EVFTA có hiệu lực, gạo Jasmine chỉ có giá chừng 520 USD/tấn, gạo ST20 giá 800 USD/tấn. Song phải nói rằng, nhờ có tác động tích cực của việc giảm thuế, trong bối cảnh nhiều nước bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tình hình thị trường gạo năm nay cạnh tranh sôi động hơn, giá xuất khẩu vì thế cũng cao hơn”, ông Bình nói.
Cũng như trước đây Công ty Trung An đã từng xuất khẩu gạo Việt sang thị trường EU, trong quá trình thương thảo khách hàng luôn yêu cầu chất lượng gạo đạt tiêu chuẩn chất lượng cao. Sản phẩm gạo phải có vùng trồng rõ ràng, truy xuất nguồn gốc đúng gạo Việt Nam với chất lượng thơm ngon. Doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn chứng nhận GlobalGAP (Global Good Agricultural Practice – thực hành sản xuất nông nghiệp tốt), VietGAP hoặc tương đương và đảm bảo không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Theo ông Bình, sau khi EVFTA có hiệu lực từ 1/8, nhiều mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam được hưởng lợi. Trong đó, với mặt hàng gạo EU có mức hạn ngạch cho Việt Nam 80.000 tấn/năm với thuế suất 0%. Thị trường này cũng cho tự do hóa hoàn toàn với mặt hàng gạo tấm. Riêng các sản phẩm từ gạo được hưởng thuế suất 0% sau 3 đến 5 năm.
Về mặt chủng loại gạo xuất khẩu vào thị trường EU không chỉ giới hạn từ một hai giống lúa mà sẽ được sản xuất từ các giống lúa: ST20, Jasmine, RVT, Đài Thơm 8, VD20, OM5451, Nàng Hoa 9… và các giống lúa chất lượng cao cho dòng sản phẩm gạo trắng thường.
Bí quyết gì?
Riêng Công ty Trung An, ông Bình cho biết, đã tổ chức liên kết sản xuất bao tiêu, thu mua lúa nông dân, thực hiện các cánh đồng lớn: Tại tỉnh Kiên Giang có 6.000 ha, TP Cần Thơ 2.000 ha, Sóc Trăng 1.000 ha, Kiên Giang, Hậu Giang 400 ha, Cà Mau 400 ha. Với nội lực vùng nguyên liệu đáp ứng 40% sản lượng cung cấp về các nhà máy chế biến gạo xuất khẩu của công ty.
Hiện nay, Công ty Trung An có năng lực sản xuất, xuất khẩu gạo 150-200 tấn gạo/năm. Riêng hệ thống kho trữ lúa 90.000 tấn. Trong đó, Trung An đầu tư 3 triệu USD xây dựng hệ thống kho trữ lúa gồm 10 silo (30.000 tấn) vận hành theo công nghệ châu Âu, tự động hóa trong bảo quản, tồn trữ để chủ động trong sản xuất kinh doanh.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Trung An cho biết, khi gạo Việt Nam chính thức bước vào thị trường EU sẽ tạo thêm động lực kích hoạt thị trường các nước nhập khẩu gạo Việt sắp tới phát triển tốt hơn. Khách hàng sẽ đánh giá, nhìn nhận chất lượng gạo
Việt Nam tốt hơn, có khả năng cạnh tranh vào thị trường gạo cao cấp.
Khẳng định vị thế, thương hiệu gạo Việt
Về việc triển khai xuất khẩu gạo theo hạn ngạch ưu đãi sang EU theo Hiệp định EVFTA, theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, trước đây, Việt Nam cũng đã xuất khẩu gạo sang EU, nhưng lượng xuất khẩu chưa đáng kể.
Với việc Hiệp định EVFTA được thực thi, mỗi năm EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan 80.000 tấn gạo (được miễn thuế nhập khẩu vào EU), trong đó gồm 30.000 tấn gạo thơm. Mặc dù số lượng không lớn so với tổng lượng gạo xuất khẩu của nước ta, tuy nhiên lại có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc khẳng định vị thế, thương hiệu của gạo Việt Nam do đây là thị trường cao cấp, có yêu cầu chặt chẽ về tiêu chuẩn chất lượng.
Với ý nghĩa quan trọng này, Bộ NN-PTNT đã giao Cục Trồng trọt sớm chủ trì việc thực hiện đánh giá, giám sát và cấp chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu khẩu sang EU một cách chặt chẽ nhất.
Hiện tại, dự thảo Nghị định quy định về cấp chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU cũng đã được Bộ NN-PTNT trình Chính phủ xem xét phê duyệt nhằm có cơ sở pháp lý và thủ tục thực hiện cấp chứng nhận về lâu dài.
Trong thời gian chờ xem xét phê duyệt nghị định này, Chính phủ cũng đã đồng ý để Bộ NN-PTNT sớm chủ động thực hiện việc cấp chứng nhận chủng loại gạo thơm để tranh thủ cơ hội sớm xuất khẩu sang EU với số lượng tốt nhất trong các tháng còn lại của năm 2020.
Hạn ngạch xuất khẩu gạo vào EU 80.000 tấn mỗi năm
Theo thỏa thuận EVFTA, nông sản, đặc biệt là gạo Việt Nam, sẽ được miễn thuế nhập khẩu vào EU với hạn mức hằng năm 80.000 tấn, trong đó có 20.000 tấn gạo chưa xay xát, 30.000 tấn gạo xay xát và 30.000 tấn gạo thơm. Hạn mức nhập khẩu cụ thể cho từng loại gạo trong từng thời điểm trong năm như sau: Gạo chưa xay xát 20.000 tấn, gạo xay xát 30.000 tấn, gạo thơm 30.000 tấn.
Trong đó phân ra các giai đoạn trong năm:
Từ ngày 1/1 tới 31/3: Gạo chưa xay xát 10.000 tấn, gạo xay xát 15.000 tấn, gạo thơm 15.000 tấn.
Từ ngày 1/4 tới 30/6: Gạo chưa xay xát 5.000 tấn, gạo xay xát 7.500 tấn, gạo thơm
7.500 tấn.
Từ ngày 1/7 tới 30/9: Gạo chưa xay xát 5.000 tấn, gạo gạo xay xát 7.500 tấn, gạo thơm 7.500 tấn.
Hữu Đức-Lê Bền/NN