Lộ diện tên lửa Nga trang bị cho Su-57 và Su-35: “Chấp tất” các đối thủ phương Tây!
Nga đang rất nỗ lực tăng cường sức mạnh cho các máy bay chiến đấu của mình, trong đó có cả các tên lửa không đối không với khả năng vượt xa những đối thủ phương Tây hiện tại.
Những video mới được Nga công bố gần đây cho thấy, Moscow có thể sắp đưa vào biên chế các tên lửa không đối không mới nhất, qua đó sẽ gia tăng đáng kể khả năng tác chiến cho các máy bay chiến đấu tiên tiến của họ.
Một đoạn clip cho thấy một chiếc tiêm kích Su-57 đã mang theo một hoặc hai biến thể mới nhất của dòng tên lửa đất đối không tầm trung R-77. Trong khi đó, một đoạn video khác cũng hé lộ cảnh chiến đấu cơ Su-35S, biến thể mới nhất của dòng Flanker, bắn thử một tên lửa không đối không tầm xa R-37M.
Cảnh quay Su-57 trang bị tên lửa K-77 được chiếu trong một bộ phim tài liệu chính thức được phát hành nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Trung tâm bay thử nghiệm quốc gia Chkalov Số 929 ở Akhtubinsk.
Còn hình ảnh Su-35S phóng tên lửa R-37M xuất hiện trong một video chính thức của Bộ Quốc phòng Nga nhân kỷ niệm sự kiện tương tự vào cuối tuần trước.
Trung tâm Chkalov Số 929 chịu trách nhiệm đánh giá tình trạng của các máy bay quân sự, gồm cả việc xác định loại vũ khí nào phóng từ trên không sẽ được đưa vào biên chế cho tiền tuyến.
Ở bộ phim tài liệu đầu tiên, 4 máy bay chiến đấu Su-57 được nhìn thấy đang bay theo đội hình cùng một lúc. Một trong những chiếc tiêm kích phản lực này mang theo vũ khí bên ngoài, trong đó có cả hai phiên bản mới của tên lửa không đối không tầm trung R-77.
Chiếc máy bay thứ hai trong đội hình dường như mang theo một phiên bản cải tiến của tên lửa R-77, K-77M, hay còn được gọi là Izdeliye 180, dưới cánh trái, trong khi dưới cánh phải, nó có thể mang theo một mẫu tên lửa động cơ ramjet – Izdeliye 180-PD.
Nga bắt đầu phát triển tên lửa R-77 dẫn đường bằng radar chủ động, hay còn gọi là Izdeliye 170, vào đầu những năm 1980, để làm đối trọng với tên lửa AIM-120 AMRAAM của Mỹ. Vũ khí này chưa được đưa vào sử dụng thời điểm trước khi Liên Xô sụp đổ và chỉ trở thành một phần trong kho vũ khí của Nga vào năm 1994.
R-77-1 cải tiến (Izdeliye 170-1) sau đó đã được trang bị cho các máy bay chiến đấu Flanker của Nga và đã chứng tỏ được khả năng trong các chiến dịch không kích ở Syria.
Trong khi R-77-1 được xem là bản nâng cấp tạm thời thì K-77M là giai đoạn phát triển tiếp theo của tên lửa khi các cánh điều khiển thông thường đã được thiết kế để có thể vận chuyển bên trong khoang vũ khí của Su-57. Loại bỏ các vây cánh cũ không chỉ cho phép Su-57 vận chuyển được vũ khí bên trong khoang mà còn giảm lực cản khí động học và tiết diện phản xạ radar của tên lửa.
Một số thay đổi quan trọng khác bao gồm: động cơ đẩy xung kép mới (dual-pulse rocket motor) và một bộ dò tìm radar đã được cải tiến sâu rộng. Động cơ xung kép đảm bảo cho lực đẩy luôn được duy trì trong suốt quá trình bay của tên lửa, qua đó cải thiện khả năng cơ động ở độ cao lớn, mở rộng tầm hoạt động và gia tăng hiệu quả tấn công.
