Livestream gia đình Lê Quốc Tuấn là bất nhẫn và phạm luật
Lê Quốc Tuấn là kẻ thủ ác nhưng gia đình nếu không liên quan đến hành vi phạm tội của Tuấn, không giúp đỡ hoặc che giấu sau khi Tuấn phạm tội và bị truy nã, thì phải được đối xử như những công dân bình thường.
Sau khi Lê Quốc Tuấn (SN 1987) bị Công an TP HCM tiêu diệt, hàng chục youtuber đã kéo đến căn nhà hoang nơi Tuấn từng ẩn náu để quay clip đăng lên youtube.
Nhẫn tâm hơn, họ còn chầu chực trước căn nhà của gia đình Tuấn (huyện Củ Chi) để chờ gia đình mở cửa là quay clip hoặc phát sóng trực tiếp lên mạng xã hội.
Việc làm này của nhiều youtuber đã bị gia đình, hàng xóm của Tuấn phản ứng vì người gây ra tội đã không còn, chỉ còn người thân của Tuấn, mà họ là những người vô tội. Luật sư Nguyễn Thành Công (Công ty Đông Phương Luật, Đoàn Luật sư TP HCM) đã trao đổi với Báo Người Lao Động về vấn đề này.
Theo luật sư Nguyễn Thành Công, kẻ thủ ác đáng ngàn lần chết và thực tế cũng đã trả giá bằng mạng sống của mình. Điều ấy là tương xứng, ở góc độ khác thì đó là lẽ công bằng. Tất nhiên không phải mọi trường hợp mạng phải đổi mạng.
Pháp luật điều chỉnh hành vi xử sự của con người trong xã hội với việc mở rộng dần các quyền và nghĩa vụ tương ứng.
Trong đó, nguyên tắc cơ bản được xây dựng từ rất lâu đó là ai làm nấy chịu trách nhiệm hay cá thể hóa trách nhiệm pháp lý. Trừ trường hợp là người giám hộ, người đại diện mới phải chịu trách nhiệm thay nhưng cũng chỉ giới hạn trong trách nhiệm dân sự mà thôi. Còn với trách nhiệm hình sự, người có đầy đủ năng lực chủ thể (gồm năng lực pháp luật và năng lực hành vi) phải chịu trách nhiệm về mọi hành vi của mình gây ra.
Tuấn trở thành kẻ thủ ác khi cướp và giết tại chỗ 4 người, làm bị thương 3 người và bắn chết một người trên đường trốn chạy là hành vi không thể dung thứ, dù lý giải dưới bất cứ nguyên nhân nào.
Tuy nhiên, gia đình, cha mẹ, vợ con của Tuấn nếu không liên quan đến hành vi phạm tội của Tuấn, không giúp đỡ hoặc che giấu sau khi Tuấn phạm tội và bị truy nã, thì phải được đối xử như những công dân bình thường.
“Nhìn hình ảnh nhiều người dân chĩa điện thoại vào căn nhà đã đóng cửa để quay diễn biến và nhất cử nhất động của từng thành viên trong gia đình rồi đăng youtube, facebook, tôi thấy bất nhẫn và thất đức quá. Những hình ảnh này sẽ lan truyền đến tận hang cùng ngõ hẻm và được bình luận, bàn tán rôm rả. Chắc hẳn không thiếu những lời cay độc, nhói đau tận tâm can hay những bức tranh vẽ ra gia đình Tuấn như một nhóm tội phạm. Người lớn có thể vượt qua nhưng trẻ con thì làm sao? Có một người thân gây tội ác và đã phải trả giá là một mất mát quá lớn trong gia đình họ. Nhưng họ vô tội và còn cả tương lai nữa. Tôi biết nói ra điều này sẽ bị “ném đá” khi so sánh nỗi đau của gia đình bị hại. Có điều, pháp luật của nhà nước cũng như luật đời đều rất phân minh khi phân định trách nhiệm rõ ràng đối với người thực hiện hành vi phạm tội cũng như đồng phạm với chế tài cụ thể nhằm trừng trị lẫn răn đe và giáo dục chung.
Tức ai có liên quan và hành vi liên quan của họ được pháp luật xác định là vi phạm thì họ sẽ bị điều chỉnh, thậm chí bị trừng phạt. Còn không liên quan hay hành vi liên quan nhưng không phải là vi phạm pháp luật hình sự thì được điều chỉnh theo hình thức khác”- luật sư Nguyễn Thành Công phân tích.
Liên quan đến pháp lý, luật sư Nguyễn Thành Công cho rằng hành vi đăng các hình ảnh cá nhân mà chưa được phép của người bị đăng thì đó là sự vi phạm pháp luật. Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định rất rõ ở điều 38 về quyền này. Điều này đồng nghĩa những hành vi sai trái kia hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm pháp lý để yêu cầu bồi thường.
Rất mong mọi người thật tỉnh táo và có ứng xử phù hợp, đừng làm xấu thêm tình hình thậm chí gián tiếp giết chết thêm những người khác qua hành động tưởng vô hại hay được lý giải dưới bất cứ nguyên nhân nào về việc cung cấp thông tin cho xã hội.
Luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP HCM)