Nhiều thông tin chưa được xác nhận cho thấy K-77M có thể đạt tầm bắn gấp đôi R-77, nghĩa là tên lửa mới sẽ có tầm tấn công 100 dặm (160 km).
Công ty Vympel tuyên bố, K-77M sẽ vượt trội hơn AIM-120C-7 AMRAAM và ngang bằng với các phiên bản AMRAAM kế tiếp,có lẽ là AIM-120D. Hãng sản xuất này cũng khẳng định vũ khí mới có khả năng tấn công cả tên lửa phòng không bắn vào máy bay đang phóng, thậm chí cả tên lửa đối phương tiếp cận từ phía sau.
Nga hiện cũng đang phát triển các tên lửa không đối không khác mà Su-57 có thể mang theo bên trong khoang, trong đó có cả Vympel K-74M2,hay Izdeliye 760, được thiết kế để triển khai từ các khoang chứa vũ khí “phóng nhanh” bên trong thân máy bay.
Để Su-57 mang được vũ khí bên ngoài và tên lửa phải có tầm hoạt động lớn hơn K-77M, Nga đã bí mật thiết kế động cơ phản lực dòng thẳng (ramjet) Izdeliye 180-PD. Đây được coi là một đối trọng của Nga với tên lửa không đối không MBDA Meteor của châu Âu và sử dụng kết hợp động cơ đẩy (rocket) và ramjet.
Việc triển khai tên lửa không đối không kết hợp động cơ rocket và ramjet sẽ là một bước tiến đáng kể đối với Lực lượng Không quân – Vũ trụ Nga.
Trái ngược với động cơ tên lửa thông thường, loại động cơ kết hợp này cho phép động cơ của tên lửa được điều chỉnh trong các giai đoạn bay khác nhau, đảm bảo trạng thái năng lượng cao ở giai đoạn tấn công cuối cùng.
Tên lửa R-37M trang bị cho Su-35S
Với Su-35S, đoạn video được BQP Nga công bố cho thấy máy bay này đã phóng đi tên lửa tầm rất xa R-37M. Trước đây, R-37M thường chỉ được vận hành bởi tiêm kích đánh chặn hạng nặng MiG-31 Foxhound và bản thân loại vũ khí này cũng rất hiếm khi được nhìn thấy.
Trong video, tên lửa được phóng từ một giá treo giữa dưới cánh phải của Flanker. Theo các tài khoản mạng xã hội Nga, Su-35S có thể mang theo tối đa 4 tên lửa R-37M, 2 quả dưới cánh và hai quả khác lắp dưới thân máy bay.
Theo thông số từ nhà sản xuất, R-37M, ít nhất là phiên bản xuất khẩu RVV-BD, có thể đánh bại nhiều loại mục tiêu trên không ở khoảng cách lên đến 124 dặm. Giống như biến thể R-33 trước đó, R-37M được cho là có khả năng trang bị đầu đạn hạt nhân để tiêu diệt các đội hình máy bay hoặc tên lửa lớn hơn.
Ở thời điểm hiện nay, chưa biết chính xác tại sao Lực lượng Không quân – Vũ trụ Nga lại chọn cách tích hợp R-37M cho Su-35S. Có thể, khi MiG-31 ngày càng đảm nhận thêm nhiều nhiệm vụ mới hơn như tấn công không đối đất và tiêu diệt vệ tinh thì Flanker được kỳ vọng sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong phòng không tầm xa.
Cũng có thể, việc tích hợp này được Nga thúc đẩy với hy vọng có thêm nhiều đơn hàng R-37M từ các khách hàng đang khai thác Flanker hiện nay hoặc sẽ đặt mua. Trong tương lai, dự kiến R-37M cũng sẽ được trang bị cho Su-57.
Tổng hợp tất cả các dữ kiện lại có thể thấy, những video được Nga tung ra chứng tỏ rằng Moscow đang rất nỗ lực tăng cường sức mạnh vũ khí cho các máy bay chiến đấu hiện tại và tương lai, trong đó có cả các tên lửa không đối không với khả năng vượt xa những đối thủ phương Tây hiện tại.
Tú Anh/TTT